Thụy Điển – Việt Nam chia sẻ về ứng phó với thảm họa thiên tai

Đăng ngày: 20-11-2014 | Lượt xem: 5170
Ngày 20/11 tại TP.HCM, Đại sứ quán Thụy Điển và Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã tổ chức Hội thảo Ứng phó với thảm họa thiên tai, một hoạt động trong khuôn khổ kỷ niệm 45 năm quan...

Khai mạc Hội thảo, bà Camilla Mellander,  Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam cho biết, Việt Nam đã và đang đối mặt với những thảm họa thiên tai có tác động lớn tới con người, doanh nghiệp và môi trường. Với tư cách một người bạn lâu năm và luôn hỗ trợ cho sự phát triển của Việt Nam kể từ năm 1969, Thụy Điển nhìn nhận đây là một trong những lĩnh vực quan trọng cho an sinh và phát triển ở Việt Nam. Năm nay, Việt Nam và Thụy Điển cùng kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và tình bạn thân thiết giữa hai nước. Một trong những quan tâm chính của Thụy Điển là hỗ trợ Việt Nam trong những nỗ lực bảo vệ và phòng chống thảm họa trong tương lai. Phái đoàn tham gia Hội thảo Ứng phó với thảm họa thiên tai lần này là bước khởi đầu cho sự hợp tác giữa hai quốc gia trong lĩnh vực này.

Ông Peter Cerdeholm, Đại diện Thương mại của Thụy Điển tại Việt Nam chia sẻ, Cơ quan Thương mại Thương mại Thụy Điển nhận thấy các thảm họa thiên nhiên ngày càng gia tăng ảnh hưởng tới con người, doanh nghiệp và môi trường. Các công ty Thụy Điển trong phái đoàn lần này hoạt động trong nhiều lĩnh vực đa dạng, cung cấp các sản phẩm và dịch vụ từ hệ thống giám sát công nghệ cao, ra-đa, giải pháp công nghệ thông tin và truyền thông, thiết bị cưa, phá bê tông, công-ten-nơ và xe chuyển quân của quân đội cho đến rào chắn làm bờ bao chống ngập, nhà vệ sinh, nhà ở di động và các sản phẩm đấp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân khi xảy ra thảm họa. Điểm chung giữa các công ty này là luôn đề cao sáng tạo như một yếu tố then chốt trong hoạt động kinh doanh.

Ông Vũ Văn Tú, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương cho biết, Việt Nam là quốc gia chịu nhiều loại hình thiên tai, trong đó bão, lũ lụt và hạn hán là những loại thiên tai có tần số xuất hiện nhiều nhất và gây hậu quả nặng nề cho đời sống kinh tế, xã hội và môi trường. “Hội thảo hôm nay cho thấy, Thụy Điển đã nghiên cứu phát triển các trang thiết bị phục vụ cho công tác cứu hộ, cứu nạn… Chúng tôi muốn tìm hiểu sâu hơn về những trang thiết bị này và có thể sẽ trang bị để phục vụ cho công tác. Mặt khác, chúng tôi cũng muốn giới thiệu kỹ hơn với các bạn Thụy Điển về những đặc thù của thiên tai tại Việt Nam. Qua đó, gợi ý cho họ đưa ra những nghiên cứu để sản xuất các trang thiết bị phù hợp, phục vụ tốt hơn nữa cho công tác cứu hộ, cứu nạn và phòng chống thiên tai tại Việt Nam trong thời gian tới.” - ông Vũ Văn Tú cho hay.

Ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường TP.HCM đã trình bày về kịch bản và các kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu của TP.HCM. Theo đó, TP.HCM được liệt kê vào danh sách 10 thành phố bị đe dọa nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu (OECD). Nếu mực nước biển dâng 75 cm, 204 km2 sẽ bị ngập; nếu mực nước biển dâng 100 cm, 472 km2 sẽ bị ngập; nếu mực nước biển dâng 1m, khoảng 500 cơ sở sản xuất và 16 khu công nghiệp sẽ bị ngập; hơn 50% công trình giao thông hiện có sẽ bị ảnh hưởng bởi ngập úng bất thường đến 2050 (ICEM). Để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, TP.HCM đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và Tổ Chuyên viên giúp việc; thành lập Văn phòng Biến đổi khí hậu vào năm 10/2012 – cơ quan giúp việc cho Ban chỉ đạo; ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn TP.HCM trong giai đoạn 2013 - 2015, chuẩn bị cho giai đoạn 2016 - 2020; tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế (Osaka, Rotterdam, C40, …); tìm kiếm các nguồn hỗ trợ cả về tài chính và kỹ thuật để triển khai các dự án cụ thể.

Theo ông Đào Anh Kiệt, mặc dù TP.HCM chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi thiên tai, trong bối cảnh biến đổi khí hậu thì các hiện tượng thời tiết cực đoan vẫn có thể xảy ra. TP.HCM đã có Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn nhưng chưa được trang bị tốt về mọi mặt. Để kịp thời ứng phó với thảm họa thiên tai, TP.HCM cần xây dựng kịch bản thảm họa, thiên tai chi tiết cho để ứng phó với các khả năng có thể xảy ra; cần được hỗ trợ về cả tài chính và kỹ thuật để có thể trang bị một hệ thống phòng chống thảm họa, thiên tai hiệu quả trong bối cảnh biến đổi khí hậu; dựa vào các kịch bản chi tiết, cần đầu tư trang thiết bị hỗ trợ phòng chống thảm họa, thiên tai phù hợp với điều kiện của thành phố.

Tường Tú (monre.gov.vn)

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: