LHQ hối thúc quyết tâm chính trị để thực thi Thỏa thuận Paris 2015

Đăng ngày: 13-12-2018 | Lượt xem: 1077
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres vừa có bài phát biểu thứ hai trong phiên họp cấp cao bế mạc Đối thoại Talanoa tại Hội nghị của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu năm 2018 (COP24)...
Antonio Guterres 12

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. (Nguồn: AFP)

Phóng viên TTXVN đưa tin từ trung tâm hội nghị ở Katowice cho biết, ngay phần mở đầu bài phát biểu, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Guterres nhắc lại rằng đây là hội nghị về biến đổi khí hậu quan trọng nhất kể từ khi Thỏa thuận Paris được thông qua.

Theo Tổng Thư ký Guterres, biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh hơn chúng ta nhìn nhận, đồng thời khẳng định COP24 ở Katowice chắc chắn sẽ thành công, như một xu thế nhằm đảo ngược tiến trình này. Tuy nhiên, để đạt được sự đồng thuận tại COP24, các quốc gia cần có quyết tâm chính trị ở mức rất cao.

Trong thời gian ông Guterres không có mặt ở Katowice, 3 báo cáo quan trọng đã được trình bày tại COP24, phát đi những tín hiệu cảnh báo rất đáng chú ý, bao gồm báo cáo đặc biệt của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về tác động của biến đổi khí hậu đến sức khỏe con người, báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc về cơ hội giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính trong lĩnh vực xây dựng và báo cáo nghiên cứu của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) về dấu hiệu đầu tiên của hiện tượng băng tan tại khu vực phía Đông Nam Cực.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc thừa nhận, trong thời gian hơn 10 ngày qua, COP24 vẫn còn tồn tại rất nhiều bất đồng, với các vấn đề chính trị quan trọng chưa được giải quyết.

Ông cũng hối thúc các quốc gia nỗ lực nhiều hơn để giải quyết các công việc phức tạp này, khi thời gian của hội nghị không còn nhiều. Theo lịch trình, COP24 sẽ bế mạc vào ngày 14/12, sau 13 ngày làm việc.

Phiên bế mạc Đối thoại Talanoa, một sáng kiến của quốc đảo Fiji từ COP23, diễn ra vào chiều 12/12, là cơ hội tốt để tìm kiếm tiếng nói chung.

Ông Guterres nhấn mạnh rằng, hơn ai hết, các quốc đảo hiểu rõ tầm quan trọng của mục tiêu kiềm chế mức tăng nhiệt độ Trái Đất ở 1,5 độ C vào cuối thế kỷ 21 so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh đối với những người sống trên các đảo, biến đổi khí hậu "không phải là vấn đề lý thuyết của tương lai, mà chính là sự sống còn ngay ở thời điểm hiện tại.”

Ông Guterres cũng bày tỏ tham vọng về việc đạt được một quy tắc linh hoạt nhưng mạnh mẽ để thực thi Thỏa thuận Paris 2015. Trong đó, về phần tài chính, các nước phát triển cần tiếp tục thực hiện nghĩa vụ hỗ trợ các nước đang phát triển, như đã đề cập trong Công ước về chống biến đổi khí hậu được thông qua từ năm 1992.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc cho biết, Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố một loạt mục tiêu khí hậu mới cho giai đoạn 2021-2025, tăng gấp đôi khoản đầu tư 5 năm hiện tại lên 200 tỷ USD, cả về giảm thiểu và thích ứng, nhằm hỗ trợ các nước thực hiện hành động với biến đổi khí hậu.

Nhiều tổ chức tài chính khác cũng cam kết hỗ trợ việc thực thi Thỏa thuận Paris 2015. Ông cũng cảnh báo nếu COP24 ở Katowice thất bại, đó sẽ là một đòn mạnh giáng vào các quốc gia đang thực hiện việc chuyển đổi từ nền kinh tế carbon sang nền kinh tế xanh.

Theo đó, để tránh điều này, các nước phát triển phải cam kết đóng góp 100 tỷ USD vào năm 2020 để hỗ trợ việc ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc đã giao Tổng thống Pháp và Thủ tướng Jamaica lãnh đạo việc huy động cộng đồng quốc tế, cả khối công và tư, để đạt mục tiêu 100 tỷ USD trong bối cảnh Liên hợp quốc đang chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh khí hậu vào tháng 9/2019.

Thời hạn quy định trong Thỏa thuận Paris 2015 do chính các quốc gia thống nhất, và để thực hiện thỏa thuận này, ông Guterres nhấn mạnh đến quyết tâm chính trị của các nước. Ông cũng cảnh báo, thế hệ tương lai sẽ không tha thứ nếu hiện tại thế giới không hành động một cách quyết liệt và khẩn cấp trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trong bài phát biểu, Tổng Thư ký Liên hợp quốc cũng cảm ơn nỗ lực tổ chức COP24 của Ba Lan cũng như cá nhân Tổng thống Andrzej Duda trong việc thúc đẩy tiến trình đàm phán xây dựng chương trình nghị sự thực hiện Thỏa thuận Paris 2015.

Diễn ra từ ngày 2 đến 14/12, COP24 thu hút khoảng 32.000 người tham dự. Đối thoại Talanoa là một trong những hoạt động trọng tâm của hội nghị, thu hút lãnh đạo cấp cao của nhiều quốc gia tham dự./. 

Nguồn: TTXVN

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: