Lượng khí thải các-bon toàn cầu sẽ tăng trong năm 2018

Đăng ngày: 06-12-2018 | Lượt xem: 1460
(TN&MT) – Các nhà khoa học dự báo lượng phát thải CO2 toàn cầu sẽ tăng gần 3% trong năm nay do sử dụng nhiên liệu hóa thạch, với hy vọng mức tăng năm 2017 là tạm thời sau 2 năm chậm lại.

Khí thải tăng cản trở mục tiêu của Thỏa thuận Paris năm 2015

“Lượng khí thải trên thế giới đã tăng 1,6% trong năm ngoái và sẽ tăng nhiều hơn trong năm nay do sử dụng than, dầu và khí thiên nhiên thường xuyên”, một báo cáo hàng năm của Dự án Các-bon toàn cầu của nhóm gồm 76 nhà khoa học ở 15 quốc gia cho thấy.

Lượng khí thải CO2 gần như không tăng từ năm 2014 - 2016, đo dó theo dự báo, lượng khí thải đã đạt đỉnh điểm vào năm 2013.

Số liệu này, được trình bày trong các cuộc đàm phán của khoảng 190 quốc gia ở Ba Lan về việc thực hiện thỏa thuận khí hậu của Hiệp định Paris năm 2015, là một trở ngại cho mục tiêu toàn cầu nhằm hạn chế phát thải để ngăn chặn lũ lụt, sóng nhiệt và mực nước biển dâng cao.

“Thế giới đang trên đà tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu từ 3-5 độ C trong thế kỷ này và nếu tất cả các nguồn nhiên liệu hóa thạch được sử dụng thì mức tăng sẽ còn lớn hơn”, Tổ chức Khí tượng Thế giới của LHQ cảnh báo vào tuần trước.

Khói bốc lên từ một ngôi nhà ở Bedzin, gần Katowice, Ba Lan vào ngày 5/12/2018. Ảnh: Kacper Pempel

Khói bốc lên từ một ngôi nhà ở Bedzin, gần Katowice, Ba Lan vào ngày 5/12/2018. Ảnh: Kacper Pempel

"Dự báo phát thải CO2 từ nhiên liệu hóa thạch và công nghiệp là 2,7% vào năm 2018, nhưng những bất ổn đang tồn tại và tốc độ tăng trưởng từ 1,8-3,7% vẫn có thể xảy ra", báo cáo Dự án Các-bon toàn cầu cho biết.

Khí thải CO2 từ nhiên liệu hóa thạch, xi măng và công nghiệp - tạo nên phần lớn khí nhà kính nhân tạo - đang trên đà tăng lên mức cao kỷ lục khoảng 37,1 tỷ tấn trong năm nay.

Theo báo cáo, lượng khí thải CO2 từ tất cả hoạt động của con người, bao gồm nhiên liệu hóa thạch, công nghiệp và những thay đổi trong sử dụng đất sẽ đạt khoảng 41,5 tỷ tấn.

“Bất chấp sự tăng trưởng của các công nghệ các-bon thấp, chưa đủ để hỗ trợ các chính sách hạn chế phát thải”, Glen Peters, một trong những nhà đi đầu của nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Khí hậu Quốc tế tại Oslo (CICERO) cho biết.

“Sự gia tăng phát thải trong năm 2017 được cho là chỉ xảy ra một lần, nhưng tốc độ tăng trưởng trong năm 2018 thậm chí còn cao hơn, và điều này minh chứng rằng cho đến nay thế giới đang thất bại trong việc thực hiện mục tiêu đặt ra trong Thỏa thuận Paris hồi năm 2015” - ông Glen Peters nhấn mạnh.

Nhiều nước trên thế giới gia tăng phát thải

Gần như tất cả các nước đã góp phần vào sự gia tăng phát thải toàn cầu: hoặc bằng cách tăng phát thải, hoặc giảm phát thải chậm hơn dự kiến.

“Theo dự báo, lượng khí thải của Trung Quốc sẽ tăng khoảng 4,7% trong năm nay, nước này vẫn sẽ phụ thuộc vào than trong thập kỷ tới cũng theo dự báo mặc dù đang triển khai năng lượng tái tạo”, báo cáo cho biết.

Hầu như tất cả các nước đều góp phần làm gia tăng lượng khí thải, trong đó Trung Quốc tăng 4,7%, Mỹ tăng 2,5% và Ấn Độ tăng 6,3% vào năm 2018. Ảnh: Michel Euler / AP

Hầu như tất cả các nước đều góp phần làm gia tăng lượng khí thải, trong đó Trung Quốc tăng 4,7%, Mỹ tăng 2,5% và Ấn Độ tăng 6,3% vào năm 2018. Ảnh: Michel Euler / AP

Do tăng trưởng kinh tế mạnh và tiếp tục sử dụng than, lượng phát thải của Ấn Độ dự kiến ​​sẽ tăng 6,3% trong năm nay.

Mức phát thải của Mỹ có thể sẽ tăng khoảng 2,5% trong năm nay, sau khi giảm 1,2% một năm kể từ năm 2007. Tuy nhiên, dự báo cho thấy ​​khí thải của Mỹ sẽ giảm trở lại vào năm 2019 khi khí đốt, gió và mặt trời tiếp tục thay thế than.

Theo Trung tâm nghiên cứu khí hậu quốc tế của Na Uy, hai năm qua đã cho thấy Trung Quốc sẽ không dễ dàng “nói lời tạm biệt” với việc sử dụng than. Ảnh: Andy Wong / AP

Theo Trung tâm nghiên cứu khí hậu quốc tế của Na Uy, hai năm qua đã cho thấy Trung Quốc sẽ không dễ dàng “nói lời tạm biệt” với việc sử dụng than. Ảnh: Andy Wong / AP

Liên minh châu Âu sẽ giảm nhẹ 0,7% lượng khí thải trong năm nay.

Ở các nơi còn lại trên thế giới, chiếm 42% lượng khí thải toàn cầu, dự kiến ​​sẽ tăng 1,8% khí thải trong năm 2018. Những nơi này chủ yếu là các nước đang phát triển và 5 nước đóng góp nhiều nhất vào sự gia tăng phát thải trong thập kỷ qua là Saudi Arabia, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq và Hàn Quốc.

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: