AIPA cần hành động thực chất hơn nữa để ứng phó biến đổi khí hậu

Đăng ngày: 24-08-2021 | Lượt xem: 2100
Nhận thức biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu, Việt Nam luôn nỗ lực đóng góp vào hành động chung, thực hiện nghiêm túc các điều ước và thỏa thuận quốc tế cũng như tích cực thực hiện các nghị quyết AIPA.

Trong khuôn khổ Đại hội đồng Liên nghị viện các nước ASEAN lần thứ 42 (AIPA 42) diễn ra theo hình thức trực tuyến, chiều nay 24/8, Ủy ban Xã hội đã họp và xem xét nhiều dự thảo Nghị quyết. Đoàn Việt Nam do ông Nguyễn Tuấn Anh – Phó Chủ nhiệm Ủy ban KH-CN-MT của Quốc hội dẫn đầu tham dự cuộc họp và đóng góp ý kiến vào nhiều nội dung quan trọng.

Hành động thực chất hơn để ứng phó biến đổi khí hậu

Đề xuất dự thảo Nghị quyết về “Tăng cường hợp tác và đẩy mạnh kỹ thuật số bao trùm để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu”, nước chủ nhà Brunei nhấn mạnh, ASEAN là một trong khu vực tăng trưởng có sự tăng trưởng kinh tế năng động, song cũng chịu tác động của biến đổi khí hậu, do vậy phải hợp tác sâu rộng hơn nữa, xây dựng hệ thống biện pháp tăng cường ứng phó một cách tự cường hơn.

Nghị quyết một lần nữa nhấn mạnh phải tăng cường chính sách, lộ trình để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Các nước thành viên cần hợp tác, áp dụng công nghệ kỹ thuật số, tạo ra cơ chế phù hợp cũng như có công cụ hữu hiệu về chính ách để đối phó các thách thức.

Đánh giá cao chủ đề nghị quyết, Việt Nam cho rằng cộng đồng AIPA cần cùng nhau hành động thực chất hơn nữa. Bởi hiện nay tình hình đại dịch Covid - 19 đang làm trầm trọng hơn các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đến suy thoái kinh tế toàn cầu, làm triệt tiêu các nguồn lực cho ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó các doanh nghiệp, người lao động và các nhóm người dễ bị tổn thương sẽ bị tác động mạnh mẽ.

Đoàn Quốc hội Việt Nam dự phiên họp Ủy ban Xã hội tại AIPA 42 tại đầu cầu Hà Nội

Quốc hội, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều Luật, Nghị quyết, quy định lồng ghép các chính sách, cơ chế, thông qua ngân sách, thực hiện các kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu; thúc đẩy các hoạt động chuyển đổi số, ứng dụng mạnh mẽ những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong lĩnh vực môi trường, biến đổi khí hậu.

Nhận thức biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu, Việt Nam luôn nỗ lực đóng góp vào hành động chung, luôn coi trọng việc tham gia ký kết, thực hiện nghiêm túc các điều ước và thỏa thuận quốc tế cũng như tích cực thực hiện các nghị quyết AIPA.

Kiến nghị giải pháp, đoàn Việt Nam cho rằng các quốc gia cần phải đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật số, chuyển đổi số mạnh mẽ trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Qua đó, tạo ra tác dụng kép cho nền kinh tế, vừa cắt giảm khí thải, vừa trợ giúp các doanh nghiệp, cộng đồng dân cư.

Các Nghị viện thành viên AIPA cần tăng cường chia sẻ thông tin, kinh nghiệm giám sát, thúc đẩy việc thực thi chính sách pháp luật và có tiếng nói chung, thúc đẩy Chính phủ các nước thành viên tăng cường hợp tác bên trong, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm hợp tác với các quốc gia phát triển bên ngoài để thúc đẩy, hỗ trợ chuyển giao công nghệ mới, thực hiện đẩy mạnh chuyển đổi số bao trùm trong các lĩnh vực sản xuất nhằm kiểm soát, giảm thiểu phát thải khí nhà kính...

Việt Nam mong muốn tăng cường hợp tác, hỗ trợ, chuyển giao công nghệ, chia sẻ kinh nghiệm để triển khai thực hiện có hiệu quả việc đẩy mạnh ứng dụng, chuyển đổi số nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu; tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống, hạn chế tác động của thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tăng cường giám sát các mục tiêu phát triển bền vững

Đề xuất dự thảo nghị quyết: “Bản địa hóa các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) để thực hiện hiệu quả ở cấp quốc gia”, Malaysia nhấn mạnh đại dịch Covid-19 tác động mạnh mẽ tới cuộc sống và sinh kế của người dân, đòi hỏi cần có sự tham gia của các bên liên quan trong khu vực nhằm đảm bảo cuộc sống người dân và tăng cường hơn sức chống chọi của cộng đồng giai đoạn hậu Covid-19.

Malaysia cho rằng khi bản địa hóa các mục tiêu phát triển bền vững ở cấp độ từng quốc gia, cấp độ địa phương ứng phó tốt hơn với đại dịch, có biện pháp lâu dài bởi phát triển bền vững không chỉ mục tiêu kinh tế mà các chỉ tiêu khác cũng quan trọng không kém như y tế, giáo dục, tiếp cận dịch vụ công....

Qua việc bản địa hóa sẽ giúp ứng phó hiệu quả hơn từ cấp cơ sở, tiến tới phát triển bền vững cộng đồng, triển khai biện pháp và hưởng lợi tốt nhất từ các mục tiêu phát triển bền vững. Trong đó việc số hóa như dữ liệu thông minh, dữ liệu lớn, kỹ năng kỹ thuật số đảm bảo sự tham gia đầy đủ của người dân có thể tạo ra tác động đẩy nhanh thực thi các mục tiêu.

Phiên họp Ủy ban Xã hội tại AIPA 42 diễn ra trực tuyến

Việt Nam đánh giá cao chủ đề nghị quyết này, đồng thời cho biết theo xếp hạng của Liên hợp quốc năm 2020, Việt Nam được đánh giá đứng thứ 51 trên tổng số 193 quốc gia thành viên của Liên hợp quốc, đạt 72,85 điểm, cao hơn mức trung bình của nhiều nước trong khu vực Châu Á- Thái Bình Dương về việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Với chức năng lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Quốc hội Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, thảo luận, thông qua các đạo luật, các chiến lược quốc gia, quyết định ngân sách cho chương trình mục tiêu liên quan đến phát triển bền vững; thẩm tra và phê chuẩn các công ước, điều ước quốc tế về quyền con người.

Về đối ngoại, Quốc hội Việt Nam đã chủ trì, phối hợp chuẩn bị cùng Liên minh Nghị viện thế giới thông qua Tuyên bố Hà Nội từ năm 2015 về “Nghị viện với các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động” tại Đại hội đồng IPU 132, tạo bước chuyển lớn trong nhận thức của IPU, thúc đẩy IPU cùng Liên hợp quốc xây dựng “Bộ Công cụ tự đánh giá: Nghị viện và các Mục tiêu phát triển bền vững” nhằm nâng cao vai trò và sự tham gia của các nghị viện thành viên của IPU vào quá trình triển khai thực hiện các SDGs.

Tại phiên làm việc, Việt Nam đề xuất đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng số hóa bộ công cụ tự đánh giá của IPU, đồng thời, hoàn thiện hơn bộ công cụ này phù hợp với đặc điểm của từng quốc gia và phát triển sâu hơn bộ công cụ cả ở mức địa phương, giúp các nghị viện và các đại biểu Quốc hội có thể sử dụng hiệu quả và thúc đẩy vai trò của họ trong việc giám sát quá trình thực hiện các SDGs ở cả quy mô quốc gia và ở cấp địa phương, nhất là ở nơi họ ứng cử.

Cũng tại phiên họp Ủy ban Xã hội, các đoàn nhất trí Báo cáo Hội nghị Hội đồng tư vấn AIPA về ma túy lần thứ 4 (AIPACODD 4) kèm theo Nghị quyết “Vượt qua những thử thách đương đại và ứng phó hướng tới ASEAN không ma túy”. Riêng đề xuất của Malaysia về dự thảo nghị quyết “Vai trò của công nghệ tạo thuận lợi cho người tham gia bầu cử nhiều hơn”, do chưa đạt được sự đồng thuận nên chủ tọa điều hành phiên họp quyết định sẽ được bàn thảo trong kỳ AIPA khác./.

Theo VOV

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: