G7 cam kết đóng vai trò đầu tàu trong thực thi Hiệp định Paris

Đăng ngày: 18-05-2016 | Lượt xem: 1069
Các Bộ trưởng Môi trường thuộc Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) cam kết sẽ đóng vai trò đầu tàu trong việc thực thi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đạt được hồi tháng...

Các đại biểu tại hội nghị. (Nguồn: Kyodo/TTXVN)

Trong tuyên bố chung bế mạc Hội nghị Bộ trưởng Môi trường G7 tại thành phố Toyama, miền Trung Nhật Bản, ngày 16/5, các đại biểu tham dự đã nhất trí thúc đẩy việc sớm triển khai Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu cũng như nỗ lực tìm kiếm biện pháp nhằm đưa ra chiến lược dài hạn chống lại tình trạng ấm lên của Trái Đất trước hạn chót vào năm 2020.

Phát biểu tại cuộc họp báo chung, Bộ trưởng Môi trường Nhật Bản Tamayo Marukawa nhấn mạnh ý chí chính trị mạnh mẽ của G7, theo đó, sẽ đứng đầu các nỗ lực hướng tới việc thực thi các biện pháp đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu. 

Hội nghị hoan nghênh việc hơn 170 nước tham gia ký kết Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, đồng thời khẳng định quyết tâm chắc chắn sớm thực thi các cam kết nhằm hạn chế lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính.

Hội nghị cũng nhận thức được tầm quan trọng của việc đưa ra những chiến lược dài hạn nhằm giảm lượng khí phát thải, cam kết đề ra các chiến lược chống biến đổi khí hậu và trình lên Liên hợp quốc trong thời gian sớm nhất theo kế hoạch đã đặt ra. 

Về việc cắt giảm lượng khí thải trong dài hạn, theo các Bộ trưởng Môi trường G7, việc định giá carbon, trong đó có giao dịch khí phát thải và đánh thuế carbon, là những "phương pháp hữu hiệu" nhằm thúc đẩy sự đổi mới và đầu tư carbon thấp. 

Với việc mật độ dân số đang ngày càng tăng tại các khu vực đô thị, các bộ trưởng chỉ ra "vai trò quan trọng ngày càng lớn" của các thành phố này trong việc đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu, đồng thời kêu gọi các chính phủ giúp đỡ những thành phố này hành động trong đó có việc chia sẻ thông tin về những mô hình đổi mới thành công.

Liên quan đến các vấn đề môi trường khác, các bộ trưởng G7 đã thông qua một loạt hành động nhằm thúc đẩy việc sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên trong đó có việc tái chế rác thải từ các thảm họa tự nhiên, theo chương trình mà các bộ trưởng gọi là "Khung Toyama về tái chế vật liệu."

Chương trình này cũng đề cập đến sự cần thiết của việc giảm lãng phí thực phẩm, theo đuổi các mục tiêu toàn cầu mới nhằm đảm bảo phát triển bền vững, được thông qua tại một hội nghị cấp cao của Liên hợp quốc diễn ra hồi tháng 9/2015, trong đó đặt mục tiêu giảm một nửa lượng thực phẩm lãng phí toàn cầu theo đầu người đến năm 2030. 

Theo Liên hợp quốc, khoảng 30% tổng lượng thực phẩm được sản xuất và chế biến, tương đương 1,3 tỷ tấn, có trị giá lên tới 1.000 tỷ USD bị vứt vào thùng rác, hoặc bị hư hỏng trong quá trình thu hoạch và vận chuyển.

Đây là Hội nghị Bộ trưởng G7 đầu tiên kể từ khi gần 200 nước tham dự Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) tháng 12/2015 nhất trí kiềm chế mức tăng nhiệt độ trên toàn cầu không quá 2 độ C so với nhiệt độ của thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp (vào khoảng những năm 1850). 

Ngoài ra, hiệp định cũng đặt mục tiêu từ nay đến năm 2020, các nước phát triển sẽ huy động tối thiểu 100 tỷ USD mỗi năm để giúp các nước đang phát triển chuyển đổi sang sử dụng những nguồn năng lượng sạch và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ngày 22/4 vừa qua, tại trụ sở Liên hợp quốc ở thành phố New York (Mỹ), đại diện của 175 quốc gia đã ký Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. 

Dự kiến, Hiệp định Paris sẽ bắt đầu có hiệu lực 30 ngày sau khi được 55 quốc gia chiếm ít nhất 55% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu phê chuẩn. 

Mặc dù chỉ tiêu đề ra là năm 2020, nhưng nếu được các nước phê chuẩn sớm, hiệp định này có thể bắt đầu có hiệu lực trong năm nay hoặc đầu năm tới./.

Nguồn: TTXVN

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: