Bảo vệ Rừng, bảo vệ cuộc sống của chúng ta

Đăng ngày: 18-03-2021 | Lượt xem: 17885
Những cánh rừng nguyên sinh còn lại ở Việt Nam là ngôi nhà của nhiều loài động thực vật quý hiếm đang bị đe dọa, từ voi châu Á cho đến những loài có nguy cơ tuyệt chủng cao như Sao la. Theo Giám sát Rừng Toàn cầu (Global Forest Watch – GFW), từ năm 2001 đến năm 2018, Việt Nam đã mất đi hơn 2.6 triệu héc-ta rừng, tương đương với giảm 16% diện tích rừng so với năm 2000.

Những cánh rừng Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ. Xuất khẩu gỗ của Việt Nam đang bùng nổ, tăng trưởng gấp đôi với kim ngạch đạt 9 tỉ đô-la Mỹ trong giai đoạn 2012-2018. Mặc dù tạo thêm được việc làm và cải thiện cuộc sống của hàng nghìn chủ hộ rừng lớn nhỏ cùng các cộng đồng địa phương, ngành công nghiệp chế biến gỗ ở Việt Nam đã ảnh hưởng rõ rệt đến việc quản lý và bảo vệ rừng không chỉ đối với Việt Nam, mà còn đối với các quốc gia láng giềng như Lào và Campuchia. Thêm vào đó, sự phát triển của nông nghiệp cũng đe dọa các khu rừng nguyên sinh bên trong và xung quanh các khu vực bảo tồn, phá hủy sinh cảnh quan trọng của các loài hoang dã và làm suy thoái giá trị các hệ sinh thái quý giá của chúng ta như nước ngọt và không khí sạch.

Hậu quả của việc phá rừng là tình trạng biến đổi khí hậu, hiệu ứng nhà kính làm trái đất ấm dần lên, hạn hán, nước biển dâng cao, ô nhiễm môi sinh, đói kém… Theo Tổng cục Phòng, Chống thiên tai, mỗi năm nước ta xảy ra khoảng 10-15 trận lũ quét, sạt lở đất, đặc biệt là tại các vùng núi phía Bắc, Trung bộ, Tây Nguyên và Đông Nam bộ. Thời tiết cực đoan, mưa lớn, mưa kéo dài là nguyên nhân kích hoạt lũ quét và sạt lở đất, cuốn theo cây cối, đất đá, thậm chí tính mạng, tài sản của con người. Mưa bão lũ xảy ra ở nước ta ngày càng tăng; trở thành mối đe dọa nguy hại đến cuộc sống con người và nền kinh tế đất nước.

Ngoài do biến đổi khí hậu, đặc điểm địa lý thì tình trạng mưa lũ ở nước ta trở nên nghiêm trọng, khốc liệt hơn là do nạn chặt phá rừng. Chính điều này gây ra sự suy giảm thảm thực vật ở lưu vực; khả năng cản trở dòng chảy khi mưa lũ giảm, khiến tốc độ di chuyển của mưa lũ nhanh hơn. Bên cạnh đó, còn vấn nạn phá rừng đầu nguồn để khai thác gỗ, phát triển nông nghiệp, thủy điện…

Trong một thời gian dài, hậu quả của việc phá rừng đã khiến diện tích rừng phòng hộ, đầu nguồn tại các tỉnh thành tại miền Trung bị san bằng để làm thủy điện, gây khó khăn khiến cho việc điều tiết nước ở khu vực thượng nguồn bị ảnh hưởng khi mưa lớn.

Diện tích rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn bị chặt phá gây mất khả năng điều tiết nước ở thượng nguồn khi xảy ra mưa lớn. Đây chính là nguyên nhân khiến mưa lũ, lũ lụt… nghiêm trọng hơn. Rừng đầu nguồn bị chặt phá cũng khiến cho cường độ của nước dâng lên cao hơn, lũ đi nhanh hơn.

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, tính đến ngày 4.12.2020, thiên tai đã làm 356 người chết, mất tích và 876 người bị thương; 3.427 nhà sập, 333.084 nhà bị hư hại, tốc mái, di dời khẩn cấp; 511.172 lượt nhà bị ngập; 198.374ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; 51.923 gia súc và 4,11 triệu gia cầm chết, bị lũ cuốn trôi; 787km đê kè, kênh mương bị sạt lở, hư hỏng; 272,5km bờ biển, sông bị sạt lở; 1.190km đường giao thông bị sạt lở hư hỏng; khối lượng đất, đá sạt lở khoảng 4,1 triệu mét khối. Ước tính thiệt hại hơn 35.181 tỉ đồng.

Do mưa đặc biệt lớn kéo dài ngày kết hợp với địa hình đồi, núi dốc đã gây ra tình trạng sạt lở đất, lũ quét ở nhiều nơi. Các vụ sạt lở đất tại Nhà máy thuỷ điện Rào Trăng 3, Trạm Kiểm lâm số 67 ở huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế; huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị; xã Trà Leng, Trà Vân, huyện Nam Trà My và xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam đã cướp đi sinh mạng của hàng chục người dân, cán bộ, chiến sĩ và phá hủy nghiêm trọng nhiều cơ sở hạ tầng.

Chính vì vậy, nhiệm vụ cấp bách hiện nay là cần phải tích cực khôi phục rừng phòng hộ đầu nguồn, đặc biệt là các khu vực thường gây ra lũ quét, nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ lớp phủ thực vật, tăng khả năng giữ nước của lưu vực, hạn chế khả năng tập trung dòng chảy lũ.

Tạp chí Khí tượng Thủy văn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: