Bộ TN&MT làm việc với cơ quan AFD (Pháp) để xây dựng các kịch bản đánh giá tác động của BĐKH tới sự phát triển KT-XH Việt Nam

Đăng ngày: 08-05-2018 | Lượt xem: 870
(TN&MT) - Chiều ngày 07/05, Bộ Trưởng Trần Hồng Hà đã có buổi làm việc với giáo sư Gael Giraud - Giám đốc điều hành Ban Đổi mới, Khoa học và Tri thức, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) về xây dựng...

.BT 1

Bộ trưởng Trần Hồng Hà làm việc với giáo sư Gael Giraud - Giám đốc điều hành Ban Đổi mới, Khoa học và Tri thức, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD)

Tham dự buổi tiếp và làm việc với giáo sư Gael Giraud cùng Bộ trưởng Trần Hồng Hà có ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu; Lãnh đạo Vụ Hợp tác quốc tế; Lãnh đạo Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu; Lãnh đạo Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường, cùng các lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Trao đổi với giáo sư Gael Giraud, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, qua chuyến tháp tùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Pháp vào cuối tháng 3 năm 2018, đoàn Việt Nam đánh giá cao quyết tâm rất lớn của Pháp đặc biệt Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong vấn đề sẽ đóng vai trò đầu tầu của thế giới trong vấn đề biến đổi khí hậu và thực hiện Thỏa thuận Paris năm 2015. 

Đặc biệt, dưới sự chứng kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, bản ghi nhớ triển khai quan hệ Đối tác chiến lược Thỏa thuận Paris giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) đã được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà và ông Remy Gioux, Tổng giám đốc Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) ký tại Paris chiều ngày 27 tháng 3 năm 2018 (theo giờ địa phương). 

Theo đó, một trong ba nhiệm vụ mà Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam (Cơ quan thường trực Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu) sẽ cùng với AFD cam kết hợp tác, phát triển Chương trình Gemmes (Generalized Monetary Macroeconomics for the Ecological Shift) nhằm nghiên cứu các khía cạnh khác nhau về thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra tại Việt Nam và đánh giá các chiến lược thích ứng. Trên cơ sở mô hình kinh tế vĩ mô cho từng vùng của Việt Nam, mục tiêu của Chương trình là đưa ra những dự báo tác động của biến đổi khí hậu đến các hoạt động kinh tế - xã hội tại Việt Nam. Chương trình sẽ tích hợp và đánh giá các phương án thích ứng ngành và/hoặc địa phương, các mục tiêu của Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam trong Thỏa thuận Paris.

Đối với chương trình này, giáo sư Gael Giraud cho biết chương trình xây dựng các mô hình và các kịch bản về tác động của biến đổi khí hậu tới sự phát triển kinh tế xã hội đã được cơ quan AFD triển khai nhiều nước trên thế giới như Brazil, Colombia, Ma-rốc(Morocco), Bờ Biển Ngà... Tại đây, hai bên cùng tìm hiểu và thảo luận để đưa ra những vấn đề mà biến đổi khí hậu đã gaya ra cho nền kinh tế-xã hội đất nước sở tại.

Đối với Việt Nam, chia sẻ với Bộ trưởng Trần Hồng Hà, giáo sư Gael Giraud cho rằng nhiệm vụ của AFD là rất quan trọng bởi Việt Nam là một nước chịu tác động lớn nhất về Biến đổi khí hậu, AFD sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng những chuyên gia kinh tế trong nước để xây dựng được mô hình và các kịch bản về tác động của biến đổi khí hậu tới sự phát triển kinh tế xã hội đặc biệt là khu vực đồng bằng sông Cửu Long với những số liệu xác thực nhất đồng thời đưa ra những giải pháp thích ứng cho đồng bằng sông Cửu Long tránh khỏi và giảm những thiệt hại trong những năm tới do biến đổi khí hậu gây ra.

Giáo sư Gael Giraud đánh giá cao năng lực nghiên cứu của việt Nam và mong muốn sẽ được phối hợp với những chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu Việt Nam để cùng nhau xây dựng mô hình này và có được kết quả sớm nhất. Tuy nhiên giáo sư Gael Giraud cũng cho rằng việc đánh giá tác động của BĐKH với đồng bằng sông Cửu Long là hết sức phức tạp bởi bên cạnh những yếu tố tự nhiên còn có sự tác động của các quy hoạch phát triển kinh tế Việt Nam cũng như của các nước thượng nguồn sông Mê Công, do vậy sự hỗ trợ của các chuyên gia của Việt Nam sẽ giúp AFD sớm triển khai được công việc và nhanh chóng có được kết quả thiết thực nhất để hỗ trợ Việt Nam xây dựng được một quỹ đạo tăng trưởng kinh tế vĩ mô và phát triển kinh tế xã hội theo những chu kỳ 5 năm một cách chính xác.

Hoan nghênh những ý kiến của giáo sư Gael Giraud, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng vấn đề mà AFD lựa chọn cụ thể là khu vực đồng bằng sông Cửu Long có ý nghĩa hết hết sức quan trọng không chỉ cho Việt Nam mà của cả khu vực với những vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu, môi trường, kinh tế xuyên quốc gia. 

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, hiện nay Việt Nam thông qua Uỷ ban sông Mê Công Việt Nam đã nghiên cứu đánh giá toàn diện trên lưu vực sông Mê Công dưới góc độ tác động của tự nhiên, các hoạt động phát triển kinh tế, các tác động của các đập thuỷ điện ở thượng nguồn gây ảnh hưởng đến các quốc gia trong khu vực cũng như ở hạ nguồn sông Mê Công... Tuy nhiên, có nhiều số liệu của những quốc gia thượng nguồn hiện nay Việt Nam không có được con số cụ thể cho nên không thể có được đánh giá chính xác. Do vậy Việt Nam đang rất cần những phương án, năng lực để mô phỏng, tính toán lại các hoạt động, quy trình tự nhiên và đưa ra kết quả dự báo những thiệt hại và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu gây ra cho nền kinh tế.

Hiện nay, Việt Nam đã và đang tập trung đào tạo nguồn nhân lực tại các trường đại học, các trung tâm nghiên cứu của Uỷ ban sông Mê Công để có thể đào tạo, xây dựng được đội ngũ nhân lực có trình độ tiếp cận được những mô hình tiên tiến trên thế giới, đồng thời mong muốn hợp tác với các đối tác trong đó có AFD về nghiên cứu khoa học, chia sẻ kinh nghiệm liên quan đến xây dựng thể chế chính sách về biến đổi khí hậu.

Đối với những mô hình phát triển kinh tế và ứng phó với biến đổi khí hậu, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho biết Việt Nam cũng đang phối hợp với Hà Lan xây dựng kế hoạch tổng thể đồng bằng sông Cửu Long chuyển đổi toàn diện và tái cơ cấu lại đồng bằng sông Cửu Long trên bình diện kinh tế đang diễn ra đồng thời đưa ra được những phương án, những quyết định khoa học, chính xác, hiệu quả hơn và phù hợp với những điều kiện tự nhiên của khu vực.

BT 2

Toàn cảnh buổi làm việc ngày 07/05

Ghi nhận và đồng ý với những ý kiến của Bộ trưởng Trần Hồng Hà, giáo sư Gael Giraud cho rằng trong tương lai Việt Nam nói chung và khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói riêng sẽ còn bị ảnh hưởng do tác động của nước biển dâng trên thế giới. Do vậy, việc sớm đưa ra những mô hình và dự báo quỹ đạo phát triển kinh tế sẽ giúp Việt Nam có những lựa chọn tối ưu nhất để xây dựng những dự án phát triển kinh tế, ứng phó biến đổi khí hậu thích hợp nhất với đồng bằng sông Cửu Long. Để làm được việc đó việc thu thập những số liệu tin cậy sẽ là hết sức quan trọng và cũng là thách thức lớn, AFD mong muốn Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ là đơn vị điều phối, hợp tác với các bộ/ngành của Việt Nam hỗ trợ AFD cùng với Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam hiện thực hoá bản ghi nhớ triển khai quan hệ Đối tác chiến lược Thỏa thuận Paris giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) đồng thời xây dựng được những mô hình phát triển kinh tế phù hợp với Việt Nam trong thời đại mới hiện nay.

Nguồn: Báo TN&MT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: