COP 25: Thảo luận về cơ chế hợp tác trong Thỏa thuận Paris

Đăng ngày: 04-12-2019 | Lượt xem: 1079
Điều 6 của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu là vấn đề mà các quốc gia thảo luận sôi nổi tại COP 25 đang diễn ra tại Mandrit (Tây Ban Nha). Điều 6 quy định các cơ chế hợp tác gồm song phương, đa phương theo hình thức cơ chế thị trường hoặc phi thị trường hoặc các cơ chế khác. Mục đích cuối cùng nhằm tăng cường hiệu quả việc thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính tại các quốc gia.

* Điều 6 Thỏa thuận Paris – những ý kiến đa chiều

Điều 6 của Thỏa thuận Paris về các cơ chế hợp tác là nội dung được thảo luận nhiều trong quá trình xây dựng Bộ quy tắc khí hậu Katowice tại COP24 nhưng chưa đạt được sự thống nhất.

Tại các phiên họp trù bị cho COP25 (Hội nghị SB50) tháng 6 năm 2019 tại Bonn, Cộng hòa Liên bang Đức, các Bên tập trung thảo luận: Điều 6.1 về hình thức hợp tác tự nguyện; Điều 6.2 về trao đổi quốc tế các kết quả giảm nhẹ; Điều 6.4 về cơ chế phát triển bền vững; Điều 6.8 về cơ chế phi thị trường. Trong đó, việc trao đổi quốc tế về kết quả giảm nhẹ, các Bên không thống nhất được có hay không cho phép tín chỉ cac-bon được tạo ra (chủ yếu trong khuôn khổ Nghị định thư Kyoto) giai đoạn trước năm 2020 được trao đổi quốc tế giai đoạn sau 2020; có hay không bao gồm tính bổ sung trong các dự án trao đổi tín chỉ; làm thế nào để tránh tính trùng; việc cải tiến Cơ chế phát triển sạch (CDM) hiện nay… Về cơ chế phát triển bền vững cũng còn rất nhiều ý kiến khác nhau.

Một số nước cho rằng đây là sự mở rộng của Cơ chế phát triển sạch. Đến nay, có thể thấy nội dung liên quan đến Điều 6 của Thỏa thuận Paris vẫn còn rất nhiều vấn đề và cách tiếp cận khác nhau vì vậy đây là một trong những nội dung cần tiếp tục làm rõ tại Hội nghị COP25.

Cuộc họp thảo luận về Điều 6 Thỏa thuận Paris thu hút hơn 1000 người tham gia

* Cuộc họp tham vấn cấp trưởng đoàn với Chủ tịch SBSTA về các vấn đề liên quan tới Điều 6

  Trong khuôn khổ Hội nghị COP 25, Đại diện Đoàn Việt Nam đã tham dự Cuộc họp tham vấn cấp trưởng đoàn với Chủ tịch Ban Bổ trợ khoa học công nghệ (SBSTA) về các vấn đề liên quan tới Điều 6 trong khuôn khổ Thoả thuận Paris. 
  Đại diện của các nhóm tiếp tục ủng hộ việc hoàn thành nội dung, đạt được sự thống nhất về Điều 6 tại COP25; nhấn mạnh một số điểm về hoàn thiện các quy định thuộc Điều 6 để  tăng cường tính minh bạch và tránh tính trùng lặp lượng giảm phát thải khí nhà kính; tăng cường sự quan tâm và nguồn tài chính dành cho vấn đề thích ứng; Cơ chế quốc tế Vác-sa-va về Tổn thất và Thiệt hại.

Nhóm G77/Trung Quốc cho rằng các đàm phán về Điều 6 cần phản ánh rõ ràng sẽ sự đa dạng của các Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) và tập trung vào các vấn đề như tính trùng lặp lượng giảm phát thải khí nhà kính, cung cấp tài chính cho vấn đề thích ứng. COP cần tránh việc chỉ tập trung vào vấn đề giảm nhẹ.

Trong khi đó EU nhấn mạnh một số các ưu tiên, bao gồm: tránh tính trùng lặp lượng giảm phát thải khí nhà kính thông qua các quy tắc kế toàn chặt chẽ và toàn diện; đánh giá lần thứ hai về Cơ chế quốc tế Vác-sa-va về Tổn thất và Thiệt hại; đánh giá Chương trình làm việc Lima về giới.

Nhóm ARAB kêu gọi xem xét nhu cầu của các nước đang phát triển trong các cuộc thảo luận liên quan đến vấn đề liên quan như các biện pháp ứng phó và Điều 6.

Nhóm Châu Phi nhấn mạnh rằng COP và Cuộc họp các Bên tham gia Thoả thuận Paris (CMA) nên cân bằng giữa hai vấn đề giảm nhẹ và thích ứng. Về tài chính, nhóm nhấn mạnh tầm quan trọng của các nguồn lực tài trợ không hoàn lại để tránh làm tăng gánh nặng nợ của các nước đang phát triển .

Nhóm AOSIS kêu gọi Điều 6 chuyển đổi bối cảnh tài chính khí hậu, bao gồm cả vấn đề tổn thất và thiệt hại.

Nhóm ARGENTINA, BRAZIL, và URUGUAY ABU đưa ra những kỳ vọng về tài chính khí hậu, kêu gọi các nước phát triển mở rộng tham vọng liên quan đến Quỹ Khí hậu xanh (GCF) và Quỹ thích ứng. Nhấn mạnh, cần phải thu hút tất cả các bên liên quan vào Điều 6 và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của vấn đề thích ứng.

Nhóm BASIC kêu gọi các nước phát triển tôn trọng các cam kết tài chính hiện có, tăng cường hỗ trợ tài chính.

Các cuộc họp Nhóm liên lạc và tham vấn không chính thức

Ngay sau khi cuộc họp với Trưởng đoàn các quốc gia kết thúc, cuộc họp ban liên lạc và cuộc họp tham vấn không chính thức liên quan tới điều 6 đã diễn ra. Chủ tịch Ban Bổ trợ Khoa học công nghệ SBSTA cho biết chúng ta đã mất 04 năm thảo luận về các nội dung liên quan tới Điều 6 của Thoả thuận Paris, chúng ta cần phải đẩy nhanh tiến độ thảo luận để đưa ra nội dung phù hợp nhất. Các phiên họp trong khuôn khổ SBSTA sẽ đóng vào ngày thứ 2 tuần sau (9/12/2019) theo giờ địa phương. Ngoài việc tổ chức các cuộc họp nhóm liên lạc, tham vấn không chính thức, SBSTA sẽ họp song phương với các nhóm nước nếu cần thiết để tìm ra tiếng nói chung đối với các nội dung chưa thống nhất trong khuôn khổ Điều 6.

Theo monre

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: