MỤC LỤC TẠP CHÍ KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN SỐ THÁNG 10 NĂM 2024

Đăng ngày: 24-05-2024 File đính kèm
Số 766 tháng 10 năm 2024

TT

Tên bài và tác giả

Số Trang

1

Nghiên cứu đánh giá hiệu quả các phương pháp ước tính định lượng mưa từ dữ liệu radar thời tiết

Bùi Thị Khánh Hòa1*, Đỗ Thị Ánh Huyền1, Nguyễn Việt Hưng1, Hoàng Thị Thanh Thuật1, Nguyễn Thị Hoàng Anh1, Nguyễn Vinh Thư1

1 Trung tâm Mạng lưới khí tượng thủy văn quốc gia; khanhhoa303@gmail.com; anhhuyen1998.n@gmail.com; nguyenviethungb115@gmail.com; hoangthithanhthuat99@gmail.com; hoanganhck@gmail.com; vinhthu73@gmail.com

*Tác giả liên hệ: khanhhoa303@gmail.com; Tel.: +84–916591270

Tóm tắt: Nghiên cứu này đưa ra phương pháp xây dựng mối quan hệ giữa lượng mưa (R) và tham số độ lệch pha riêng (Kdp) của radar phân cực đôi trong trường hợp không có thiết bị phân loại kích thước hạt và so sánh hiệu quả ước tính định lượng mưa (Quantitative Precipitation Estimation - QPE) giữa phương pháp sử dụng tham số Kdp, phương pháp hiệu chỉnh hợp nhất có điều kiện (Kriging with Radar-based Error correction - KRE) và phương pháp Marshall-Palmer trong một số trường hợp mưa lớn tại khu vực Hà Nội. Kết quả chỉ ra rằng, mối quan hệ thực nghiệm R(Kdp) = 31,9Kdp0,81  xây dựng được trong nghiên cứu này được áp dụng riêng cho khu vực Hà Nội trong trường hợp xảy ra mưa lớn và phù hợp với hiện trạng khi không có mô phỏng về phân bố kích thước hạt mưa; việc sử dụng công thức thực nghiệm ước tính định lượng mưa R(Kdp) được thiết lập khi không có thiết bị phân loại hạt mang lại ít hiệu quả trong các trường hợp mưa lớn kể cả khi đã điều chỉnh cả hệ số a và b đối với từng đặc điểm thời tiết khác nhau. Phương pháp hiệu chỉnh KRE đã mô phỏng và nắm bắt tương đối tốt các trường hợp mưa thử nghiệm và cho kết quả tốt nhất trong số ba phương pháp đánh giá. 

Từ khóa: QPE; Độ lệch pha riêng Kdp; Radar phân cực đôi; KRE.

1

2

Ứng dụng bộ công cụ DNORA dự báo sóng tại vùng biển Nam Trung Bộ: Áp dụng thí điểm mô phỏng trường sóng trong bão Damrey năm 2017

Nguyễn Thị Hiền1, Trần Văn Hưng1*, Phùng Thị Vui1

1 Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Trung Bộ; hiennt22992@gmail.com; tranhungdubao@gmail.com; phungthivui@gmail.com

*Tác giả liên hệ: tranhungdubao@gmail.com; Tel.: +84–904491015

Tóm tắt: Sóng biển là yếu tố có vai trò và ý nghĩa quan trọng ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế xã hội (KT-XH) trên biển và vùng ven bờ. Dự báo sóng biển một cách chính xác, đặc biệt là sóng lớn trong bão sẽ giảm thiểu rủi ro về người cũng như thiệt hại về kinh tế. Hiện nay, đổi mới công nghệ dự báo khí tượng thủy văn (KTTV) nói chung và dự báo hải văn nói riêng của ngành KTTV đang là hướng đi đúng đắn để nâng cao chất lượng dự báo. Bộ công cụ DNORA là một công nghệ được Viện Khí tượng Na Uy chuyển giao cho Tổng cục KTTV trong thời gian gần đây. Trong nghiên cứu này, nhóm thực hiện giới thiệu về bộ công cụ DNORA và một số kết quả ứng dụng DNORA mô phỏng sóng trong bão Damrey năm 2017. Kết quả cho thấy, độ cao sóng mô phỏng có xu hướng cao hơn thực đo và chỉ số đánh giá RMSE dao động từ 0,67-0,75 m.

Từ khóa: Bão Damrey; Sóng biển; DNORA.

19

3

Nghiên cứu cải tiến phương pháp cảnh báo sét theo tổ hợp đa nguồn số liệu, áp dụng cho một số khu vực tại tỉnh Quảng Nam

Hoàng Hải Sơn1,2*, Nguyễn Xuân Anh1,2, Phạm Xuân Thành1,2, Phạm Lê Khương1,2, Nguyễn Văn Hiệp1,3

1 Viện Vật lý Địa cầu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; hhson.igp@gmail.com; nxanh@igp.vast.vn; pxthanh@igp.vast.vn; phamlekhuongigp@gmail.com

2 Học viện Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; hhson.igp@gmail.com; nxanh@igp.vast.vn; pxthanh@igp.vast.vn; phamlekhuongigp@gmail.com

3 Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Đồng bằng và Trung du Bắc Bộ; hiepwork@gmail.com

*Tác giả liên hệ: hhson.igp@gmail.com; Tel.: +84–984863042

Tóm tắt: Bài báo này trình bày những nghiên cứu cải tiến phương pháp cảnh báo sét theo tổ hợp đa nguồn số liệu ở một số khu vực tại tỉnh Quàng Nam, thu thập trong khoảng thời gian từ 2015 đến 2017. Phương pháp cảnh báo sét theo số liệu điện trường, số liệu ảnh mây và số liệu định vị sét cho khu vực bán kính 8 km xung quanh trạm tại Hội An, Hiệp Đức, Đại Lộc, xác định được ngưỡng điện trường cảnh báo sét tối ưu hóa qua hai chỉ số EFAI và EFDI từ các chỉ số thống kê POD, FAR và CSI. Phương pháp cảnh báo sét theo số liệu thiết bị cảnh báo sét, số liệu ảnh mây và số liệu định vị sét cho khu vực Tam Kỳ. Những kết quả nghiên cứu cho thấy: với nguồn số liệu độc lập, áp dụng cảnh báo sét cho một số khu vực tại Quảng Nam (Hội An, Hiệp Đức, Đại Lộc) xác định được thời gian cảnh báo sét trung bình đạt 22,45 phút, tỷ lệ cảnh báo sét đúng đạt 82,56%. Thử nghiệm cảnh báo sét theo số liệu thiết bị Strike Guard, số liệu vệ tinh, số liệu định vị sét tại Tam Kỳ, xác định được thời gian cảnh báo sét trung bình là 18,0 phút. Những kết quả cho thấy có thể sử dụng các phương pháp cảnh báo sét đã xây dựng cho các khu vực nghiên cứu phục vụ phát triển kinh tế xã hội và du lịch tại tỉnh Quảng Nam.

Từ khóa: Cảnh báo sét; Điện trường mây dông; Ảnh mây; Định vị sét.

29

4

Ảnh hưởng của kỹ thuật lấy mẫu đến tính chất vi nhựa vùng cửa sông, ven biển: Thí điểm tại cửa Hới, tỉnh Thanh Hóa

Dương Thị Lịm1*, Nguyễn Thị Hương Thúy1, Đặng Trần Quân1, Nguyễn Thị Lan Hương1, Nguyễn Thị Huế1, Trịnh Thị Minh Trang1, Trần Thu Thủy1, Phạm Thị Dung1, Nguyễn Việt Cường1, Vũ Đức Mạnh2

1 Viện Địa lý - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; duonglim@yahoo.com.vn; huongthuyqlmt@gmail.com; dtquan2810@gmail.com; lanhuong.vdl@gmail.com; nguyenhuevdl@gmail.com; minhtrang30687@gmail.com; tranthuthuybg@gmail.com; dungkhda56@gmail.com; cuongnguyenviet94@gmail.com

2 Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội; manhvu2610@gmail.com

*Tác giả liên hệ: duonglim@yahoo.com.vn; Tel: +84–904552896

Tóm tắt: Các mảnh nhựa có chiều dài lớn nhất ≤ 5 mm được gọi là vi nhựa, phân hủy chậm trong môi trường tự nhiên, có thể hấp thụ và lan truyền các chất gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nhiều tác động tiêu cực đối với hệ sinh thái. Thu mẫu vi nhựa là bước cơ bản và quan trọng nhất trong toàn bộ quá trình xác định vi nhựa trong môi trường nước, nó ảnh hưởng đến dữ liệu mật độ, đặc điểm của vi nhựa được khảo sát. Trong công bố này, kỹ thuật kéo lưới có kích thước mắt 80 µm và kỹ thuật lọc thể tích bằng rây có kích thước lỗ 100 µm thu mẫu vi nhựa được thực hiện tại khu vực cửa Hới, tỉnh Thanh Hóa. Kết quả mật độ vi nhựa tại khu vực cửa Hới sử dụng kỹ thuật kéo lưới dao động trong khoảng 5,3-194,2 n/m3, và giá trị trung bình ± độ lệch chuẩn là 45,6 ± 49,6 n/m3, sử dụng phương pháp lọc thể tích trong khoảng từ 565-1505 n/m3, và giá trị trung bình ± độ lệch chuẩn là 972 ± 341,4 n/m3. Nhiều hình dạng vi nhựa hơn đã được tìm thấy khi sử dụng kỹ thuật kéo lưới, kích thước trung bình của vi nhựa khi sử dụng kỹ thuật kéo lưới lớn hơn phương pháp lọc thể tích. Kỹ thuật kéo lưới có khả năng thu lượng mẫu lớn hơn nhưng độ ổn định kém hơn kỹ thuật lọc. Kết quả nghiên cứu cho thấy nên lựa chọn kỹ thuật thích hợp dựa trên điều kiện lấy mẫu thực tế và các công cụ sẵn có trong quá trình nghiên cứu để nâng cao độ tin cậy của kết quả.

Từ khóa: Cửa Hới; Vi nhựa; Thu mẫu vi nhựa.

43

5

Đánh giá hiệu quả ứng dụng ảnh Sentinel-1 và Sentinel-2 xác định mất rừng: Thí điểm khu vực huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng

Nguyễn Vinh Phú1, Phạm Thị Làn2*

1 Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Lâm Đồng; vinhphuqbvr@gmail.com

2 Đại học Mỏ - Địa chất; phamthilan@humg.edu.vn

*Tác giả liên hệ: phamthilan@humg.edu.vn; Tel.: +84–983321882

Tóm tắt: Mất rừng là thách thức toàn cầu, làm ảnh hưởng đến là phổi xanh của trái đất và làm mất đi môi trường sống của sinh vật. Do vậy, giám sát mất rừng là cần thiết để có biện pháp chiến lược cho việc bảo vệ rừng trong tương lai. Nghiên cứu sử dụng các chỉ số NDVI, RFI và NBCI được tính từ ảnh Sentinel-1, Sentinel-2 trong xác định diện tích mất rừng của năm 2021 so với năm 2020. Chỉ số NDVI được tính từ ảnh Sentinel-2. và chỉ số RFI tính từ sự khác biệt giá trị tán xạ phản hồi của rừng đối với kênh phân cực VH trên ảnh Sentinel-1. Trong khi đó, chỉ số NBCI được kết hợp kênh NDVI với kênh VH. Kết quả chứng minh được rằng chỉ số NBCI đem lại độ chính xác cao nhất trong xác định mất rừng, đạt 79,53%. Trong khi đó, chỉ số KB - chỉ số khác biệt NDVI và chỉ số RFI đạt lần lượt là 55,83% và 14,85%. Với chỉ số NBCI, rừng ở khu vực Đam Rông được xác định là mất 50,51ha. Hiệu quả của việc kết hợp Sentinel-1 và Sentinel-2 đã định hướng cho các nhà quản lý một giải pháp thích hợp trong việc kiểm kê rừng hàng năm.

Từ khóa: Mất rừng; Sentinel-1; Sentinel-2.

53

6

Ứng dụng dữ liệu đa phổ Sentinel-2 trong thành lập bản đồ sinh vật đáy khu vực quần đảo Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Việt Nam

Nguyễn Quang Minh1, Nguyễn Văn Trung2,3, Lê Thị Thu Hà2,3*

1 Cục Bản đồ, Bộ tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng; nguyenquangminh.sar@gmail.com

2 Trường Đại học Mỏ - Địa chất; nguyenvantrung@humg.edu.vn; lethithuha@humg.edu.vn

3 Nhóm nghiên cứu Công nghệ Địa tin học trong Khoa học Trái đất (GES), Trường Đại học Mỏ - Địa chất; nguyenvantrung@humg.edu.vn; lethithuha@humg.edu.vn

*Tác giả liên hệ: lethithuha@humg.edu.vn; Tel.: +84–983115967

Tóm tắt: Quan trắc các rạn san hô và cỏ biển là một thách thức đặc biệt đối với công nghệ viễn thám do sự không đồng nhất của phản xạ phổ xảy ra ở các độ sâu khác nhau và các thành phần vật chất trong nước. Nghiên cứu này sử dụng các kỹ thuật xử lý dữ liệu đa phổ Sentinel-2 để thành lập bản đồ sinh vật đáy khu vực quần đảo Côn Đảo, đặc biệt là các rạn san hô và cỏ biển để phục vụ quản lý, giám sát các hiện tượng biến đổi của chúng trong bối cảnh nước biển ấm lên do biến đổi khí hậu. Các kỹ thuật loại trừ phản xạ phổ của tia sáng trên bề mặt nước, tính toán chỉ số độ sâu không đổi và phân loại các sinh vật đáy được sử dụng phân loại để thành lập bản đồ sinh vật đáy gồm rạn san hô và cỏ biển với độ chính xác tổng thể đạt 79,66% và hệ số kappa đạt được là 0,694. Sự phân bố của san hô, cỏ biển và cát biển phụ thuộc nhiều vào địa hình đáy biển khu vực nước nông và môi trường sống của hệ sinh thái dưới nước khu vực nghiên cứu. Kết quả của nghiên cứu này là tiền đề cho áp dụng dữ liệu đa phổ vệ tinh để nghiên cứu các sinh vật đáy ở vùng nước nông ven các đảo và bờ biển của nước ta.

Từ khóa: Bản đồ sinh vật đáy; Dữ liệu đa phổ Sentinel-2; Quần đảo Côn Đảo.

65

7

Nghiên cứu phân vùng mức độ thích nghi đối với các loại rừng trồng trong vùng đất bán ngập lòng hồ Srok Phu Miêng, tỉnh Bình Phước, Việt Nam

Trần Đăng An1*, Thái Hữu Hùng2, Nguyễn Thái Sơn3

1 Trường Đại học Thủy lợi; antd@tlu.edu.vn

2 Viện Công nghệ Tài nguyên nước và Môi trường; thaihuuhung636@gmail.com

3 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang; thaisonkg91@gmail.com

*Tác giả liên hệ: antd@tlu.edu.vn; Tel.: +84–965398649

Tóm tắt: Nghiên cứu này được thực hiện nhằm phân vùng khả năng thích nghi của các loại rừng trồng trong vùng đất bán ngập khu vực lòng hồ thủy điện Srok Phu Miêng, tỉnh Bình Phước dựa vào kết quả khảo sát thực địa, lấy mẫu phân tích các chỉ tiêu chất lượng nước, chất lượng đất và sử dụng phương pháp phân tích cặp (AHP). Nghiên cứu đã xác định bốn yếu tố chính ảnh hưởng đến khả năng thích nghi của cây trồng bao gồm thời gian ngập, độ sâu ngập, độ dốc địa hình và chiều sâu tầng đất với hệ số tác động lần lượt là 0,30, 0,27, 0,19, và 0,13. Trong khi đó, các yếu tố khác như độ cao, chất lượng nước và chất lượng đất ảnh hưởng không đáng kể (≤ 0,05) tới khả năng thích nghi của các loại rừng trồng trong khu vực nghiên cứu. Kết quả cũng cho thấy rằng cây tràm và cây gáo vàng thích nghi tốt hơn so với cây keo, với diện tích thích nghi là 23,15 ha so với chỉ 1,53 ha của cây keo. Nghiên cứu này cung cấp các hiểu biết về tầm quan trọng của các yếu tố môi trường và khả năng thích nghi của các loại rừng trồng trong vùng đất bán ngập hồ chứa từ đó giúp các đơn vị có liên quan có kế hoạch khai thác, sử dụng và phát triển bền vững rừng trồng trong vùng đất bán ngập các hồ chứa nước thủy lợi và thủy điện trên địa bàn tỉnh Bình Phước nói riêng và các khu vực khác của Việt Nam nói chung.

Từ khóa: Mức độ thích nghi; Chỉ số SI, AHP, WQI, SQI.

77

8

Quản trị an ninh phi truyền thống liên quan biến đổi khí hậu để phát triển bền vững

Nguyễn Đức Toàn1*

1 Cục Biển và Hải đảo Việt Nam; toantnmt@gmail.com

*Tác giả liên hệ: toantnmt@gmail.com; Tel.: +84–979716466

Tóm tắt: Trước những thách thức từ biến đổi toàn cầu, an ninh phi truyền thống (ANPTT) liên quan với BĐKH ngày càng có vai trò quan trọng đối với ổn định kinh tế, xã hội và phát triển bền vững (PTBV) của quốc gia. Các giải pháp quản trị ANPTT liên quan đến biến đổi khí hậu (BĐKH) để PTBV ở Việt Nam gồm: (i) Tích hợp đồng bộ ANPTT - bảo vệ môi trường (BVMT) - ứng phó BĐKH - PTBV; (ii) Nâng cao nhận thức cộng đồng về bản chất, xu thế, tác động và trách nhiệm của các bên liên quan trong thực hiện giải pháp ngăn chặn các mối đe dọa ANPTT; (iii) Chủ động, tích cực phòng ngừa, ứng phó với các mối đe dọa ANPTT liên quan BĐKH; (iv) Tăng cường và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về phòng ngừa, kiểm soát và ứng phó với các mối đe dọa ANPTT; (v) Huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính đa dạng; (vi) Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và chuyển giao tri thức về an ninh phi truyền thống, BVMT, ứng phó BĐKH để PTBV; (vii) Nâng cao năng lực và vai trò các bên liên quan trong tích hợp đồng bộ hệ thống ANPTT gắn với BVMT, ứng phó BĐKH để PTBV.

Từ khóa: Quản trị; An ninh phi truyền thống; Biến đổi khí hậu; Phát triển bền vững.

91

Tin tiêu điểm
Tin mới nhất