COP 24: Việt Nam tham dự Đối thoại Talanoa

Đăng ngày: 13-12-2018 | Lượt xem: 1170
(TN&MT) - Trong khuôn khổ Hội nghị các bên tham gia Công ước Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (COP 24) tại Ba Lan, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành - Trưởng đoàn đàm phán của Việt Nam đã...
DSCF8613

Thứ trưởng Lê Công Thành phát biểu tại Đối thoại Talanoa

Đối thoại Talanoa được quy định từ Quyết định số 1/CP.21 của COP21 năm 2015. Đối thoại này nhằm đánh giá nỗ lực toàn cầu hướng tới đạt mục tiêu ghi tại Điều 4 của Thoả thuận Paris và thông báo việc chuẩn bị Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC) của các quốc gia.

Đối thoại Talanoa gồm 2 giai đoạn: giai đoạn kỹ thuật và giai đoạn cấp cao. Ở giai đoạn kỹ thuật, các bên tập trung thảo luận 3 câu hỏi: (1) Chúng ta đang ở đâu? (2) Chúng ta muốn đi đâu? và (3) Làm thế nào đến được đó? Kết quả giai đoạn này sẽ là báo cáo tổng hợp để trình lên Hội nghị cấp cao xem xét.

Việt Nam nỗ lực hết mình để đóng góp vào việc thực hiện Thỏa thuận Paris

Phát biểu tại Phiên đối thoại Talanoa, Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết Việt Nam nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc thực hiện Thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu. Ở cấp độ quốc gia, Việt Nam đã xây dựng kế hoạch hành động đưa ra các đóng góp cụ thể về giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu. Về giảm nhẹ, Việt Nam đang xây dựng kế hoạch để tìm ra được cách đạt được mục tiêu giảm phát thải 8% so với kịch bản phát thải thông thường. Theo Kế hoạch, Việt Nam chỉ rõ ai làm gì? Làm bằng cách nào? Bằng phương tiện gì và vào khi nào theo phương thức minh bạch. Ngoài ra, Việt Nam xác định các lĩnh vực và hành động để tăng mục tiêu giảm phát thải 25% khi nhận được hỗ trợ phù hợp từ cộng đồng quốc tế.

DSCF8605

Toàn cảnh đối thoại

Về thích ứng, Việt Nam đã đầu tư hàng triệu đô la cho cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu, chuẩn bị ứng phó với bão, hạn hán, mưa lớn và các hiện tượng khácđang tác động thường xuyên và bất thường hơn.

“Việt Nam nỗ lực hết mình và tăng cường hợp tác với các quốc gia nhằm đảm bảo Thoả thuận Paris sẽ thành công”, Thứ trưởng Lê Công Thành khẳng định.

Hiện Việt Nam đang rà soát và cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) để có thể công bố bản rà soát cập nhật vào năm 2019 theo yêu cầu tại Quyết định số 1/CP.21.

Ngoài ra, giai đoạn trước năm 2020, Việt Nam đã thực hiện các hành động giảm phát thải khí nhà kính một cách tự nguyện để đạt mục tiêu trở thành một trong 10 nước đứng đầu về thực hiện Cơ chế phát triển sạch CDM; Xây dựng và thực hiện các dự án NAMA thành công như các dự án trong lĩnh vực xi măng; Thực hiện dự án PMR và dự án JCM để khởi động cơ chế thị trường các-bon.

Cả thế giới cùng hành động

Trả lời cho câu hỏi “Làm thế nào chúng ta tới được đó”, Thứ trưởng Lê Công Thành chia sẻ: Ơ”Việt Nam đã cố gắng nỗ lực tuy nhiên nỗ lực của chúng tôi sẽ không đi tới đâu nếu thiếu hành động của các nước khác. Việt Nam mong muốn các nỗ lực toàn cầu thực hiện Thoả thuận Paris”.

Theo đó, Thứ trưởng Lê Công Thành cho rằng, các hành động trước 2020 cần phải được phản ánh đầy đủ. Sửa đổi Doha cần có hiệu lực ngay nhằm xây dựng lòng tin và tạo động lực cho các hành động sau 2020 trong khuôn khổ Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu và Thoả thuận Paris.

Chương trình nghị sự thực hiện Thoả thuận Paris (PAWP) cần được thực hiện đầy đủ để phản ánh tất cả các vấn đề quan trọng như thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, tài chính, chuyển giao công nghệ và tăng cường năng lực một cách cân bằng, toàn diện, có tính liên kết và minh bạch.

Điều quan trọng là cần đảm bảo được các nguồn lực, phương tiện để chuyển đổi NDC thành hành động tại các quốc gia.

Tìm lời giải cho 3 câu hỏi

Đây là đợt đối thoại Talanoa lần thứ 2 trong năm nay. Đợt đối thoại đầu tiên được tổ chức tại Bonn bên lề các cuộc đàm phán BĐKH vào tháng 7/2018 với sự tham dự của các quốc gia và các tổ chức quốc tế, mỗi thực thể được cử 1 đại diện với tổng số 210 người, chia làm 7 nhóm, mỗi nhóm 30 người để thảo luận lần lượt từng câu hỏi. Ở mỗi câu hỏi, có phần chia sẻ, phần thảo luận và phần tóm lược ý chính. Kết quả tóm lược được báo cáo tại phiên bế mạc đợt đối thoại.

Trong khi nhiều nước muốn đối thoại tập trung vào việc xử lý nỗ lực còn thiếu trong giảm nhẹ phát thải khí nhà kính để hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu vào cuối thế kỷ ở dưới 1,5 độ hoặc dưới 2 độ; nhiều nước muốn sử dụng câu hỏi Chúng ta đang ở đâu để nêu về những mất mát, tổn thương do BĐKH gây ra cho quốc gia mình. Một số nước (khối Ả-rập) còn đi xa hơn là nêu thêm câu hỏi Tại sao chúng ta đang ở đây (why we are here?) để nêu trách nhiệm lịch sử mà các quốc gia công nghiệp đã phát thải khí nhà kính trong quá khứ gây BĐKH. Các câu hỏi Chúng ta muốn đi đâu và Làm thế nào đến được đó cũng chuyển thành nội dung đòi hỏi các quốc gia phát triển phải hỗ trợ tài chính, chuyển giao công nghệ và tăng cường năng lực cho ứng phó với BĐKH tại các nước đang phát triển.

Tại cuộc họp tại Bonn, Việt Nam cũng tham gia chia sẻ 3 nội dung ứng với mỗi câu hỏi. Với câu hỏi 1, đã chia sẻ về tác động của BĐKH và nỗ lực ứng phó của Việt Nam. Với câu hỏi 2, đã nêu mong muốn Thoả thuận Paris được thực hiện đầy đủ, phản ánh đúng các nguyên tắc của UNFCCC và điều kiện cụ thể của quốc gia. Với câu hỏi 3, đã nêu các giải pháp để thế giới và mỗi quốc gia cùng thực hiện là giảm nhẹ phát thải trước 2020, chi tiết hoá các nội dung Thoả thuận Paris với việc áp dụng mang tính linh hoạt và hỗ trợ tài chính, chuyển giao công nghệ, tăng cường năng lực cho các quốc gia nghèo dễ bị tổn thương do BĐKH.

Nguồn: Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: