Phát triển xây dựng bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu ở ĐBSCL

Đăng ngày: 02-12-2021 | Lượt xem: 8226
Phát triển xây dựng bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu, tạo động lực phát triển cho toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những vấn đề đang được quan tâm.

Một khu vực bờ bao bị sạt lở tại huyện Cù Lao Dung (tỉnh Sóc Trăng). (Ảnh: Chanh Đa/TTXVN)

Đồng bằng sông Cửu Long là nơi chịu nhiều ảnh hưởng bởi tác động của biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng gay gắt, phức tạp.

Vì vậy, tại khu vực này, phát triển xây dựng bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu, góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng, tạo động lực phát triển cho toàn vùng là một trong những vấn đề đang được quan tâm.

Thách thức lớn cho toàn vùng

Đề cập về những tác động của biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều chuyên gia dự báo, trong khoảng 100 năm nữa, vùng đất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ thấp hơn mực nước biển khoảng một mét và các địa phương ven biển dự kiến mỗi năm sụt lún khoảng 1-1,5cm.

Đây chính là một trong những thách thức lớn cho toàn vùng, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội, trong đó có lĩnh vực xây dựng.

Trước diễn biến phức tạp, khó lường của biến đổi khí hậu, việc xây dựng mạng lưới hệ thống đô thị phải tính đến các nguy cơ ngập lụt, xói mòn, sạt lở và cả những nguy cơ về ô nhiễm hay thiếu hụt nguồn nước.

Còn đối với hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy kết nối trong vùng, liên vùng, cần đặt ra những vấn đề về quy hoạch để bảo đảm sự kết hợp hài hòa, thống nhất và không xung đột với hệ thống thủy lợi, đê điều.

Bên cạnh đó, việc quy hoạch xây dựng hệ thống hạ tầng trọng yếu tại khu lực này cũng đang đối mặt nhiều thách thức liên quan đến nguồn lực, nguồn vốn, định giá, hạch toán trước biến động của nền kinh tế cũng như sự cần thiết của việc khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng tái tạo, vật liệu mới, tái chế nhằm phục vụ phát triển bền vững toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo Giáo sư Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường (Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh), khi mực nước biển tăng từ 70-100cm sẽ dẫn đến ngập lụt với quy mô rộng và diễn biến thường xuyên không theo chu kỳ ở các vùng đồng bằng, ven biển, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long có kết cấu địa chất, địa hình phức tạp. Điều này ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện kinh tế-xã hội trong vùng, trong đó có yếu tố kinh tế được mô phỏng trên bình diện thiết chế hệ thống cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh như giao thông, đô thị, cấp nước...

Đồng thời, tác động của biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng rõ nét, hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, triều cường, xâm nhập mặn thường xuyên xảy ra không những ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp mà còn làm thay đổi các cấu trúc, yếu tố địa tầng, gây ra hiện tượng sạt lở bờ sông và hệ thống sông Mekong phía thượng nguồn.

Mặt khác, kết cấu trầm tích của đất ven bờ chưa qua quá trình nén chặt tự nhiên, dẫn đến đất bị bão hòa, độ gắn kết thấp làm lưu lượng và tốc độ dòng chảy lớn, gây ra xói mòn đáy sông và ven bờ. Tất cả những yếu tố này đều có những ảnh hưởng, tác động đến lĩnh vực xây dựng.

Đồng quan điểm, Tiến sỹ Trương Thị Hồng Nga, Trường Đại học Xây dựng Miền Tây, cho biết trong nhiều công trình nghiên cứu, các chuyên gia đã cho rằng bên cạnh nhiều yếu tố thuận lợi, đặc biệt là các chính sách và quan điểm phát triển bền vững đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long luôn được thể hiện nhất quán, khu vực đồng bằng này cũng đang gặp nhiều thách thức do biến đổi khí hậu, với những biểu hiện cụ thể như xu hướng nhiệt độ trung bình ngày càng tăng, nước biển ngày càng dâng cao và hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện nhiều hơn với cường độ cũng mạnh hơn.

Ngoài ra, tại Đồng bằng sông Cửu Long, xét về tốc độ đô thị hóa, dù đã có nhiều công trình tương đối hiện đại, quy mô được xây dựng nhưng khu vực này hiện vẫn là một trong những vùng có tốc độ phát triển chưa cao.

Nguyên nhân chính là do vùng có cấu tạo hệ thống sông ngòi, kênh rạch dày đặc, có khí hậu nhiệt đới hai mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa nắng, đất đai thổ nhưỡng khá đặc trưng với địa hình lồi lõm xen kẽ, độ ẩm trong đất cao rất dễ gây ra khô hạn, thậm chí gay gắt.

Là vùng đồng bằng có nhiều tầng đất sét sâu, có khả năng chống lún nhưng do sự thay đổi môi trường tự nhiên, cấu tạo tầng đất ít nhiều bị suy giảm địa chất của đất vốn có, dẫn đến hiện tượng tầng tiếp chứa đất có tạp chất hữu cơ làm ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động phát triển kinh tế, trong đó có hoạt động sản xuất nông nghiệp, xây dựng.

Linh hoạt thích ứng

Để góp phần phát triển kinh tế-xã hội, trong điều kiện biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng phức tạp, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, gắn liền với xây dựng các công trình hiện đại, bền vững, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn là rất quan trọng.

Từ quan điểm, định hướng chiến lược phát triển Đồng bằng sông Cửu Long luôn lấy con người làm trung tâm, phục vụ người dân, chủ động linh hoạt trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra nhanh, cực đoan là xu thế tất yếu, do đó phải thích nghi, biến thách thức thành cơ hội, các nhóm nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến phát triển xây dựng đã được nhiều chuyên gia, nhà quản lý đề ra.

Nhiều ý kiến cho rằng các ngành, địa phương trong vùng cần tiếp tục quan tâm, ưu tiên hàng đầu cho việc xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; tiếp tục đẩy mạnh việc phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Thực tế cho thấy hiện nay, đối với hạ tầng giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đã có nhiều công trình lớn được hoàn thành như cao tốc Lộ Tẻ-Rạch Sỏi, cầu Rạch Miễu 2, cầu Vàm Cống, cầu Cao Lãnh.

Một số đô thị mới, đô thị mở rộng ở các tỉnh, thành phố cũng đang từng bước được đầu tư theo hướng hiện đại hóa, trên cơ sở phát triển mạnh về công nghệ sản xuất về vật liệu xây dựng được gắn nhãn “xanh,” thân thiện môi trường.

Theo Tiến sỹ Trương Thị Hồng Nga (Trường Đại học Xây dựng Miền Tây), một trong những giải pháp hiệu quả để phát triển xây dựng bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu là các đơn vị chuyên môn tăng cường hoạt động hợp tác, sản xuất các loại vật liệu xây dựng mới, thông minh, tiết kiệm năng lượng có hiệu quả kinh tế cao và thân thiện môi trường nhằm thực hiện mục tiêu giảm phát thải chất ô nhiễm, khí nhà kính hay hủy hoại cảnh quan, sinh thái, gây ô nhiễm môi trường, các vấn đề về gia tăng rủi ro thiên tai, nhất là các tỉnh ở vùng đầu nguồn nước, vùng ven biển trọng yếu.

Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, trong đó một số công trình hiện đại được tập trung ưu tiên đầu tư và sớm đưa vào sử dụng các công trình, cụm công trình, dự án hạ tầng trọng điểm về giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không kết nối các vùng, khu vực, các trung tâm trong nước, quốc tế.

Phat trien xay dung ben vung trong dieu kien bien doi khi hau o DBSCL hinh anh 2
(Ảnh minh họa: Huỳnh Ngọc Sơn/TTXVN)

Các bộ, ngành và địa phương huy động nguồn lực, tập trung đầu tư hoàn thiện và nâng cấp hệ thống đê biển, các công trình chống sạt lở ven sông, ven biển để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Các tỉnh, thành phố trọng yếu đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng liên xã, cấp huyện, vùng, bảo đảm tính kết nối giao thông, kết nối hạ tầng thương mại, nông nghiệp nông thôn với hai trung tâm kinh tế là thành phố Cần Thơ và Thành phố Hồ Chí Minh.

Đề cập đến phát triển, xây dựng các công trình bảo vệ bờ biển, đảo, trong điều kiện thích ứng biến đổi khí hậu, Phó Giáo sư Nguyễn Việt Phương (Trường Đại học Xây dựng Hà Nội) đề xuất một số giải pháp theo hướng thích ứng “mềm” với các điều kiện khó khăn, thích ứng với biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Đó là các giải pháp: sử dụng vật liệu rỗng tiêu sóng, bê tông đóng rắn nhanh, bê tông cường độ siêu cao, cốt phi kim, phát triển các dạng cấu kiện kiểu mới. Bên cạnh đó, các công trình được xây dựng tại khu vực này cũng có thể được định hướng là công trình đa năng, kết hợp công trình bảo vệ bờ với hạ tầng giao thông, định hướng công trình xanh, bền vững.

Lấy dẫn chứng về xây dựng công trình trường học ở Đồng bằng sông Cửu long trong điều kiện biến đổi khí hậu, theo hướng linh hoạt, thích ứng, đa năng, nhóm nghiên cứu gồm các chuyên gia Doãn Minh Khôi, Doãn Thanh Bình, Nguyễn Mạnh Cường (Trường Đại học Xây dựng Hà Nội), phân tích tại khu vực đồng bằng này vẫn còn tình trạng cơ sở vật chất không đồng đều, có sự chênh lệch lớn giữa thành thị và nông thôn. Mặc dù hiện nay các trường học tranh, tre, nứa đã được xóa bỏ nhưng vẫn còn nhiều trường học xây dựng tạm bợ tại vùng sâu, vùng xa, dễ bị phá hỏng hoàn toàn khi xảy ra lũ lụt. Vì vậy, khi xây dựng các công trình trường học ở Đồng bằng sông Cửu Long cần linh hoạt, lưu ý đến tính đa chức năng của công trình.

Các công trình trường học luôn phải thích ứng với cả hai mùa khô-nắng hạn và mưa-ngập lụt. Yếu tố linh hoạt, đa chức năng được thể hiện trong giải pháp kiến trúc trường học, cho phép các không gian học tập có thể chuyển đổi từ ngoài trời vào trong nhà, từ tầng thấp lên tầng cao một cách an toàn mà không ảnh hưởng tới quá trình học tập. Một số phòng học an toàn, chắc chắn và ở trên cao cũng có thể trở thành nơi trú ngụ tạm thời của cộng đồng dân cư ở địa phương khi phải đối phó với ngập lụt ở mức độ lớn./.

Nguồn: TTXVN

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: