Hợp tác của EU - VIệt Nam: Chống biến đổi khí hậu là ưu tiên hàng đầu

Đăng ngày: 28-09-2018 | Lượt xem: 1282
(TN&MT) - "Chống biến đổi khí hậu là ưu tiên hàng đầu trong quan hệ hợp tác của Liên minh châu Âu (EU) với Việt Nam". Đó là khẳng định của ngài Bruno Angelet - Đại sứ phái đoàn EU tại Việt Nam...

Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động Tuần lễ Ngoại giao Khí hậu châu Âu tại Việt Nam, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về hợp tác các bên trong ứng phó biến đổi khí hậu, cập nhật tình hình triển khai Thỏa thuận Paris tại Việt Nam và những hỗ trợ của EU.

thư trương

(Từ trái qua phải) Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành, Đại sứ phái đoàn EU tại Việt Nam Bruno Angelet; Đại sứ UNDP tại Việt Nam Kamal Malhotra tham gia buổi thảo luận cấp cao

Việt Nam sẵn sàng tham gia thị trường các-bon

Theo Thứ trưởng Lê Công Thành, Việt Nam là một quốc gia đang phát triển và vẫn có nhu cầu sử dụng các nguồn nhiên liệu lớn cho toàn bộ nền kinh tế, đồng nghĩa với việc phát thải khí nhà kính quốc gia sẽ tiếp tục gia tăng. Tuy nhiên, để chung tay với cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã cam kết cắt giảm ít nhất 8% lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát thải thông thường vào năm 2030 và có thể lên tới 25% khi có sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. Các cam kết nêu trên và các biện pháp thực hiện cắt giảm đã và đang được rà soát, cập nhật nhằm đảm bảo tính khả thi, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam và đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng quốc tế.

Thứ trưởng nhấn mạnh, Việt Nam cũng đang từng bước hoàn thiện hệ thống pháp lý, năng lực kỹ thuật, cơ chế phối hợp các bên để giải quyết các hạn chế trong triển khai Thỏa thuận Paris. Các hoạt động tập trung vào ban hành mới và bổ sung các chính sách cấp Chính phủ, cấp ngành và địa phương để sớm hoàn thiện cơ sở pháp lý và quy định rõ trách nhiệm cho các Bộ, ngành và địa phương đối với việc thực hiện các hoạt động ứng phó BĐKH.

thu truong 2

Thứ trưởng Lê Công Thành phát biểu tại buổi thảo luận

Thúc đẩy hợp tác trong khu vực, hợp tác quốc tế và tận dụng nhiều phương thức tiếp cận các nguồn tài chính - kỹ thuật nhằm giải quyết những hạn chế về năng lực, tài chính và công nghệ. Thực hiện các định hướng mới trong việc tích hợp vấn đề BĐKH vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nhằm đạt được hiệu quả và tính bền vững cao hơn.  Bên cạnh đó, tăng cường sự tham gia, vai trò của khối tư nhân, cộng đồng, các tổ chức chính trị - xã hội vào việc huy động nguồn lực, tăng cường năng lực và thực thi các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu.

"Hiện nay, Việt Nam đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc xây dựng và vận hành thị trường các-bon trong nước, kết nối với các thị trường các-bon trong khu vực, trên thế giới và tham gia thị trường toàn cầu trong thời gian tới", Thứ trưởng cho biết.

Làm rõ hơn về nội dung rà soát, cập nhật báo cáo đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam, TS Tăng Thế Cường – Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) cho biết, đến nay, các Bộ, ngành và 50/63 tỉnh/thành phố đã ban hành Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris của mình. Chính phủ đã giao Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan rà soát nội dung NDC để cập nhật NDC cho phù hợp với bối cảnh, điều kiện phát triển kinh tế xã hội, có tính đến chiến lược phát triển của các ngành trong lộ trình giảm phát thải KNK chung.

Sau khi có dự thảo báo cáo đầu tiên, các chuyên gia đã thành lập tổ công tác để làm việc với các Bộ ngành, lấy ý kiến tham vấn với các cơ quan quản lý Nhà nước với những lĩnh vực có liên quan. Từ đó, xây dựng NDC khả thi nhất đối với Việt Nam nhằm đạt được các mục tiêu cắt giảm phát thải khí nhà kính đến năm 2030.

Phối hợp các bên trong chuyển đổi kinh tế các-bon thấp

Đề cập đến tầm quan trọng của sự hợp tác cùng ứng phó biến đổi khí hậu, ông Kamal Malhotra – đại sứ UNDP cho rằng, Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu được 196 quốc gia đồng thuận thông qua vào năm 2015 là bước tiến quan trọng, tạo khuôn khổ thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia, các tổ chức tài chính, khối doanh nghiệp, tổ chức xã hội dân sự.

dien gia

Các diễn giả tham gia thảo luận về tình hình ứng phó BĐKH

Tiến trình thực hiện Thỏa thuận Paris đòi hỏi những hành động cụ thể, giải pháp thiết thực và tăng cường chia sẻ, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm giữa các bên. Làm sao để huy động càng nhiều nguồn lực và các ý tưởng sáng tạo, giải quyết thách thức từ biến đổi khí hậu nhanh hơn, mạnh mẽ hơn; đồng thời, giúp các cộng đồng dễ bị tổn thương tăng sức chống chịu bền vững.

Theo ông Kamal Malhotra, Chương trình nghị sự 2030 đã đề ra các mục tiêu phát triển bền vững, trong đó nhiều nội dung có thể lồng ghép, hỗ trợ thực hiện Thỏa thuận Paris tại các quốc gia. Các cam kết giảm phát thải và thích ứng BĐKH có thể đạt được khi có lộ trình rõ ràng cả về hành động và chính sách, thông qua các kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế các bon thấp.

Chia sẻ về kinh nghiệm của Liên minh Châu Âu, Đại sứ Bruono Angelet cho biết, từ gần 30 năm trở lại đây, các nước thành viên EU đã vượt ra ngoài vòng quay kinh tế thông thường. Chúng tôi tập trung kiểm soát đầu ra, thúc đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn giảm phát thải CO2 của các ngành công nghiệp, tận dụng tối đa các chất thải và tài trợ cho các nhà phát triển năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, sinh khối… Công nghệ tiên tiến đã giúp giá thành điện mặt trời ở Châu Âu rẻ hơn điện than và thúc đẩy quá trình tăng tỷ lệ NLTT trong cơ cấu nguồn năng lượng quốc gia.

quang canh

Khán giả đặt câu hỏi thảo luận tại hội trường

Đến nay, kết quả cắt giảm phát thải CO2 của EU đã đạt 23%, vượt cả mức cam kết trước đây tại Hội nghị Paris là 20% đến năm 2020. GDP không ngừng tăng cho thấy hiệu quả của gắn kết giảm phát thải với phát triển kinh tế. Hiện nay, nỗ lực của EU đã vươn ra rộng ra các đối tác phát triển, trong đó có Việt Nam. “Chống BĐKH là ưu tiên hàng đầu trong mối quan hệ của EU với Việt Nam. Chúng tôi đặc biệt thúc đẩy quá trình chuyển giao năng lượng từ nâu sang xanh thông qua các hỗ trợ tài chính. Điều này đặc biệt quan trọng bởi năng lượng là tiền đề tăng trưởng kinh tế những cũng là nguồn phát thải lớn nhất”, ông Bruono khẳng định.

Đề cập đến vai trò của các tổ chức phi chính phủ, bà Ngụy Thị Khanh – Giám đốc GreenID cho rằng, vai trò lớn nhất chính là hỗ trợ tuyên truyền và thúc đẩy cộng đồng cùng chung tay thực hiện các sáng kiến ứng phó BĐKH. Hoạt động của các tổ chức có thể ở nhiều cấp độ khác nhau như tham vấn chính sách, hỗ trợ cộng đồng, nghiên cứu thêm các bằng chứng khoa học... nhưng tựu chung là kết nối với các bên để thúc đẩy khai thông các sáng kiến tốt nhất cho cộng đồng.

Nguồn: Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: