Phát triển nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu

Đăng ngày: 27-03-2020 | Lượt xem: 4535
Những năm gần đây, phát triển kinh tế - xã hội nói chung, nông nghiệp nói riêng trên địa bàn tỉnh liên tiếp gánh chịu thiệt hại nặng nề từ những trận mưa lũ. Hạn hán, xâm nhập mặn thì thường xuyên xảy ra đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Nguyên nhân của tình trạng thời tiết bất thuận nói trên được xác định là do biến đổi khí hậu (BĐKH).

Diện tích trồng lúa thường xuyên bị hạn của xã Hòa Lộc (Hậu Lộc) được chuyển sang trồng cà pháo để thích ứng với biến đổi khí hậu.

Vùng có sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng đầu tiên và nặng nề nhất của BĐKH trên địa bàn tỉnh ta có lẽ là các địa phương ven biển. Ngay trong vụ đông xuân 2019-2020 này, Chi cục Thủy lợi tỉnh dự báo sẽ có khoảng 4.775 ha cây trồng bị ảnh hưởng bởi tình trạng xâm nhập mặn do BĐKH. Do đó, để chủ động ứng phó với BĐKH, tiếp tục thúc đẩy nông nghiệp phát triển, những năm gần đây, được sự định hướng của ngành nông nghiệp, các địa phương ven biển đã đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên vùng thường xuyên bị ảnh hưởng do BĐKH.

Tại huyện Hậu Lộc, mỗi năm có khoảng 2.000 đến 2.500 ha đất sản xuất nông nghiệp bị nhiễm mặn. Chỉ tính riêng vụ đông xuân năm nay, toàn huyện dự kiến sẽ có khoảng hơn 1.000 ha sản xuất nông nghiệp bị nhiễm mặn; trong đó, có khoảng 300 ha ảnh hưởng đến năng suất. Để phát triển sản xuất cho vùng chịu ảnh hưởng của BĐKH, huyện đã lựa chọn và sử dụng các loại giống có khả năng chịu mặn như: Nhị Ưu 838, Bắc Thơm số 7, Nam Dương 99 đưa vào gieo cấy thay cho các giống lúa thông thường. Chuyển đổi diện tích trồng lúa bị nhiễm mặn sang trồng các loại cây màu hàng hóa có khả năng chịu hạn như: Ớt chỉ thiên, khoai tây, lạc, dưa lê...

Nga Sơn cũng là huyện sản xuất nông nghiệp chịu nhiều ảnh hưởng bởi tình trạng BĐKH, với diện tích bị ảnh hưởng lên tới 4.000 ha, chiếm 57% tổng diện tích sản xuất nông nghiệp trong mỗi vụ của toàn huyện. Do vậy, để phát triển nông nghiệp trong điều kiện BĐKH, huyện Nga Sơn đã hỗ trợ các địa phương thực hiện cải tạo đất cho vùng bị ảnh hưởng bởi BĐKH, xây lắp các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất; chuyển đổi diện tích trồng cói, trồng lúa thông thường sang trồng các giống lúa chịu hạn, chịu mặn, thích ứng với BĐKH, hoặc chuyển sang xây dựng phát triển trang trại tổng hợp và nuôi trồng thủy sản... Tại các xã có diện tích chuyển đổi sang trồng các giống lúa có khả năng chịu mặn, chịu hạn, năng suất đã tăng từ 58,43 tạ/ha/vụ lên 65 tạ/ha/vụ. Những diện tích chuyển sang làm trang trại chăn nuôi, bình quân cho thu lãi từ 200 đến 500 triệu đồng/trang trại. Diện tích chuyển sang nuôi trồng thủy sản theo hướng chuyên canh, công nghiệp, lãi bình quân đạt từ 500 đến 700 triệu đồng/ha/vụ.

Đối với các huyện thuộc vùng đồng bằng, có diện tích thường xuyên bị ngập lụt do BĐKH, như: Nông Cống, Triệu Sơn, Thọ Xuân... ngoài chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giải pháp được xem là có hiệu quả nhất hiện nay là chuyển đổi cơ cấu mùa vụ. Theo đó, những diện tích thuộc vùng bị ảnh hưởng bởi BĐKH sẽ được cơ cấu mùa vụ trồng sớm hơn, nhằm né lụt, bảo đảm năng suất và hiệu quả kinh tế.

Để phát triển nông nghiệp trong điều kiện ứng phó với BĐKH, ngành nông nghiệp tỉnh đang tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với BĐKH. Chuyển giao các giống cây trồng mới, chế độ canh tác phục vụ sản xuất hàng hóa theo mô hình canh tác nông nghiệp thông minh, thích ứng với BĐKH. Bố trí hệ thống trồng trọt theo hướng đa dạng hóa cây trồng, kỹ thuật canh tác, gắn thâm canh tăng năng suất với bảo vệ tài nguyên môi trường và kiểm soát rủi ro do tác động tiêu cực của BĐKH. Bên cạnh đó, nhân rộng các mô hình, biện pháp canh tác tiên tiến thích ứng với BĐKH, như: Thực hành nông nghiệp tốt, quản lý cây trồng tổng hợp, kỹ thuật canh tác 3 giảm 3 tăng, nhân rộng hệ thống canh tác lúa cải tiến.

Theo baothanhhoa.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: