Biến đổi khí hậu tác động môi trường Điện Biên

Đăng ngày: 21-09-2018 | Lượt xem: 1433
(TN&MT) - Những năm gần đây, dưới sự tác động của biến đổi khí hậu các loại hình thiên tai gia tăng về tần suất và số lượng. Các tai biến thiên nhiên liên quan đến trượt lở đất đá, lũ...
Tuyến đường Điện Biên - Mường Nhé bị sạt lở do mưa lũ

Tuyến đường Điện Biên - Mường Nhé bị sạt lở do mưa lũ

Điện Biên là một tỉnh miền núi phía Bắc luôn phải hứng chịu nhiều loại hình thiên tai như: lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đá. Những tác động của biến đổi khí hậu làm thay đổi về các điều kiện thời tiết.

Ông Đào Đức Thụy, Giám đốc Phụ trách Đài khí tượng thủy văn, tỉnh Điện Biên, cho biết: Những năm trở lại đây, thời tiết, khí hậu của Điện Biên ngày càng tăng... Trước đây, nhiệt độ trung bình hàng năm từ 21°C đến 23°C, nhiệt độ trung bình thấp nhất thường vào tháng 12 đến tháng 2 năm sau (từ 13°C đến 18°C). Các tháng có nhiệt độ trung bình cao nhất từ tháng 4 đến tháng 9 (khoảng 25°C) và chỉ xảy ra ở ác khu vực có độ cao thấp hơn 500m. Còn lượng mưa hàng năm trung bình từ 1500 mm đến 2200 mm, thường tập trung theo mùa, mùa khô kéo dài từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau.

Tuy nhiên, những năm trở lại đây, khí hậu Điện Biên nhiệt độ trung bình năm tăng dần. Cụ thể, năm 2011 nhiệt độ trung bình của năm là 22,30C; năm 2012 tăng lên 23,20C; năm 2017 là 25,60C. Đặc biệt lượng mưa thất thường hơn và có xu hướng giảm mạnh. Riêng, năm 2015 lượng mưa trung bình trong năm là 2.127mm/năm. Nhưng đến năm 2016 lượng mưa giảm còn 1.600mm/năm và đến năm 2017 lượng mưa giảm còn 1.490mm/năm.

Bên cạnh đó, các hiện tượng khí hậu cực đoan như: lũ ống, sạt lở đất đá, hạn hán, băng tuyết... đã làm diện tích đất bị khô hạn, hoang mạc hóa, xói mòn, rửa trôi, sạt lở... xảy ra ngày càng nhiều ở một số huyện như: Tuần Giáo, khu vực lòng chảo Điện Biên, Mường Nhé, Nậm Pồ, Mường Chà và TX. Mường Lay; đây là những huyện, thị có độ dốc cao, các khu vực taluy, tầng đất không dày.

Tuyến đường Điện Biên - Mường Nhé bị sạt lở do mưa lũ

Mặc dù những năm trở lại đây lượng mưa trên địa bàn tỉnh Điện Biên ngày càng giảm, tuy nhiên, các trận mưa thường không lớn nhưng mưa dai, kéo dài nên lớp đá bị phong hóa mạnh chạy dọc theo các taluy bị ngấm nước trở nên nhão, độ kết cấu yếu. Đặc biệt đối với các huyện, thị như: Mường Nhé, Nậm Pồ, TX. Mường Lay chất đất tơi xốp dẫn dễ bị sạt lở. Mưa nhiều, các taluy xuất hiện các khe nứt chia cắt lớp đá phong hóa thành khối nhỏ và đất, đá sụt xuống, kéo theo lớp đát đá phía dưới tham gia vào khối trượt, tạo thành những mảng sạt trượt lớn đến hàng trăm khối đất. Việc trượt lở đất, đá không chỉ diễn ra ở taluy dương mà còn cả taluy âm, sạt lở ăn sâu vào cả đường giao thông, làm hư hỏng đường giao thông, lấp đất sản xuất, công trình xây dựng và vùi lấp sông suối.

Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Điện Biên, từ đầu năm 2018 đến nay, toàn tỉnh có 73 nhà dân bị thiệt hại, gần 300ha đất nông nghiệp, thủy sản bị vùi lấp, hư hỏng, hàng trăm con gia súc, gia cầm bị cuốn trôi, 14 điểm trường bị ngập, thiệt hại nặng do sạt lở, đổ tường, hỏng đường bê tông; 6 công trình thủy lợi cùng hàng trăm mét kênh bị đứt gãy, sạt lở vùi lấp; nhiều công trình nhà nước về y tế, trụ sở làm việc của xã cũng bị sạt lở, bùn đất ngập sâu.

Riêng thiệt hại về giao thông, mưa lũ làm 25 tuyến đường giao thông bị sạt lở với khoảng 700 vị trí sạt lở lớn nhỏ; hàng trăm nghìn mét khối đất đá sạt lở taluy dương gây tắc cống rãnh, nhiều tuyến đường nội tỉnh đi các huyện Nậm Pồ, Tủa Chùa bị ách tắc cục bộ.

Như vậy, việc biến đổi khí hậu trong những năm trở lại đây ở Điện Biên gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân. Đặc biệt, với địa hình phần lớn là đồi núi, bị chia cắt, nhiều sông suối và dân cư chủ yếu là vùng đồng bào các dên tộc như ở Điện Biên. Việc khắc phục hậu quả thiên tai, sau mữa lũ ở Điện Biên gặp rất nhiều khó khăn và vất vả; tập tục canh tác, tập quán sinh hoạt còn lạc hậu, ý thức vệ sinh môi trường chưa cao... là một trong những nguyên nhân làm giảm chất lượng cuộc sống.

Nguồn: Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: