Tăng năng lực ứng phó biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển bền vững

Đăng ngày: 12-07-2021 | Lượt xem: 2755
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang phải chịu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (BĐKH). Hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở, diện tích bị ngập...là những thiên tai mà năm nào người dân vùng đất Chín Rồng cũng phải gánh chịu. Bên cạnh những tổn thương về kinh tế, đời sống sinh hoạt thì ĐBSCL cũng đang có hiện tượng di cư hàng loạt do ảnh hưởng bởi BĐKH.

ĐBSCL đang bị ảnh hưởng nhiều bởi tác động của biến đổi khí hậu. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Người miền Tây di cư tăng

Nghiên cứu của Trường Đại học Văn Lang (năm 2015) về mối tương quan giữa BĐKH và khả năng di cư ở ĐBSCL đã khẳng định: BĐKH là một trong những yếu tố dẫn đến quyết định di dân, thông qua 3 nhóm yếu tố là động lực thúc đẩy người di cư gồm: ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất tại địa phương; ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống; ảnh hưởng đến chất lượng môi trường. Số liệu khảo sát cho thấy, tác động do BĐKH đến khu vực ĐBSCL chủ yếu là xâm nhập mặn, nước biển dâng, mưa bão thất thường và thời tiết nắng nóng cực đoan. Đây là những nguyên nhân đã và sẽ làm cho một số lượng lớn người dân di cư khỏi ĐBSCL để đến TPHCM. Dự báo, vào năm 2030, nếu độ mặn 4% thì tổng số người dân ở ĐBSCL di cư đến TPHCM là gần 600.000 người, con số này vào năm 2050 là khoảng 1,4 triệu người.

Theo PGS-TS Lê Thị Kim Oanh, Trưởng khoa Công nghệ, Trường Đại học Văn Lang, trong khi dân số di cư đến TPHCM ngày một tăng cao thì nhiều cơ sở hạ tầng ở TPHCM lại chưa đáp ứng được nhu cầu. Để thích ứng với tình trạng dân số “phình to” trong tương lai, TPHCM cần triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhập cư; mở rộng, tăng cường khả năng liên kết vùng đô thị nhằm giãn dân và phối hợp quản lý; giảm áp lực dân số vào nội thành... Đối với giải pháp kỹ thuật, TPHCM cần đẩy mạnh đầu tư phân kỳ đối với các hệ thống giao thông, hệ thống cấp điện, cấp nước, hạ tầng xử lý chất thải rắn sinh hoạt, bệnh viện và trường học nhằm đáp ứng theo từng giai đoạn phát triển. Và quan trọng là TPHCM cần có các kế hoạch, kịch bản để thích ứng với BĐKH.

Nâng cao vai trò của các địa phương

Theo Bộ TN-MT, thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều chủ trương, kế hoạch để phát triển ĐBSCL theo hướng bền vững, thích ứng với BĐKH.

Theo đó, các bộ, ngành, địa phương đã tăng cường điều tra, khảo sát, cảnh báo, dự báo trong lĩnh vực môi trường, ứng phó với BĐKH phục vụ phát triển kinh tế - xã hội theo chủ trương thuận thiên. Nhờ dự báo, cảnh báo sớm, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai các giải pháp hiệu quả, hạn chế được tối đa tác động xấu ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất tại vùng ĐBSCL. Riêng trong đợt hạn mặn năm 2019-2020, mặc dù mức độ khắc nghiệt và diện rộng hơn đợt hạn mặn lịch sử năm 2015-2016, nhưng nhờ sự chủ động trong dự báo và kịp thời hành động trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất đã góp phần giảm 90% diện tích lúa bị ảnh hưởng.

Bên cạnh đó, ĐBSCL cũng đã chủ động điều tra, khảo sát thăm dò, tìm kiếm và tổ chức khai thác hợp lý nguồn nước để cung cấp phục vụ sinh hoạt, sản xuất cho người dân trong mùa khô và các đợt xâm nhập mặn. Cụ thể, đã điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới dất tại 32 vùng trên phạm vi 7 tỉnh (Cà Mau, Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Long An, Đồng Tháp, Bạc Liêu) với tổng số 35 công trình khai thác có tổng lưu lượng khai thác 33.000m3/ngày đêm, có thể cung cấp cho 333.000 người dân.

Đến nay đã bàn giao bản đồ nước ngầm cho tất cả các địa phương vùng ĐBSCL cùng hàng chục giếng khoan để các địa phương đầu tư, xây dựng các công trình cấp nước tập trung. Trong các đợt hạn mặn năm 2020, đã triển khai nhiều điểm nguồn cấp nước khẩn cấp, riêng Bộ TN-MT hỗ trợ 10 điểm, với tổng công suất xử lý và cung cấp là 3.700m3/ngày đêm, cung cấp cho 62.000 hộ dân. Trong khi đó, chuyển đổi kinh tế của vùng cũng được đẩy mạnh theo hướng phát triển bền vững, thích ứng với BĐKH, kết nối mạnh mẽ với TPHCM và các tỉnh vùng Đông Nam bộ.

Lãnh đạo Sở TN-MT TPHCM cho biết, sở đã hoàn thành việc xây dựng kế hoạch ứng phó với BĐKH trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2017-2020 và tầm nhìn 2030; triển khai nhiệm vụ xây dựng tài liệu tuyên truyền về ứng phó với BĐKH, kiểm kê khí nhà kính trên địa bàn và nghiên cứu đánh giá khí hậu.

Theo kế hoạch, TPHCM sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp thích ứng ở các lĩnh vực như quy hoạch đô thị, năng lượng, giao thông vận tải, công nghiệp, quản lý nước, quản lý chất thải, xây dựng, y tế, nông nghiệp, du lịch. Việc triển khai kế hoạch hành động sẽ giúp tăng cường năng lực ứng phó với BĐKH của TPHCM khi thực hiện các quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Đặc biệt, sở đã tham mưu thường trực ban chỉ đạo thực hiện kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH chương trình “Xúc tiến đầu tư trong triển khai kế hoạc hành động để tăng cường hợp tác quốc tế” năm 2020.

Ngoài ra, sở đang triển khai nâng cấp trang web chương trình ứng phó với BĐKH của TPHCM theo phương án đã được phê duyệt; phối hợp với Sở NN-PTNT triển khai nhiệm vụ “Xây dựng mô hình tưới tiết kiệm nước theo hướng hiện đại hóa - kết hợp sử dụng thiết bị bơm sử dụng nguồn năng lượng tái tạo” trong giai đoạn 2021-2030.

Theo Sài Gòn giải phóng

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: