Hội nghị ASEM cùng hành động ứng phó biến đổi khí hậu

Đăng ngày: 19-06-2018 | Lượt xem: 1167
(TN&MT) - Ngày 19/6/2018 tại TP. Cần Thơ, Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ TN&MT, Bộ KH&ĐT, UBND TP.Cần Thơ đã tổ chức Hội nghị ASEM “Về cùng hành động ứng phó BĐKH nhằm đạt các mục tiêu phát...

Tham dự và chỉ đạo hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cùng lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Bộ TN&MT, Bộ KH&ĐT, UBND các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL, các nhà khoa học cùng khoảng 200 đại biểu đến từ 53 thành viên ASEM, các tổ chức quốc tế, khu vực...Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành đã tham dự và phát biểu tại Hội nghị. 
 

Chú thích ảnh 2 Phó thủ tướng, Phạm Bình Minh phát biểu tại Hội nghị

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Biến lời nói và những cam kết thành hành động cụ thể

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho rằng, những thách thức về BĐKH với tần suất, quy mô và phạm vi ảnh hưởng ngày càng gay gắt sẽ cản trở các nỗ lực nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội bền vững và bao trùm. Các nước thành viên ASEM đã chứng kiến những thảm họa siêu thiên tai và những hiện tượng thời tiết cực đoan, nhất là trận lụt lịch sử ở Ấn Độ, Nam Á năm 2017, những đợt lạnh bất thường ở châu Âu và Trung Quốc, các đợt nóng kỷ lục ở Ốt-xtrây-lia vào đầu năm 2018.

Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia bị tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Các tỉnh, thành ĐBSCL, trong đó có TP. Cần Thơ, vùng kinh tế trọng điểm sản xuất nông nghiệp của Việt Nam, là 1 trong 3 đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương nhất do nước biển dâng. Cũng tại đây, năm 2016 đã chứng kiến hạn hán, xâm nhập mặn ở mức kỷ lục trong 100 năm qua, đe dọa nghiêm trọng sinh kế của hàng triệu người dân. Do vậy, nếu không tìm ra lời giải để ứng phó hiệu quả với thách thức đó, những thành quả phát triển của  nhân loại chắc chắn sẽ bị kéo lùi. Hiện nay, chúng ta đang đứng trước cơ hội lịch sử để cùng phối hợp hành động nhằm ứng phó BĐKH và thúc đẩy phát triển bền vững. Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và Thỏa thuận Pa-ri về BĐKH là những khuôn khổ toàn cầu, thể hiện tầm nhìn về đổi mới và gắn kết vì một thế giới tốt đẹp hơn.
 

chú thích ảnh 1 các đại biểu tham dự Hội nghị ASEM chụp ảnh lưu niệm

Các đại biểu tham dự Hội nghị chụp ảnh lưu niệm 

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ, Phạm Bình Minh, tại Hội nghị Cấp cao ASEM 11 ở U-lan-ba-to năm 2016, các nhà lãnh đạo đã cam kết “cùng hợp tác để triển khai đầy đủ và đúng thời hạn các mục tiêu đã đề ra trong Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và Thỏa thuận Pa-ri”. Để biến lời nói và những cam kết thành hành động cụ thể, nhất là tại Hội nghị Thượng đỉnh toàn cầu về hành động ứng phó BĐKH tại Xan Phran-xi-cô và Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc về BĐKH lần thứ 24 tại Ka-tô-oai sắp tới. Đây chính là lúc các thành viên ASEM cần chung tay cùng cộng đồng quốc tế thúc đẩy để thông qua Chương trình hành động thực hiện Thỏa thuận Pa-ri nhằm bảo đảm việc triển khai hiệu quả, thiết thực, đem lại lợi ích cho mọi thành viên, doanh nghiệp và người dân.
 

Chú thích ảnh 5 Phó Thủ tướng Chính phủ, Phạm Bình Minh giới thiệu với đại biểu quốc tế về xoài 3 màu của tỉnh An Giang

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh giới thiệu với các đại biểu quốc tế về sản phẩm trái cây xoài ba màu của tỉnh An Giang

Do vậy, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đề nghị Hội nghị cần xác định cách tiếp cận tổng thể để thống nhất trong nhận thức và hành động về sự cần thiết gia tăng nỗ lực ứng phó BĐKH gắn với phát triển bền vững. Các sáng kiến, dự án hợp tác chuyên ngành của ASEM về quản lý nguồn nước, ứng phó và giảm nhẹ rủi ro thiên tai, năng lượng, an toàn thực phẩm, bình đẳng giới và giảm nghèo… cần được gắn kết chặt chẽ hơn nhằm đưa ra các biện pháp toàn diện cho phát triển bền vững. Ở cấp độ quốc gia, ứng phó BĐKH cần được đặt trong tổng thể chiến lược phát triển bền vững, cân bằng, đồng đều và sáng tạo.
Thúc đẩy quan hệ đối tác nhiều bên về ứng phó BĐKH vì phát triển bền vững. Cần thiết lập mạng lưới kết nối và chia sẻ thông tin giữa các nhà hoạch định chính sách, các nghị sỹ, viện nghiên cứu, giới học giả, doanh nghiệp, địa phương… trong lĩnh vực này; thúc đẩy chia sẻ trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, các chương trình đối tác công - tư, chuyển giao và sử dụng công nghệ xanh, sạch. Đó là cơ sở để xây dựng cộng đồng vững mạnh, tự cường, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, có khả năng thích ứng trước những bất thường của BĐKH, chuyển hóa những thách thức thành cơ hội phát triển. Bên cạnh đó, đề nghị các thành viên phát triển trong ASEM có các biện pháp hỗ trợ tài chính cụ thể cho các thành viên đang phát triển phải đối mặt với những thách thức gay gắt về BĐKH...

"Những gì chúng ta trao đổi tại Hội nghị lần này và nhiều sáng kiến, dự án sẽ được triển khai trong thời gian tới sẽ là bước chuẩn bị quan trọng để thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 12 sắp tới tại Brúc-xen. Với tinh thần đó,  mong rằng Hội nghị sẽ thảo luận thực chất, đưa ra những biện pháp cụ thể để định hướng cho sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa của các thành viên ASEM trong tương lai"- Phó Thủ tướng Chính phủ, Phạm Bình Minh nhấn mạnh.
 

Chú tích ảnh 3 Thứ trưởng Bộ TN&MT, Lê Công Thành phát biểu tại hội nghị

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành phát biểu tại Hội nghị 

Tập trung thực hiện các giải pháp ứng phó BĐKH vùng ĐBSCL

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành cho rằng, năm 2016 hạn hán nghiêm trọng, nước mặn xâm nhập sâu khiến 11/13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL buộc  phải công bố tình trạng thiên tai. Theo kịch bản BĐKH, đến năm 2100, nước biển có thể dâng lên 1m làm ngập nhiều khu vực ven biển Việt Nam và gây ngập vĩnh viễn diện tích ĐBSCL.

ĐBSCL là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của cả nước, đóng góp 50% lúa, 65% thủy sản, 70% trái cây. Sự trù phú và phát triển của ĐBSCL và sông Mekong đang đứng trước những thách thức hết sức to lớn từ mối đe dọa của BĐKH. "Để ứng phó với BĐKH, Việt Nam đã xây dựng và triển khai đồng bộ nhiều chính sách, giải pháp cấp chiến lược quốc gia. Đồng thời, triển khai nhiều chương trình dự án ứng phó với nguồn lực từ Chính phủ, các đia phương, hỗ trợ quốc tế, người dân và doanh nghiệp. Đây là những nỗ lực to lớn của Chính phủ Việt Nam. Tuy nhiên, cũng như nhiều quốc gia khác những nỗ lực này là chưa đủ để giải quyết vấn đề BĐKH mà cần sự tham gia đóp góp của nhiều tổ chức xã hội thực hiện ở nhiều cấp độ. Đây là trách nhiệm cũng như cơ hội để phá triển bền vững"- Thứ trưởng Bộ TN&MT, Lê Công Thành cho biết.
 

Chú thích ảnh 6 Thứ trưởng Bộ TN&MT, Lê Công Thành trao đổi với đại biểu tại khu triển lãm BĐKH thách thức và cơ hội hợp tác Á Âu

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành trao đổi với đại biểu quốc tế tham dự Hội nghị 

Cũng theo Thứ trưởng Bộ TN&MT, Lê Công Thành, Hội nghị ASEM sẽ là nơi chia sẻ học hỏi kinh nghiệm và thúc đẩy hợp tác trong nhiều vấn đề như: hợp tác trong xây dựng và hoàn thiện thể chế chính sách; huy động nguồn nhân lực tài chính và công nghệ… để ứng phó với biến đổi khí hậu...

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn thông tin, hội nghị được tổ chức đúng thời điểm thế giới đang đẩy mạnh hơn bao giờ hết các nỗ lực ứng phó BĐKH. Năm 2018 được nhiều tổ chức quốc tế xác định là năm then chốt hành động ứng phó BĐKH vì phát triển bền vững. Trong năm 2018, nhiều thành viên ASEM như Pháp, Đức, Liên minh Châu Âu, Anh, Italia, Ba Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ốt-xtrây-lia…. tiếp tục đi đầu đăng cai các hội nghị toàn cầu và khu vực quan trọng trong lĩnh vực này. Cùng với những nỗ lực đó, hội nghị này chuyển đi thông điệp về vai trò tiên phong và đóng góp hiệu quả của ASEM cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với BĐKH – thách thức lớn nhất đang đặt ra trong thế kỷ...

"Hội nghị này có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với người dân Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng. Theo đánh giá của nhiều tổ chức quốc tế, Việt Nam là một trong những nước chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và thời tiết cực đoan, trong đó, ĐBSCL là một trong những khu vực bị tác động nghiêm trọng nhất. Do vậy, tháng 11/2017, Chính phủ Việt Nam đã lần đầu tiên ban hành Nghị quyết về Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH, coi vấn đề phát triển bền vững ĐBSCL là một trong những ưu tiên của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam"- Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết.

Được biết, tại 4 phiên họp toàn thể của Hội nghị này các đại biểu sẽ tập trung trao đổi kinh nghiệm và thảo luận các nội dung như phát triển trong bối cảnh BĐKH gắn kết giữa hành động ứng phó BĐKH với các mục tiêu phát triển bền vững; xây dựng năng lực thích ứng BĐKH, thực tiễn và bài học kinh nghiệm tại châu Á và châu Âu; hành động ứng phó BĐKH, vai trò và sự tham gia của các bên liên quan; định hướng tương lai thúc đẩy quan hệ đối tác khí hậu Á – Âu vì phát triển bền vững.
 

Chú thích ảnh 4 các đại biểu cắt băng triển lãm BĐKH

Các đại biểu cắt băng khai mạc  triển lãm  biến đổi khí hậu 

Đã đầu tư trên 18.600 tỉ đồng thực hiện các công trình thích ứng với BĐKH

Theo thống kê, kể từ năm 2011 đến nay, Chính phủ đã đầu tư 18.623 tỉ đồng để thực hiện các công trình thích ứng với BĐKH phù hợp với từng vùng, địa phương chịu nhiều tác động của BĐKH. Trong đó, khu vực ĐBSCL 6.760 tỉ đồng; các tỉnh ven biển 5.324 tỉ đồng để trồng rừng ngập mặn ven biển, nâng cấp hệ thống kiểm soát mặn, nâng cấp các đoạn đê biển, đê sông ở những khu vực xung yếu; các tỉnh miền núi phía Bắc 5.164 tỉ đồng; Tây nguyên 1.375 tỉ đồng để trồng rừng phòng hộ đầu nguồn, nâng cấp hệ thống lưu trữ và cung cấp nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất và điều tiết lũ, nâng cấp hệ thống thoát lũ, kiểm soát lũ trên các sông lớn, xây dựng các kè chống sạt lở sông, suối tại các địa bàn sinh sống của đồng bào dân tộc ít người.

Nguồn: Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: