Nhiều giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu

Đăng ngày: 06-06-2020 | Lượt xem: 6519
Nhận thức được vai trò quan trọng của việc chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp về thời tiết do biến đổi khí hậu gây ra, thời gian qua tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả.

Tuyến đê Quan Lạn (huyện Vân Đồn) được xây dựng kiên cố, góp phần đảm bảo phòng, chống thiên tai.

Tỉnh đã sớm ban hành các kế hoạch, quy hoạch môi trường, như: Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2010-2015, tầm nhìn 2020; Quy hoạch môi trường tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch môi trường Vịnh Hạ Long và quy hoạch của các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh...

Cùng với đó, tỉnh đã xây dựng cơ sở dữ liệu đặc biệt phục vụ cho cảnh báo và phòng chống thiên tai với nhiều phương án đa dạng, linh hoạt, phù hợp thực tế. Điển hình là phương án ứng phó với bão mạnh và siêu bão; xây dựng bản đồ nước biển dâng do bão với 5 kịch bản mô phỏng; xây dựng bản đồ lũ quét, sạt lở trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng đến các giá trị của Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long. Tỉnh cũng đã đầu tư nhiều dự án củng cố, nâng cấp, xây mới các đoạn đê biển, đê sông xung yếu, phát triển rừng chắn sóng, chắn cát, rừng ngập mặn ven biển, bảo đảm chống chịu được với thiên tai, triều cường, xâm nhập mặn...

Theo thống kê của Sở NN&PTNT, thực hiện Dự án bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ, đặc dụng ven biển Quảng Ninh giai đoạn 2015-2020, đến hết năm 2029, toàn tỉnh đã trồng mới trên 4.000 ha, chiếm 71,4% diện tích bãi bồi có khả năng trồng rừng ngập mặn. Bên cạnh đó, để chủ động các phương án, điều kiện phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai, tỉnh đã chú trọng nâng cấp, cải tạo các hồ, đập, đê điều. Đến nay, nhiều công trình đã và đang trong quá trình hoàn thiện, như tuyến đê Quan Lạn (huyện Vân Đồn) dài trên 7,5km đã hoàn thành, đưa vào sử dụng; tuyến Đê Hà Nam dài gần 34km, dự kiến hoàn thành trong tháng 6/2020. 5/5 hồ chứa nước có cửa van điều tiết là: Yên Lập, Đầm Hà Động, Tràng Vinh, Chúc Bài Sơn, Khe Cát đã được phê duyệt quy trình vận hành điều tiết; 4 hồ đã được lập phương án xả lũ vùng hạ du gồm: Cao Vân, Đầm Hà Động, Khe Chè và Yên Lập. Riêng tại các hồ Yên Lập, Đầm Hà Động, Tràng Vinh đã được lắp đặt hệ thống quan trắc tự động phục vụ vận hành theo thời gian thực của hồ chứa.

Tỉnh cũng đã xây dựng bản đồ nguy cơ ngập lụt theo các kịch bản nước biển dâng; chủ động di dời, sắp xếp lại các điểm dân cư ở những vùng thường xuyên bị tác động của lũ lụt, những nơi có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất... Trong đó, Đề án di dời tổng thể ra khỏi vùng sạt lở, ngập lụt nguy hiểm và quy hoạch bố trí dân cư phòng tránh thiên tai trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến 2025 với trên 500 hộ được di dời.

Đặc biệt, để thực hiện hiệu quả mục tiêu phát triển từ "nâu" sang "xanh", trong lĩnh vực năng lượng, công nghiệp và xây dựng, các mô hình giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đã được tỉnh đẩy mạnh. Công tác nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới thích ứng biến đổi khí hậu trong xây dựng đô thị, phát triển, sử dụng năng lượng, giao thông, vật liệu xây dựng, thoát nước bước đầu được quan tâm thực hiện. Hiện đã có một số mô hình trong lĩnh vực năng lượng, vật liệu xây dựng và cấp thoát nước được thí điểm thực hiện, như sử dụng năng lượng mặt trời cho một số thiết bị điện dân dụng tại huyện Vân Đồn, huyện Cô Tô và một số điểm tham quan trên Vịnh Hạ Long; sản xuất gạch xây không nung; sản xuất cát nghiền nhân tạo; công nghệ xử lý nước thải PTF áp dụng cho TP Hạ Long; hệ thống Bio -Toilet… đã được đưa vào hoạt động và góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường trên địa bàn.

Bên cạnh các giải pháp trên, những năm qua tỉnh chú trọng các hoạt động tuyên truyền, giáo dục; nâng cao nhận thức, hình thành ý thức chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trên địa bàn. Đặc biệt, đưa công tác ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ tài nguyên, môi trường vào nội dung sinh hoạt của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể; chương trình giáo dục cho học sinh, sinh viên trong nhà trường... Thông qua công tác truyền thông, nhận thức của người dân, các cấp, các ngành về ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường đã được nâng lên rõ rệt; các phong trào bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu nhận được sự hưởng ứng và tham gia tích cực của cộng đồng.

Theo baoquangninh.com.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: