Thực hiện Chương trình nghị sự 30: Việt Nam hoàn thành mục tiêu bảo vệ khí hậu

Đăng ngày: 30-11-2021 | Lượt xem: 1424
Theo Báo cáo tiến độ 5 năm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, dự kiến đến năm 2030, Việt Nam có khả năng sẽ đạt được cả 3 mục tiêu cụ thể thuộc mục tiêu phát triển bền vững số 13 về các hành động bảo vệ khí hậu.

Thực tế trong 5 năm qua, Việt Nam đã nỗ lực triển khai các hoạt động từ hoàn thiện thể chế chính sách đến tăng cường năng dự báo, cảnh báo thiên tai, giám sát khí hậu và các hoạt động cụ thể để thích ứng và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về biến đổi khí hậu, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với BĐKH. Việt Nam cập nhật Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng vào năm 2016 và năm 2020, cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) vào năm 2020

Đến nay đã có 52/63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu; 7/18 Bộ và 37/63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương ban hành Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh

Bên cạnh nguồn lực trong nước, Việt Nam đã huy động được nhiều nguồn lực quốc tế cho các dự án, chương trình liên quan đến biến đổi khí hậu. Trong đó, giai đoạn 2017-2019 đã huy động được 146,5 triệu đô la Mỹ từ Quỹ Khí hậu xanh (GCF).

Hội nghị tập huấn về biến đổi khí hậu và kỹ năng ứng phó với biến đổi khí hậu cho các vị chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo

Việt Nam đã tổ chức phổ biến Luật Phòng chống thiên tai và các văn bản dưới luật cho 44 lớp với 1320 cán bộ cấp xã được tập huấn. Mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn được chú ý đầu tư gồm 187 trạm khí tượng bề mặt - 242 trạm thủy văn - 20 trạm hải văn - 10 trạm radar thời tiết - 6 trạm thám không vô tuyến - 8 trạm pilot - 782 trạm đo mưa độc lập.

Tuy nhiên, trước diễn biến và tác động của biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, đòi hỏi các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục tập trung rà soát, hoàn thiện các văn bản chính sách pháp luật liên quan đến BĐKH đảm bảo phù hợp với yêu cầu thực tiễn về công tác ứng phó với BĐKH. Bên cạnh đó để giám sát khí hậu, cần đầu tư hệ thống quan trắc, hệ thống dự báo khí tượng thủy văn đáp ứng được nhu cầu dự báo, đặc biệt là công nghệ dự báo cực ngắn và dự báo biển. Huy động nguồn lực xã hội để đầu tư cho các hệ thống trên.

Hai hoạt động cần thực hiện thường xuyên, liên tục để duy trì các kết quả là tăng cường nâng cao nhận thức về ứng phó với BĐKH cho các cấp, các ngành và người dân, đặc biệt cần chú trọng công tác này hơn nữa tại địa phương; Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm huy động nguồn tài trợ và tăng cường sự phối hợp thực hiện Kế hoạch triển khai Thỏa thuận Paris, các chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ về khí tượng thủy văn và BĐKH.

Nguồn: Monre

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: