MỤC LỤC TẠP CHÍ KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN THÁNG 7 NĂM 2019

Đăng ngày: 16-10-2019 File đính kèm
Số 703* Tháng 7 năm 2019

TT

Tên bài và tác giả

Số trang

1

NGHIÊN CỨU ỨNG DỤNG MÔ HÌNH HOÁ TÍNH TOÁN Ô NHIỄM KHÔNG KHÍ CHO NGUỒN THẢI ĐƯỜNG VÀ THỂ TÍCH - TRƯỜNG HỢP ÁP DỤNG TẠI MỎ KHAI THÁC ĐÁ TỈNH BÌNH DƯƠNG

Bùi Tá Long1* , Nguyễn Hoàng Phong1 , Nguyễn Châu Mỹ Duyên1

1 Trường Đại học Bách Khoa Tp. HCM

Tóm tắt: Phát thải từ hoạt động khai thác đá là loại hình gây ô nhiễm chính cho khu vực xung quanh với loại hình nguồn thải nguồn đường và nguồn thể tích. Mô hình hóa môi trường là công cụ không thể thiếu để đánh giá phạm vi và mức độ ảnh hưởng từ loại hình hoạt động này. Trong nhiều năm qua, đã có nhiều nghiên cứu dựa trên phương pháp mô hình toán khác nhau, đặc biệt Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ đã đưa ra phương pháp tính toán lưu ý tới địa hình phức tạp và sự thay đổi khí tượng tại lớp biên khí quyển. Bài báo này, dựa trên phương pháp kết hợp mô hình toán, GIS, WRF tính toán ô nhiễm không khí từ nguồn thể tích và nguồn đường từ hoạt động khai thác đá tại Bình Dương. Kết quả tính toán được kiểm định từ số liệu thực đo cho thấy độ tin cậy của mô hình được đề xuất.

Từ khóa: Mô hình phát tán, ô nhiễn bụi, nguồn thể tích, nguồn đường, WRF.

1

2

PHÂN TÍCH HIỆN TRẠNG PHÂN BỐ DÒNG CHẢY VÀ ĐÁNH GIÁ ẢNH HƯỞNG CỦA CÁC DỰ ÁN TƯỚI ĐẾN PHÂN BỐ DÒNG CHẢY TẠI LƯU VỰC SÔNG MÊ CÔNG

Nguyễn Anh Đức1 , Trần Anh Phương1 , Nguyễn Đình Đạt2 , Nguyễn Huy Phương2 , Phạm Tường2 , Phạm Nhật Anh1

1 Viện Khoa học tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường

2 Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường

Tóm tắt: Nghiên cứu này tập trung phân tích hiện trạng phân bố dòng chảy và đánh giá tác động của các dự án phát triển tưới, một trong những phát triển sử dụng nước “nóng” trên lưu vực bên cạnh phát triển thủy điện, đến phân phối dòng chảy lưu vực sông Mê Công. Kết quả tính toán cho thấy, dòng chảy tập trung chủ yếu vào mùa mưa (86%) đã gây ra tình trạng lũ lụt vào mùa mưa và hạn hán vào mùa khô. Trong số các nước trên lưu vực, Lào đóng góp dòng chảy vào đồng bằng sông Cửu Long lớn nhất (46%), tiếp theo sau bởi Trung Quốc (15%). Nếu các công trình khai thác sử dụng nước được thực hiện như kế hoạch đến năm 2060 thì nhìn chung tổng dòng chảy mùa mưa và dòng chảy năm trên toàn lưu vực giảm. Nếu các hồ chứa tham gia vào điều tiết dòng chảy thì sự khác biệt giữa mùa mưa và mùa khô trên phần lưu vực thuộc địa phận Trung Quốc, Lào và một phần Campuchia (7C) giảm đi. Với Thái Lan, do lấy nước tưới từ sông Mê Công vào phục vụ phát triển nông nghiệp, dòng chảy các mùa và tổng dòng chảy năm ở vùng 5T đều tăng. Dòng chảy từ lưu vực Sesan-Srepok của Việt Nam (7V) giảm 8,1% do nhu cầu sử dụng nước tăng. Nếu các hồ chứa không tham gia vào điều tiết dòng chảy thì dòng chảy các mùa, đặc biệt là mùa khô trên toàn lưu vực (ngoại trừ vùng 5T) giảm mạnh. Kết quả của nghiên cứu này sẽ cũng cấp cơ sở khoa học cần thiết cho công tác đàm phán, hợp tác giữa Việt Nam với các quốc gia trên lưu vực chia sẻ nguồn nước dựa trên các quy định trong Hiệp định Mê Công 1995 và Công ước 1997 của Liên hợp quốc.

Từ khóa: Phát triển tưới, Mê Công, dòng chảy, thuỷ điện, mùa khô, mùa mưa

16

3

ỨNG DỤNG MÔ HÌNH THỦY VĂN-THỦY LỰC KẾT HỢP MƯA DỰ BÁO IFS PHỤC VỤ CẢNH BÁO LŨ, NGẬP LỤT HẠ LƯU SÔNG VU GIA-THU BỒN

Đoàn Quang Trí 1

1 Tạp chí Khí tượng Thủy văn, Tổng cục Khí tượng Thủy văn

Tóm tắt: Nghiên cứu ứng dụng mô hình hóa trong vấn đề cảnh báo, dự báo lũ, ngập lụt đã được quan tâm nghiên cứu gần đây. Nghiên cứu này áp dụng kết hợp bộ mô hình thủy văn MIKE SHE, mô hình thủy lực MIKE 11 và mô hình MIKE 11 GIS để mô phỏng, cảnh báo ngập lụt cho khu vực hạ lưu sông Vu Gia-Thu Bồn, Việt Nam. Nghiên cứu sử dụng mưa từ mô hình số trị IFS làm đầu vào cho mô hình thủy văn thủy lực. Kết quả hiệu chỉnh và kiểm định mô hình thủy văn MIKE SHE và mô hình thủy lực MIKE 11 chỉ ra rằng mô hình có khả năng mô phỏng tốt. Kết quả so sánh quá trình lưu lượng, mực nước tính toán và thực đo có sự tương đồng cao về pha và biên độ dao động dựa theo 03 chỉ số đánh giá NSE, RSR và PBIAS. Kết quả mô phỏng cảnh báo ngập cho khu vực hạ lưu theo cấp báo động và mức lũ lịch sử sẽ đưa ra những kết quả thống kê về diện tích ngập, mức độ ngập hỗ trợ cho công tác ứng phó khắc phục sự cố khi có thiên tai xảy ra.

Từ khóa: IFS, MIKE SHE, MIKE 11-MIKE 11 GIS, Ngập lụt, Vu Gia-Thu Bồn

27

4

PHÂN TÍCH NGUYÊN NHÂN GÂY GIA TĂNG XÓI LỞ BỜ SÔNG Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Huỳnh Công Hoài 1 , Nguyễn Thị Bảy1 , Đào Nguyên Khôi 2 , Trà Nguyễn Quỳnh Nga1

1 Đại học Bách Khoa TP. Hồ Chí Minh

2 Đại học Khoa học Tự Nhiên TP. Hồ chí Minh

Tóm tắt: Hiện tượng sạt ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã xảy ra từ nhiều thập kỷ tuy nhiên trong 10 năm trở lại đây hiện tượng sạt lở xảy ra nghiêm trọng và ngày càng gia tăng. Để tìm hiểu nguyên nhân làm gia tăng sự sạt lở ở ĐBSCL, các số liệu về sạt lở được thu thập và phân tích. Kết quả cho thấy có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến hiện trạng sạt lở như do địa chất, hình thái sông, chế độ thủy lực, chế độ phù sa bùn cát, khai thác cát, giao thông thủy, xậy dựng hạ tầng. Tuy nhiên từ số liệu phân tích cho thấy từ năm 2012 khi các hồ chứa trên dòng chính Mekong đi vào hoạt động, thể tích tích nước tích lại trong các hồ chứa đã gia tăng từ 920 triệu khối lên 16370 triệu khối. Cũng từ thời điểm đó diễn biến sạt lở ở ĐBSCL cũng bắt đầu gia tăng từ dưới 100 điểm tăng dần cho đến nay trên 600 điểm sạt. Song song với thời gian tích nước ở các hồ chứa thượng nguồn, số liệu đo đạt cũng cho thấy lượng phù sa bùn cát về ĐBSCL giảm đáng kể, đặc biệt ở Tân Châu giảm đến 50% so với trước 2012. Điều này cho thấy việc thiếu hụt phù sa bùn cát do phù sa bùn cát tích tụ trong các hồ chứa trên dòng chính sông Mekong có những mối liên hệ chặt chẽ đến sự gia tăng xói lở ở ĐBSCL. Bên cạnh đó hiện trạng khai thác cát bừa bãi làm sự thiếu hụt phù sa bùn cát thêm trầm trọng và tạo ra sự mất ổn định cho lòng sông cũng tác động làm gia tăng sự xói lở.

Từ khóa: Bờ sông, sạt lở, Đồng bằng sông Cửu Long, phù sa bùn cát, thủy lực, hình thái sông, khai thác cát.

42

5

NGHIÊN CỨU PHÂN LOẠI HÌNH THẾ GÂY THỜI TIẾT GÂY NÓNG BẤT THƯỜNG TRÊN KHU VỰC BẮC BỘ GIAI ĐOẠN ĐẦU MÙA ĐÔNG BẰNG PHƯƠNG PHÁP SOM

Võ Văn Hòa1 , Dư Đức Tiến2 , Trần Anh Đức2 , Mai Khánh Hưng2 , Đặng Đình Quân2 , Nguyễn Văn Khiêm3 , Nguyễn Vĩnh An4

1 Đài Khí tượng thủy văn khu vực đồng bằng Bắc Bộ

2 Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia

3 Văn phòng Bộ công an

4 Viện Khoa học khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu

Tóm tắt: Từ các số liệu quan trắc nhiệt độ trung bình ngày và nhiệt độ tối cao ngày trên khu vực Bắc Bộ trong 30 năm trở lại đây vào các tháng 11 (giai đoạn đầu mùa đông) cho thấy trung bình 2 năm xảy ra các ngày có dị thường nhiệt độ trung bình ngày và tối cao khá lớn (trên 5o C) và tồn tại 4 đợt kéo dài hơn 2 ngày gần như một dạng đợt nóng (warm spell) với mức độ ở dạng gần như phổ biến (trên 40% số trạm ở Bắc Bộ đạt phổ biến nhiệt độ cực đại ngày từ 32o C đến 34o C). Bài nghiên cứu sử dụng phương pháp khai phá dữ liệu nhiều chiều/ bản đồ tự tổ chức SOM (Self-OrganizingMaps) để phân loại các đặc trưng hoàn lưu khí quyển liên quan đến hiện tượng thời tiết nóng bất thường trên khu vực Bắc Bộ giai đoạn đầu mùa đông. So với phương pháp thần kinh nhân tạo truyền thống thì đây là mạng truyền thẳng sử dụng thuật học cạnh tranh, không giám sát. Do đó, SOM là một công cụ thích hợp trong bài toán nghiên cứu và khám phá dữ liệu nhiều chiều. Sử dụng số liệu tái phân tích JRA của Nhật gồm áp suất bề mặt (liên quan đến hoạt động của vùng thấp nóng phía Tây có tâm nằm trên lãnh thổ Ấn Độ - Pakistan), độ cao địa thế vị mực 500hPa (liên quan đến vai trò của Cao cận nhiệt đới Tây Bắc Thái Bình Dương) cho thấy các phân loại với 2 hoặc 3 cụm điển hình đều thấy rõ nguyên nhân chủ yếu/duy nhất liên quan đến tính dị thường của hoạt động của vùng thấp nóng phía Tây cho khu vực Bắc Bộ vào thời kì đầu mùa đông.

Từ khóa: Nóng bất thường, phương pháp SOM, đầu mùa đông, Bắc Bộ Việt Nam.

51

6

PHÂN BỔ HỢP LÝ TÀI NGUYÊN NƯỚC LƯU VỰC SÔNG SREPOK

Đỗ Thị Ngọc Bích1 , Nguyễn Cao Đơn1*

1 Viện Khoa học Tài nguyên nước, Số 8 phố Pháo Đài Láng, Đống Đa, Hà Nội

Tóm tắt: Lưu vực sông Srêpok là một trong những lưu vực sông lớn của nước ta, có nguồn nước xuyên biên giới, do đó việc nghiên cứu phân bổ hợp lý tài nguyên nước lưu vực sông Srepok nhằm bảo vệ tài nguyên và môi trường mà vẫn đảm bảo cho việc phát triển kinh tế xã hội của các ngành địa phương cần phải có những luận cứ thuyết phục. Báo cáo này trình bày kết quả tính toán phân bổ nguồn nước cho các ngành ở những vùng bị thiếu nước vào thời kỳ khô hạn sử dụng mô hình quy hoạch tuyến tính. Đầu vào của mô hình là giá trị kinh tế sử dụng nước và nhu cầu nước cho các ngành trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, công nghiệp và sinh hoạt, kết hợp với với lượng nước có thể phân bổ cho từng vùng theo các tháng trong điều kiện chưa có các công trình tạo nguồn. Kết quả cho thấy, nhu cầu nước của cả lưu vực chiếm 95% là phục vụ tưới cho nông nghiệp nhưng giá trị kinh tế ngành này đem lại thấp hơn nhiều so với ngành chăn nuôi và công nghiệp. Bên cạnh đó, một số vùng bị thiếu nước nghiêm trọng vào mùa khô, lượng nước chưa đáp ứng được 10% nhu cầu. Do đó, ngoài ưu tiên cấp đủ nước cho sinh hoạt thì các ngành công nghiệp, chăn nuôi, thủy sản cũng được ưu tiên cấp lượng nước tối thiểu đủ để duy trì sản xuất. Lượng nước tưới còn thiếu cần được quy hoạch cấp nước từ các hồ chứa nước hoặc chuyển nước từ các sông lân cận.

Từ khóa: Quy hoạch tuyến tính, ước tính giá trị kinh tế sử dụng nước, phân bổ tài nguyên nước, lưu vực sông Srepok

60

7

NGHIÊN CỨU MỐI LIÊN HỆ GIỮA YẾU TỐ LƯỢNG MƯA VÀ SỰ GIA TĂNG TRỰC KHUẨN ĐƯỜNG RUỘT (FECAL COLIFORM) Ở MỘT SỐ HỒ KINH THÀNH HUẾ

Nguyễn Minh Kỳ1 , Nguyễn Tri Quang Hưng1 , Đoàn Thị Quỳnh Trâm1 , Bạch Quang Dũng2

1 Trường Đại học Nông Lâm Tp. Hồ Chí Minh

2 Tổng cục Khí tượng Thủy văn

Tóm tắt: Mục đích của nghiên cứu nhằm xác định mối liên hệ tác động của yếu tố lượng mưa đến sự nhiễm bẩn Fecal coliform một số hồ Kinh thành Huế. Nghiên cứu lựa chọn địa điểm lấy mẫu và quan trắc chỉ số Fecal coliform tại các hồ Tịnh Tâm, Cây Mưng, Tân Miếu và Hộ Vệ. Mức độ nhiễm bẩn hàm lượng Fecal coliform trong mùa mưa cao hơn so với mùa khô. Điều này được lý giải bởi nguy cơ nhiễm bẩn vi sinh cao vào mùa mưa thông qua quá trình chảy tràn đô thị. Tương quan giữa lượng mưa với hàm lượng Fecal coliform được thể hiện qua hệ số Pearson với R = 0,626 (p<0,01). Phương trình liên hệ giữa yếu tố hàm lượng Fecal coliform và lượng mưa: Fecal coliform = 33,840 + 4,108*Lượng mưa (R2 =0,392; F =19,372; p><0,01). Hệ thống các hồ Kinh thành Huế đã và đang chịu tác động bởi khu dân cư liền kề thải các chất có thể gây ô nhiễm các hồ có ý nghĩa về mặt di tích lịch sử, văn hóa. Vì vậy cần có những giải pháp thiết thực ngăn chặn khả năng gia tăng ô nhiễm và có thể gây mất cân bằng sinh thái cho các hồ này. Từ khóa: Fecal coliform, hồ, Kinh thành Huế, lượng mưa, tương quan. ><0,01). Phương trình liên hệ giữa yêu tố hàm lượng Fecal coliform và lượng mưa: Fecal coliform = 33,840 + 4,108* Lượng mưa (R2  = 0,392; F = 19,372; p< 0,01). Hệ thống các hồ Kinh thành Huế đã và đang chịu tác động bởi khu dân cư liền kề thải các chất có thể gây ô nhiễm các hồ có ý nghĩa về mặt di tích lịch sử, văn hóa. Vì vậy cần có những giải pháp thiết thực ngăn chặn khả năng gia tăng ô nhiễm và có thể gây mất cân bằng sinh thái cho các hồ này.

Từ khóa: Fecal coliform, hồ, Kinh thành Huế, lượng mưa, tương quan

69

8

TÓM TẮT TÌNH HÌNH THỦY VĂN, MÔI TRƯỜNG THÁNG 6 NĂM 2019

78

Tin tiêu điểm
Tin mới nhất