Đặt mục tiêu trồng mới 20 nghìn ha rừng nhằm ứng phó biến đổi khí hậu

Đăng ngày: 05-10-2021 | Lượt xem: 2300
Giai đoạn 2021-2030, Việt Nam phấn đấu trồng mới 20 nghìn ha rừng, gồm 9.800 ha rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển (rừng ngập mặn); 10.200 ha rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay (trên lập địa đất, cát); trong đó, giai đoạn 2021-2025 trồng mới 11 nghìn ha.

Một góc khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ.

Ngày 4/10, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1662/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030” (gọi tắt là Đề án).

Mục tiêu chung của Đề án nhằm quản lý, bảo vệ và sử dụng rừng bền vững diện tích rừng vùng ven biển hiện có và diện tích rừng được tạo mới trong giai đoạn 2021-2030. Đồng thời, phát huy hiệu quả vai trò, chức năng của rừng vùng ven biển trong việc phòng hộ, bảo vệ môi trường và hệ thống kết cấu hạ tầng vùng ven biển; chống sa mạc hóa, suy thoái đất; bảo tồn đa dạng sinh học, giảm phát thải khí nhà kính; tạo việc làm, thu nhập cho người dân vùng ven biển, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và củng cố quốc phòng, an ninh, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Nhiệm vụ chủ yếu của Đề án là quản lý, bảo vệ và sử dụng hiệu quả diện tích rừng vùng ven biển hiện có, đặc biệt là đối với diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất là rừng tự nhiên vùng ven biển; khôi phục và phát triển rừng.

Cụ thể, trồng mới 20 nghìn ha rừng, gồm 9.800 ha rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển (rừng ngập mặn); 10.200 ha rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay (trên lập địa đất, cát); trong đó, giai đoạn 2021-2025 trồng mới 11 nghìn ha.

Trồng bổ sung phục hồi rừng và làm giàu rừng 15 nghìn ha, gồm 6.800 ha rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển (rừng ngập mặn); 8.200 ha rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát (trên lập địa đất, cát); trong đó, giai đoạn 2021-2025 trồng bổ sung phục hồi rừng và làm giàu rừng đối với 9.000 ha. Đồng thời, tăng cường năng lực và phát triển sinh kế cho cộng đồng, người dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển.

Để đạt được mục tiêu đề ra, Đề án đưa ra một số nhiệm vụ và giải pháp như tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Luật Lâm nghiệp 2017 và các cơ chế, chính sách hiện hành; tuyên truyền, giáo dục nâng cao năng lực, nhận thức về vai trò, giá trị của rừng vùng ven biển; tiếp tục nghiên cứu, chọn, tạo giống cây trồng rừng vùng ven biển có sức chống chịu cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, cũng như hoàn thiện cơ sở dữ liệu rừng vùng ven biển, phục vụ quản lý, giám sát.

Ngoài ra, thực hiện nhóm các nhiệm vụ ưu tiên gồm xây dựng rừng giống, vườn ươm sản xuất cây giống phục vụ trồng rừng vùng ven biển; bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn, chống sạt lở bờ biển, đặc biệt ưu tiên vùng đồng bằng sông Cửu Long; trồng rừng phòng hộ chắn gió bão, chắn cát bay, bảo vệ môi trường, phòng chống sa mạc hóa, vùng ven biển, đặc biệt là các tỉnh miền trung; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh, làm giàu rừng và bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn động vật, thực vật rừng nguy cấp, quý hiếm tại các khu rừng đặc dụng, các khu rừng có tính đa dạng sinh học cao tại vùng ven biển; hợp tác công tư trồng rừng, bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển gắn với phát triển sinh kế, kết hợp du lịch sinh thái và quản lý rừng cộng đồng…

Theo Báo Nhân dân

File đính kèm: 0.jpg

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: