Giải quyết mối đe dọa do BĐKH đối với nguồn nước trên các núi đá

Đăng ngày: 30-10-2019 | Lượt xem: 1100
“Vùng núi và sông băng trên thế giới đang đối mặt với những thách thức chưa từng có do BĐKH, gây áp lực, đe dọa cuộc sống người dân và nền kinh tế tại các khu vực này”, Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của LHQ cho biết vào ngày 29/10 tại Hội nghị thượng đỉnh về giải quyết các hệ thống nước thay đổi nhanh chóng của thế giới.

Cordillera Huayhuash vào tháng 8/2019. Andes chứa 99% sông băng nhiệt đới trên thế giới và 71% là ở Peru. Ảnh: UN News/Daniela Gross

BĐKH đe dọa các sông băng

Các sông băng, tuyết, băng vĩnh cửu và các hệ sinh thái liên quan trên Trái đất được gọi chung là tầng lạnh, cung cấp nước uống cho một nửa thế giới, nhưng khi Trái đất ấm lên, nguồn cung này đang rơi vào tình trạng khó lường.

Cơ quan thời tiết của LHQ đang theo dõi cẩn thận tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) đối với nguồn cung cấp nước và WMO và các đối tác đã khởi động Hội nghị thượng đỉnh núi cao tại Geneva, Thụy Sĩ vào ngày 29/10. Môi trường núi đang trải qua những thay đổi trong mô hình lũ quét, sông băng rút đi và thay đổi dòng chảy theo mùa.

“Do những thay đổi trên các đỉnh núi thế giới, nguồn cung cấp nước ngọt đang bị ảnh hưởng, từ sườn núi đến các nền kinh tế đô thị”, LHQ cho biết trong Nghị quyết Đại hội đồng gần đây về Phát triển Núi bền vững.

Theo WMO, từ Yukon đến Andes, tầng lạnh núi cung cấp và điều tiết các nguồn nước ngọt cho khoảng một nửa dân số thế giới và nước băng tan từ các sông băng rút đi theo thời gian đang tạo ra những tác động lớn.

Các loài phụ thuộc vào lớp phủ tuyết đang di cư ngày càng xa hơn; đồng cỏ được tưới bởi băng tan đang trở nên khô cằn; tuyết nhân tạo đang nhiều hơn tuyết rơi hạn chế trên các sườn dốc trượt tuyết và tình hình lũ lụt, lở đất và tuyết lở tại các hồ băng gây thiệt mạng và thiệt hại kinh tế nhiều hơn.

IPCC đã phác thảo những hậu quả này trong một báo cáo đặc biệt được công bố vào tháng 9/2019, trước thời điểm diễn ra hội nghị thượng đỉnh núi. Hội nghị nhằm giải quyết gánh nặng ngày càng tăng của BĐKH và tác động của BĐKH đối với các hệ thống nước trên trái đất, từ đại dương đến những tảng băng.

“Tại dãy Kush Himalayan của Ấn Độ, chỉ riêng lũ lụt đã chiếm tới một phần ba tất cả các thảm họa tự nhiên đang gia tăng và khiến một tỷ người có nguy cơ bị phơi nhiễm cao hơn”, một chuyên gia trong khu vực này phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh. Trên khắp thế giới, tác động của con người đối với các mối nguy hiểm tự nhiên đang gia tăng, gần gấp đôi sau mỗi thập kỷ.

Đối thoại cấp cao của WMO nhằm mục đích thu hút các nhà hoạch định chính sách và các chủ thể địa phương tận dụng tối đa các cơ chế hiện có để tăng cường sự xuất hiện và chất lượng của các dịch vụ khí tượng thủy văn và khí hậu để giảm thiểu rủi ro thiên tai và quản lý tài nguyên nước tốt hơn.

Giải pháp mũi nhọn

Những người sống trên núi và hiểu rõ về núi có mối quan hệ độc đáo với thiên nhiên, do đó, khía cạnh văn hóa là chìa khóa khi thực hiện các công nghệ quản lý rủi ro thiên tai, ở những nơi mà công nghệ chưa từng xuất hiện trước đó.

Những người bản địa ở dãy nũi Andes của Peru từ lâu đã nhìn nhận lũ hồ băng bùng phát (GLOF) như một thực tế của cuộc sống và tôn thờ ngọn núi như một vị thần. Theo một nhà môi trường, việc xây dựng một trạm thời tiết ở một nơi linh thiêng có thể làm dấy lên nỗi sợ về hậu quả siêu nhiên trong người dân địa phương, những người tin rằng họ có thể bị trừng phạt bởi mưa hoặc hạn hán.

Do đó, mối quan hệ giữa nghiên cứu và các quyết định sẽ tác động đến người dân địa phương và truyền đạt rõ ràng lợi ích của sự thay đổi là điều cần thiết.

Hơn nữa, báo cáo IPCC trong tháng 9 đã nhấn mạnh tầm quan trọng của người dân địa phương và kiến ​​thức bản địa, cùng với sự hiểu biết khoa học trong việc xây dựng các phương pháp tiếp cận thành công để giúp các vùng núi trên Trái đất.

Trong những năm gần đây, hai quần thể bản địa láng giềng ở Mỹ, có chung một khu bảo tồn lớn ở dãy núi Rocky, phía Bắc Mỹ phải sử dụng nước sông băng để tưới cỏ, nuôi trồng thủy sản và duy trì các nghi lễ truyền thống, và do đó, họ đã tìm cách thiết lập các cơ chế cho việc sử dụng nước hiệu quả hơn, nhưng đã gặp phải rào cản pháp luật đất đai.

Chính phủ các nước phải đóng một vai trò lớn trong việc hỗ trợ các hoạt động thích ứng với BĐKH mà Hội nghị thượng đỉnh núi cao tìm cách thúc đẩy. Ngoài ra, theo kế hoạch, sự kiện này kết thúc vào ngày 31/10 ​​sẽ thông qua “Lời kêu gọi Hành động”, xác định các bước thực tế để tăng cường tầng lạnh và thúc đẩy đối thoại tương tác giữa các nhà khoa học, chính sách, quản trị và các nhân tố địa phương.

Sau Hội nghị thượng đỉnh núi cao là đến Hội nghị biến đổi khí hậu ở Santiago, bao gồm phiên họp thường niên lần thứ 25 của Hội nghị các bên (COP 25) đến Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC). Hội nghị ở Santiago sẽ đề cập đến Hiệp định khí hậu Paris và Chương trình nghị 2030 vì sự phát triển bền vững của LHQ.

Theo Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: