Hội thảo tham vấn các thành viên Hội đồng Tư vấn của Ủy ban quốc gia về BĐKH đối với Chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP

Đăng ngày: 11-05-2018 | Lượt xem: 1112
Chiều ngày 10/5, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo tham vấn các thành viên Hội đồng Tư vấn của Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu đối với Chương trình hành động tổng thể...

Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết: Vấn đề phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu đang được Chính phủ rất quan tâm, đặc biệt là vấn đề phát triển bền vững ĐBSCL trước thách thức của biến đổi khí hậu. Ngày 17 tháng 11 năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Để cụ thể hóa các mục tiêu, giải pháp được nêu trong Nghị quyết số 120/NQ-CP, đồng thời gắn với phân công trách nhiệm của từng Bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng dự thảo Chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết, trình Thủ tướng phê duyệt. Trong thời gian vừa qua, Bộ TN&MT đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan và địa phương liên quan xây dựng dự thảo Chương trình hành động tổng thể và đã tổ chức các cuộc họp, hội thảo lấy ý kiến các Bộ ngành trung ương tại Hà Nội; lấy ý kiến các tỉnh, thành phố ĐBSCL, TP. Hồ Chí Minh tại Cần Thơ.

“Đây là cuộc họp quan trọng để Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học tâm huyết về lĩnh vực môi trường, biến đổi khí hậu góp ý cho dự thảo chương trình hành động Nghị quyết, đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm hay trên thế giới. Đặc biệt là những ý kiến vừa có tính chất khoa học vừa mang tính khả thi cao, để Bộ TN&MT sớm hoàn thiện trình Chính phủ phê duyệt. Trong bối cảnh hiện nay nguồn lực kinh tế còn hạn hẹp, việc huy động các nguồn lực khác vào công cuộc phát triển bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu rất là quan trọng; vì vậy cần phải có sự đổi mới, sáng tạo, đột phá để làm sao huy động được nhiều nguồn lực phục vụ cho sự phát triển bền vững ĐBSCL, thích ứng với biến đổi khí hậu.” - Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh.

06 nhóm nhiệm vụ, giải pháp lớn

Tại hội thảo, TS. Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Tổ trưởng Tổ soạn thảo trình bày tóm tắt nội dung dự thảo Chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Mục tiêu của Chương trình hành động tổng thể là xác định các nhiệm vụ, giải pháp trong từng giai đoạn để các Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vùng ĐBSCL và TP. Hồ Chí Minh tập trung chỉ đạo, xây dựng, triển khai các chương trình, đề án, dự án, giải pháp cụ thể nhằm thực hiện đầy đủ, toàn diện và hiệu quả các nhiệm vụ và mục tiêu đã được Nghị quyết số 120/NQ-CP đề ra. Các nhiệm vụ và giải pháp phải có trọng tâm, trọng điểm, thời hạn hoàn thành; đảm bảo khả thi, hiệu quả; bám sát nội dung Nghị quyết số 120/NQ-CP; tạo cơ sở để các Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL và TP. Hồ Chí Minh xây dựng, triển khai nhiệm vụ cụ thể, chi tiết góp phần phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH.

Nội dung dự thảo tập trung vào 06 nhóm nhiệm vụ, giải pháp lớn với các nhiệm vụ hoạt động cụ thể để thực hiện mục tiêu Nghị quyết đã đề ra và được chia thành 02 giai đoạn:

Giai đoạn 2018 - 2020 tập trung hoàn thiện thể chế, điều tra cơ bản và cập nhật dữ liệu liên ngành, phát triển nguồn lực, triển khai thực hiện một số mô hình về chuyển đổi cơ cấu kinh tế đã được thí điểm thành công; thực hiện những nhiệm vụ cấp bách đã nêu trọng Nghị quyết số 120/NQ-CP, trong đó ưu tiên giải quyết hiện tượng sạt lở bờ biển, bờ sông, rạch trong vùng, đang diễn ra rất nhanh và ngày càng phức tạp. Đồng thời triển khai các bước chuẩn bị về quy hoạch, thiết kế nhằm thực hiện các dự án cần đầu tư lớn trong giai đoạn tiếp theo, nhằm triển khai mô hình kinh tế - xã hội của vùng, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Giai đoạn 2021 - 2030 sẽ dựa trên kết quả thực hiện những nhiệm vụ giải pháp của giai đoạn 2018 - 2020, tập trung vào việc triển khai các dự án, nhiệm vụ đã được phê duyệt, đồng thời xúc tiến những dự án, nhiệm vụ đầu tư xây dựng cơ bản đòi hỏi nguồn kinh phí lớn phục vụ phát triển bền vững, thích ứng với BĐKH.

 

 

 Quang cảnh cuộc hội thảo

Chương trình hành động tổng thể có tính đột phá cao

Phát biểu tại Hội thảo, các ý kiến của các nhà khoa học trong Hội đồng đều cơ bản thống nhất và đánh giá cao nội dung dự thảo Chương trình hành động tổng thể. Đây là chương trình hành động tổng thể, toàn diện, bao quát các vấn đề đặt ra ở ĐBSCL về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu với 06 nhóm nhiệm vụ, giải pháp lớn cùng các nhiệm vụ chi tiết và cụ thể. Đây là chương trình lớn mang tính đột phá, có cách tiếp cận tích hợp từ quốc gia đến liên ngành, liên vùng, cách tiếp cận dựa vào tiểu vùng sinh thái, dựa vào tự nhiên… nhằm thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP trên cơ sở đảm bảo phát triển sự hài hoà phù hợp với các tiểu vùng sinh thái của ĐBSCL để thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời cũng đề xuất làm rõ những nhiệm vụ cần ưu tiên trọng tâm, mang tính đổi mới, đột phá trong chương trình hành động tổng thể. Quan trọng nhất là để nâng cao hiệu quả chương trình hành động cần thiết có một “Tổng công trình sư” để chỉ đạo tổng thể. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị làm rõ hơn vấn đề thích nghi, vấn đề quản trị tài nguyên nước, vấn đề xác định và xây dựng mô hình chuyển đổi cơ cấu kinh tế thích ứng với biến đổi khí hậu; vấn đề quy hoạch phát triển vùng; huy động nguồn lực phát triển, đào tạo nguồn nhân lực và ứng dụng công nghệ tiếp cận nền công nghiệp 4.0.

GS.TSKH Trương Quang Học cho rằng, trước tiên với Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng, vấn đề phát triển và thích ứng cần phải được quán triệt thực hiện bao trùm trong các mục tiêu phát triển bền vững. Nếu phát triển mà không thích nghi, thích ứng thì không bền vững; nếu chỉ thích nghi mà không phát triển thì sẽ mãi tụt hậu. Thứ hai là tiếp cận liên ngành, liên vùng; quy hoạch dựa trên chức năng sinh thái tổng hợp, đang rất nhiều nước đang áp dụng. Thứ ba là con người, yếu tố quan trọng nhất cho sự phát triển bền vững ĐBSCL, trong đó nhấn mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng. Cùng với đó là tăng cường, nâng cao nhận thức phát triển bền vững, tăng trưởng xanh trong bối cảnh biến đổi khí hậu, khai thác, huy động nguồn lực từ tự nhiên trong phát triển bền vững ĐBSCL.

Đồng quan điểm về vấn đề thích nghi, PGS.TS Bùi Huy Phùng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của vấn đề quản trị tài nguyên nước ở ĐBSCL. Chúng ta đang bị khống chế về nước do tầm nhìn về quản trị tài nước ở ĐBSCL chưa tốt. Bên cạnh đó nên khai thác sức mạnh cộng đồng để huy động tối đa nguồn nhân lực, nguồn lực tài chính; cần phát triển năng lượng tái tạo ĐBSCL.

GS.TS Nguyễn Văn Bộ cho rằng về vấn đề quy hoạch cần gắn với phát triển tổng thể, liên ngành, liên vùng, minh bạch là quan điểm xuyên suốt. Vì hiện nay có rất nhiều quy hoạch riêng lẻ nên chồng lấn, không hiệu quả. Vấn đề nguồn nước và giữ nguồn nước là yếu tố quyết định của ĐBSCL, nên cần thiết xây dựng hệ thống hồ chứa để giữ nước ngọt phục vụ sinh hoạt cho nhân dân.

PGS.TS. Trần Đình Hòa lại nhấn mạnh đến việc xây dựng mô hình phát triển kinh tế vùng ĐBSCL. Ông cũng thống nhất rằng ĐBSCL cần phát triển theo cơ chế tích hợp liên vùng, cần có cơ chế chính sách phù hợp; thu thập và xử lý số liệu, xây dựng cơ sở dữ liệu liên ngành là cơ sở quan trọng để thực hiện các giải pháp phát triển bền vững; đồng thời xây dựng hệ thống giám sát; xây dựng đầu tư hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực.

Nhấn mạnh về thách thức của ĐBSCL phải đối mặt, PGS.TS Đặng Ngọc Dinh cho rằng cần phải thay đổi, đột phá phát triển ĐBSCL có tính lâu dài, phải chuyển đổi mô hình phát triển mới, cách sống mới, xã hội mới. Muốn vậy cần có một tổng công trình sư chỉ đạo điều hành thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp; chuyển đổi mô hình kinh tế thích ứng với biến đổi khí hậu tạo diện mạo mới, hiện đại cho ĐBSCL.

Bà Trần Thị Minh Hà nêu kỳ vọng có cái mới, đột phá về phát triển khu vực ĐBSCL. Gần đây chính phủ đang đề cập nhiều đến cơ chế đặc khu, vậy ĐBSCL nên chăng phát triển theo cơ chế của một đặc khu. Bà cũng đề cập tới việc phát triển giai đoạn sau năm 2030, đồng thời có cơ chế chính sách, tạo điều kiện để huy động sự tham gia của cộng đồng, doanh nghiệp nhất là thời kỳ phát triển nền công nghiệp 4.0.

GS.TS Mai Trọng Nhuận cho rằng chúng ta cần xây dựng được bộ tiêu chí phát triển bền vững ĐBSCL, có triết lý về phát triển bền vững ĐBSCL, đây là cơ sở quan trọng để phát triển bền vững. Bên cạnh đó ông cho rằng nên đi sâu vào nghiên cứu đánh giá tác động kép đối với ĐBSCL; xây dựng luận cứ khoa học, nghiên cứu mô hình phát triển kinh tế - xã hội, nghiên cứu giải pháp huy động, cơ chế giải pháp huy động nguồn lực; …

GS.TS Trần Thục cho rằng thực tế cần quan tâm đến những thách thức đối với ĐBSCL khi mà khi nước biển tràn vào, phù sa không còn nhiều, sạt lở đất nghiêm trọng, sụt lún ở ĐBSCL. Vì vậy muốn giữ cho sự tồn tại và phát triển ĐBSCL cần phải thay đổi. Quan điểm của ông là "thà co cụm đển tồn tại còn hơn dàn trải mà mất hết". Ông cũng đề nghị bổ sung thêm việc đánh giá định kỳ chương trình hàng năm …

Phát biểu kết luận Hội thảo, thay mặt lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thứ trưởng Lê Công Thành trọng cảm ơn và đánh giá cao những ý kiến đóng góp rất tâm huyết của các giáo sư, chuyên gia, nhà khoa học là thành viên Hội đồng Tư vấn Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu. Đây là những ý kiến xác đáng, là cơ sở quan trọng để Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp thu đưa vào dự thảo Chương trình hành động tổng thể để trình Chính phủ. Thứ trưởng cũng nhất trí với ý kiến của các đại biểu về cần việc phải có nhạc trưởng trong chương trình hành động tổng thể, cần có một cơ quan tham mưu cho Chính phủ để thực hiện.

“Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã có chỉ đạo nghiên cứu kiện toàn các Ủy ban các lưu vực sông, Ủy ban sông Mê Công Việt Nam. Ngoài ra, Bộ trưởng cũng giao các cơ quan chức năng tham mưu nghiên cứu hình thức quản trị mới như thành lập Ủy ban tối cao ĐBSCL như mô hình Hà Lan đã thực hiện.” - Thứ trưởng Lê Công Thành chia sẻ.

Thứ trưởng cũng đề nghị Cục Biến đổi khí hậu tiếp thu ý kiến của các đại biểu,bổ sung hoàn thiện dự thảo Chương trình hành động tổng thể để đảm bảo trình Thủ tướng Chính phủ đúng thời hạn. Trong đó nhấn mạnh tới vấn đề quản trị tài nguyên nước, xây dựng mô hình phát triển, xác định mục tiêu ưu tiên, lộ trình cụ thể… để làm sao thể hiện rõ được quan điểm, triết lý phát triển của ĐBSCL theo Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ.

Thứ trưởng mong rằng trong thời gian tới sẽ tiếp tục nhận được ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học và các nhà quản lý trong công cuộc bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu./.

Nguồn: monre.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: