Nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu

Đăng ngày: 10-07-2020 | Lượt xem: 3776
Trước thách thức của biến đổi khí hậu (BĐKH), TP Cần Thơ đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tăng cường khả năng thích ứng của đô thị và thúc đẩy phát triển đô thị theo hướng xanh, bền vững.

Công trình xây dựng kè chống sạt lở, chống xâm nhập mặn, ứng phó BĐKH khu vực rạch Cái Sơn (thuộc quận Ninh Kiều, Bình Thủy) đang thi công.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ Ðào Anh Dũng, TP Cần Thơ đã tích cực triển khai các chính sách, biện pháp nhằm giảm, hạn chế phát thải khí nhà kính, các tác động của BÐKH. Ðồng thời, tăng cường khả năng tiếp cận năng lượng bền vững, hướng tới lượng phát thải thấp, tăng trưởng xanh. Các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giảm nhẹ BÐKH được thành phố chỉ đạo thực hiện cụ thể thông qua ban hành các kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ; kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về BÐKH; chương trình mục tiêu ứng phó với BÐKH và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020…

Thành phố đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn hội về chủ động ứng phó với BÐKH, bảo vệ môi trường hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Từ đó, góp phần tạo nên sự đoàn kết trong các hành động và chủ động trong công tác ứng phó. Các ngành, lĩnh vực đã bước đầu lồng ghép và xây dựng các giải pháp về phát triển ngành theo hướng bền vững, kết hợp với bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu phù hợp với điều kiện thực tế của thành phố trong từng giai đoạn phát triển. Từ đó, xây dựng các mô hình tuyên truyền hiệu quả. Ðiển hình như: Phân loại xử lý rác thải tại hộ gia đình; Chủ nhật xanh; ra quân thu gom rác thải, dọn dẹp vệ sinh môi trường… Trong sản xuất nông nghiệp, từng bước nhân rộng mô hình sản xuất theo quy trình VietGAP, Global GAP, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến.

TP Cần Thơ đã và đang triển khai nhiều dự án nhằm ứng phó. Chẳng hạn, Tiểu dự án đê bao vườn cây ăn trái tại huyện Phong Ðiền, dự án Hợp phần cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn thuộc dự án WB6, dự án Nâng cấp đô thị vùng ÐBSCL - Tiểu dự án TP Cần Thơ, dự án Thoát nước và xử lý nước thải TP Cần Thơ công suất 30.000m3/ngày.đêm, dự án Kè bờ sông Cần Thơ ứng phó BÐKH, dự án Phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng đô thị… Thông qua các công trình, dự án vừa nâng cao khả năng thích ứng đô thị, vừa hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, đê kè cũng như các hạ tầng kỹ thuật về môi trường, góp phần nâng cao khả năng chống chịu của thành phố trong bối cảnh BÐKH.

Hợp tác quốc tế về lĩnh vực BÐKH được thành phố tăng cường, tạo động lực mới cho kế hoạch ứng phó BÐKH. Thành phố đã tham gia tích cực vào các tổ chức, mạng lưới quốc tế nhằm chia sẻ, học hỏi những sáng kiến, giải pháp bảo vệ môi trường, ứng phó BÐKH như: tham gia Thỏa thuận các Thị trưởng Toàn cầu về Khí hậu và Năng lượng; tham gia Mạng lưới các thành phố BreatheLife; thành viên trong mạng lưới 100 thành phố trên toàn cầu có khả năng chống chịu... Phối hợp với các tổ chức quốc tế (tổ chức UN - Habitat Việt Nam, Viện Chiến lược Môi trường Toàn cầu Nhật Bản, Tổ chức Không khí sạch châu Á…) tổ chức nhiều hội thảo tập huấn về các thông tin, kiến thức về môi trường, biến đổi khí hậu, phát thải thấp… cho công chức, viên chức thành phố.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các giải pháp ứng phó với BÐKH, thành phố vẫn còn gặp một số khó khăn. Các chính sách về ứng phó BÐKH cơ bản phù hợp và đầy đủ, song BÐKH tác động sâu rộng đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội dẫn đến quá trình thực hiện còn lúng túng, bị động. Việc lồng ghép ứng phó BÐKH trong các chiến lược, quy hoạch chưa mang hiệu quả cao; sự phối hợp giữa cá địa phương chưa chặt chẽ… Theo bà Châu Thị Kim Thoa, Chánh Văn phòng Công tác BÐKH TP Cần Thơ, hạn chế chủ yếu của thành phố là về nguồn lực, bao gồm cả kinh phí và nhân lực; bên cạnh đó, sự tham gia của cộng đồng chưa cao.

Trong thời gian tới, thành phố định hướng giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và môi trường; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó BÐKH; lựa chọn các dự án công nghệ cao, thân thiện môi trường và chấp hành nghiêm các quy định pháp luật. Thực hiện mục tiêu trên, ông Nguyễn Văn Sử, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ, cho biết: Với vai trò là đơn vị chuyên môn, Sở tiếp tục tham mưu UBND thành phố các giải pháp bảo vệ môi trường, ứng phó với BÐKH; xây dựng, cập nhật, thống kê các thông số về chất lượng môi trường không khí, nước, chất thải, tiếng ồn các khu vực trên địa bàn thành phố phục vụ quản lý môi trường thông minh theo Nghị quyết 10-NQ/TU của Thành ủy. Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, người dân trong việc chấp hành pháp luật; tích cực bảo vệ môi trường và thích ứng với BÐKH. Sở tham mưu thành phố giải quyết triệt để các cơ sở, khu vực gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; giải quyết vấn đề rác thải và xử lý rác. Cùng với đó, tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực môi trường và ứng phó với BÐKH…

Theo baocantho.com.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: