Đại học Oxford báo động về phát thải khí cac-bon của nhà máy điện hóa thạch Đông Nam Á

Đăng ngày: 05-11-2018 | Lượt xem: 942
Một nghiên cứu mới của Đại học Oxford (Anh) cho biết, hơn 80% nhà máy điện dùng nhiên liệu hóa thạch ở Đông Nam Á không tương thích với hạn mức khí thải cac-bon trong Hiệp định Paris.

Đại học Oxford vừa công bố phương pháp đường cong phụ thuộc cac-bon (Carbon Lock-in Curves – CLICs), một phương pháp mới để đánh giá một cách khách quan về tác động của hạn mức khí thải cac-bon đối với các tài sản hiện tại và các tài sản dự kiến sẽ hình thành trên nhiều lĩnh vực khác nhau.

CLICs được đánh giá là một công cụ cực kỳ linh hoạt nhằm đánh giá rủi ro liên quan đến bất kỳ danh mục đầu tư tài sản nào. Mức độ linh hoạt và sự chuyên sâu của CLICs cho phép các nhà hoạch định chính sách, tổ chức tài chính, chính phủ, các nhà quản lý và xã hội dân sự khả năng đưa ra các quyết định quan trọng nhằm đảm bảo sự tương thích với hạn mức cac-bon liên quan đến các kịch bản chống biến đổi khí hậu khác nhau.

phát thải khí cac bon

Phần lớn các nhà máy điện ở Đông Nam Á đang sử dụng nguyên liệu hóa thạch. Nguồn: Internet

Hiện tại, trường Đại học Oxford đã phát triển phương pháp luận CLICs và đang thiết lập một công cụ trực tuyến dự kiến sẽ ra mắt vào cuối năm nay để mọi người có thể sử dụng.

Để chứng minh tính thực tiễn của phương pháp CLICs, Đại học Oxford đã công bố một báo cáo áp dụng phương pháp luận mới này để phân tích tính tương thích của các nhà máy phát điện ở Đông Nam Á với các hạn mức cac-bon toàn cầu và cấp quốc gia.

Trong 15 năm qua, nhu cầu năng lượng ở Đông Nam Á đã tăng hơn 60%. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo, nhu cầu năng lượng của khu vực sẽ còn tăng 2/3 vào năm 2040 trong bối cảnh tất cả các nước Đông Nam Á đều đã phê chuẩn Hiệp định Paris.

Theo phân tích CLICs, khoảng 83,7% các nhà máy phát điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch hiện tại và được hoạch định xây dựng tại Đông Nam Á không tương thích với hạn mức khí thải cac-bon phù hợp được quy định trong Hiệp định Paris (hạn mức 1,5°C).

Nếu chỉ xét trong thời điểm hiện tại, 87,7% các nhà máy phát điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch hiện tại của Đông Nam Á đã không tương thích với hạn mức 1,5°C; 17,8% nhà máy không tương thích với hạn mức 2°C và 2,3% nhà máy không tương thích với hạn mức 3°C.

phát thải khí cac bon 1

Hơn 80% nhà máy điện dùng nhiên liệu hóa thạch ở Đông Nam Á không tương thích với hạn mức khí thải cac-bon trong Hiệp định Paris. Nguồn: Intern

Trong tương lai, 56,2% nhà máy phát điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch dự kiến được xây dựng ở Đông Nam Á cũng sẽ không tương thích với hạn mức 1,5°C, 46,5% nhà máy không tương thích với hạn mức 2°C và 14,8% nhà máy không tương thích với hạn mức 3°C.

Kết quả nghiên cứu của Đại học Oxford đã thể hiện rõ tầm quan trọng của việc sớm chấm dứt hoạt động của các nhà máy nhằm đáp ứng các mục tiêu chống biến đổi khí hậu và khả năng mắc kẹt tài sản đáng kể trong tương lai.

Chia sẻ về phân tích các nhà máy điện ở Đông Nam Á, tiến sĩ Ben Caldecott, tác giả chính kiêm Giám đốc sáng lập của Chương trình Tài chính Bền vững Oxford tại Đại học Oxford, cho biết: “Các nhà máy điện than mới hoàn toàn không tương thích với việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Chính sách mở rộng nhiệt điện than sẽ không chỉ đưa chúng ta vượt qua những ngưỡng khí hậu biến đổi không thể đảo ngược được, mà còn dẫn đến rủi ro tài sản bị mắc kẹt và các tác động của bảng cân đối kế toán khi các nhà máy bị ngừng hoạt động sớm. Các nhà đầu tư và nhà hoạch định chính sách cần lưu ý vấn đề này”.

Nguồn: Báo Xây Dựng

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: