Mục tiêu của dự án DSS-2S là phát triển một cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin và mô hình thủy văn thủy lực cho lưu vực sông Sesan và Srepok nhằm phục vụ công tác quy hoạch và quản lý lưu vực.
Cụ thể, phát triển một DSS cho lưu vực sông 2S với một gói các mô hình đã được kiểm định tốt, một cơ sở kiến thức, các giao diện cho các dịch vụ thông tin được thiết kế để đáp ứng nhu cầu của các bên liên quan khác nhau cho các công tác dự báo lũ, vận hành hồ chứa và công tác khác. Đồng thời, ứng dụng DSS cho lưu vực sông 2S nhằm hỗ trợ các hoạt động quy hoạch tài nguyên nước như đánh giá tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) và các kịch bản phát triển; tăng cường năng lực cho các cơ quan quản lý nhằm duy trì và sử dụng DSS-2S cho các công tác quản lý và quy hoạch nguồn nước.
Các mô hình chính của DSS-2S gồm: Mô hình thủy văn tính toán mưa thành dòng chảy mặt và phù sa lơ lửng để làm biên đầu vào cho Mô hình cân bằng nước; Mô hình cân bằng nước tính toán dòng chảy mặt, vận hành hồ chứa và trầm tích từ các nhánh sông/suối đến hệ thống sông chính nhằm làm đầu vào cho mô hình thủy lực; Mô hình thủy lực quản lý vận hành các công trình (cửa cống, bơm, vận hành hồ chứa, đập tràn…) nhằm phân tích đặc tính thủy lực của hệ thống sông và các tác động có thể có của các can thiệp đối với hệ thống.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh cho biết, hiện nay Dự án DSS-2S đã thực hiện được 8 nội dung chính: xây dựng cơ sở dữ liệu; hiệu chỉnh kiểm định các bộ mô hình; tổ chức các khóa đào tạo; đang hoàn hiện giao diện DSS; đang cập nhật các dự liệu về lượng mưa, mực nước; đang xây dựng các mô đun vận chuyển bùn cát, chất lượng nước; đang xây dựng các kịch bản vỡ đập, BĐKH, công trình mới để chạy mô hình; đang xây dựng các báo cáo kĩ thuật và tài liệu hướng dẫn. “Kết quả dự kiến của Dự án rất ý nghĩa, phục vụ được rất nhiều mục đích trong công tác quản lý, điều tra quy hoạch tài nguyên nước và giám sát, vận hành các hồ chứa trên các dòng chính của Quy trình liên hồ chứa” - Phó Cục trưởng Châu Trần Vĩnh cho biết.
Để đảm bảo tính hiệu quả của Dự án, đại diện Cục Quản lý tài nguyên nước cũng đề xuất nên thành lập tổ công tác kĩ thuật tài nguyên nước bao gồm một số đơn vị của Bộ tham gia để tiếp tục thực hiện Dự án.
Tại cuộc họp xây dựng Dự án DSS-2S, Ông Lê Đức Trung - Chánh Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam cũng nêu ra một số khó khăn trong quá trình triển khai dự án, đặc biệt là các nội dung liên quan hệ thống số liệu thủy văn để chạy mô hình và các vấn đề về nước ngầm.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành cho biết, việc thực hiện dự án có ý nghĩa quan trọng nhằm tăng cường năng lực cho một số đơn vị thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc lập quy hoạch và quản lý lưu vực sông, dự báo lũ và quản lý nước xuyên biên giới trong lưu vực sông 2S.
Thứ trưởng Lê Công Thành chỉ đạo, trong thời gian tới, các đơn vị tham gia thực hiện dự án cần tích cực hơn nữa, đồng thời, Thứ trưởng nhất trí với đề xuất của Cục Quản lý tài nguyên nước là thành lập một tổ công tác kĩ thuật tài nguyên nước để hỗ trợ, duy trì và áp dụng các kết quả sau khi kết thúc Dự án. “Hệ thống hỗ trợ ra quyết định là một công nghệ tốt nhất hiện nay. Vì vậy, các đơn vị cần tiếp tục tham gia các khóa đào tạo để học hỏi, tiếp nhận và vận hành được hệ thống này, sẽ góp phần quan trọng vào công tác quản lý tài nguyên nước lưu vực sông Sê San và Srepok trong thời gian tới.” - Thứ trưởng Lê Công Thành nói.
Theo Báo TN&MT