Khu vực sạt lở nằm gần dốc cầu Ô Môn, TP. Cần Thơ, nơi có nhiều hộ dân cất nhà sinh sống cặp bờ sông. Điểm sạt lở có chiều dài khoảng 40m, ăn sâu vào bờ hơn 10m. Theo người dân địa phương, bờ sông ở vị trí trên có dấu hiệu sạt lở nhiều năm nay nên cũng đã có những bước để đề phòng. Trước vụ sạt lở khoảng 10 ngày, các căn nhà bị sạt lở cũng đã xuất hiện dấu hiệu rạn nứt nên một số gia đình đã dọn di nơi khác, chỉ còn một hộ làm nghề buôn bán ở lại.
Tuyến sông Ô Môn những năm gần đây thường diễn ra các vụ sạt lở.
Đến trưa ngày 28/3, bờ sông bất ngờ bị sụp xuống. Dãy nhà liền kề gồm 5 căn có 4 căn bị nhấn chìm xuống sông. Vụ sạt lở ước thiệt hại gần 1 tỷ đồng.
Ngay sau khi vụ sạt lở xảy ra, UBND phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn đã cử lực lượng để hỗ trợ người dân trục vớt tài sản, di dời đến nơi an toàn. Đồng thời, tổ chức rào chắn, hướng dẫn giao thông tại khu vực, không để người dân lui tới khu vực sạt lở nhằm tránh nguy hiểm xảy ra. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn quận Ô Môn cũng đề nghị thành phố xem xét hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại nhà cửa do sạt lở theo quy định.
Khu vực diễn ra sạt lở làm 4 căn nhà bị nhấn chìm xuống sông.
Vụ sạt lở làm 2 căn nhà của bà Tống Thị Mai bị nhấn chìm xuống sông, theo bà Mai, trước khi vụ sạt lở xảy ra khu vực này đã có dấu hiệu của sạt lở, bà đã thuê người gia cố rọ đá, đóng cừ làm kè tạm để bảo vệ cho căn nhà. Tuy nhiên, khi kè vừa hoàn thành khoảng một tuần đã xảy ra sạt lở.
Ông Nguyễn Quý Ninh, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn TP. Cần Thơ cho biết, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên đang xuống hiện trường để nắm tình hình và có những giải pháp để hỗ trợ cho các gia đình có nhà bị ảnh hưởng của vụ sạt lở. Chính quyền địa phương và các ngành chức năng đã tiến hành việc trục vớt đồ đạc và thống kê mức độ thiệt hại để báo cáo thành phố hỗ trợ cho người dân.
Chính quyền địa phương đã tổ chức rào chắn, hướng dẫn giao thông tại khu vực, không để người dân lui tới khu vực sạt lở nhằm tránh nguy hiểm xảy ra.
Chính quyền địa phương đã cắm biển cảnh báo tại khu vực sạt lở.
Cũng theo ông Nguyễn Quý Ninh, tuyến sông Ô Môn là tuyến sông chính có vai trò rất quan trọng trong mạng lưới giao thông thủy của TP. Cần Thơ. Tuyến sông này thường xuyên diễn ra các vụ sạt lở, một số địa điểm có nguy cơ sạt lở đã xin chủ trương để làm kè chống sạt lở kiên cố để đảm an toàn, tính mạng và tài sản cho người dân:"Tuyến sông Ô Môn rất thường xuyên xảy ra sạt lở, một số vị trí xung yếu mình cũng đã xin chủ trương làm các dự án kè chống sạt lở kiên cố. Đoạn này sẽ tiếp tục khảo sát cụ thể để lên phương án trong thời gian tới".
Hiện nay, Cần Thơ đã và đang triển khai nhiều dự án bờ kè chống sạt lở trên tuyến sông Ô Môn. Trong đó, có 3 dự án đang trong giai đoạn xây dựng với tổng vốn đầu tư hơn 400 tỷ đồng./.
Phạm Hải/VOV-ĐBSCL