Việt Nam tham dự Khóa họp lần thứ 40 của Tiểu ban Khí tượng và Vật lý địa cầu ASEAN

Đăng ngày: 04-05-2018 | Lượt xem: 1116
Từ ngày 2 đến ngày 4 tháng 5 năm 2018, tại Singapore đã diễn ra Khóa họp thường niên lần thứ 40 của Tiểu ban Khí tượng và Vật lý địa cầu ASEAN (ASCMG). Được sự ủy quyền của Bộ Tài nguyên...

ASCMG là một trong 09 Tiểu ban chuyên ngành của Ủy ban Khoa học và Công nghệ ASEAN (ASEAN COST). Tiểu ban sẽ tổ chức khóa họp tại các nước thành viên trong khối ASEAN để đánh giá các hoạt động, chương trình, dự án thực hiện trong năm và đề xuất/thảo luận các dự án cho giai đoạn tiếp theo.

Mục đích của ASCMG là nâng cao năng lực cho các cơ quan khí tượng và vật lý địa cầu; cải thiện công tác dự báo và hệ thống cảnh báo sớm nhằm giảm nhẹ rủi ro do thiên tai có nguồn gốc từ khí tượng và địa vật lý; thiết lập các trung tâm phù hợp hỗ trợ yêu cầu của các nước thành viên trong lĩnh vực khí tượng, khí hậu, địa chấn, núi lửa, khói mù xuyên biên giới và các vấn đề liên quan khác về môi trường góp phần bảo vệ cuộc sống và tài sản của người dân trong khu vực.

Uỷ ban Khoa học và Công nghệ ASEAN (ASEAN COST) được thành lập với mục đích thúc đẩy các hoạt động hợp tác về khoa học và công nghệ (KH&CN) giữa các nước thành viên trong khối ASEAN. Việt Nam tham gia ASEAN COST từ năm 1995, ngay từ khi Việt Nam tham gia vào ASEAN.

Đoàn cán bộ Việt Nam do ông Trần Hồng Thái (ngồi giữa), Phó Tổng Cục trưởng phụ trách Tổng cục Khí tượng Thủy văn làm trưởng Đoàn tham dự Khóa họp

Khóa họp thường niên lần thứ 40 của ASCMG được tổ chức nhằm tổng kết những hoạt động của ASCMG năm 2017 và trao đổi về các hoạt động trong năm 2018.

Được sự chỉ đạo sát sao của Bộ Tài nguyên và Môi trường, thể hiện cam kết và nghĩa vụ của nước thành viên, Việt Nam đã tích cực tham gia các hoạt động của ASCMG. Tại Khóa họp, Việt Nam đã được các nước thành viên cũng như các tổ chức quốc tế đánh giá cao.

Các điểm chính trong khóa họp lần thứ 40 này nhằm khuyến khích các hoạt động hợp tác giữa ASEAN và các đối tác đối thoại khác như WMO, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Việc xem xét và xác định quy trình, các tiêu chí đánh giá các đề xuất hoạt động sử dụng các quỹ ASTIF và ASEAN-DP cũng được các quốc gia thành viên quan tâm và bàn luận. Quy trình chi tiết và các vấn đề liên quan sẽ được bàn đến tại khóa họp COST, dự kiến tổ chức tại Chieng Mai, Thái Lan trong tháng 5 năm 2018.

Năm 2017, Tổng cục KTTV đã phối hợp với ASCMG tổ chức thành công Diễn đàn Nhận định khí hậu mùa khu vực Đông Nam Á lần thứ 9. Với sự tham gia của 65 đại biểu đến từ các nước thành viên, các nước đối tác như Hoa Kỳ, Australia, Vương Quốc Anh, Trung tâm Khí hậu APEC, Diễn đàn đã đưa ra được những nhận định cho khí hậu khu vực về nhiệt độ, lượng mưa,...

Năm 2018, Tổng cục đã cử cán bộ đăng ký dự tuyển Chương trình học bổng Khoa học, Công nghệ ASEAN dành cho các quốc gia thành viên ASEAN năm 2018.

Tại Khóa họp Đoàn Việt Nam đã cùng các nước thành viên, các nước đối tác, tổ chức quốc tế tích cực tham gia thảo luận. Đoàn Việt Nam cũng đã có một số báo cáo về hệ thống cảnh báo động đất và sóng thần, hiện trạng về mạng lưới rada thời tiết.

Đồng thời, đoàn Việt Nam đã trình bày về kết quả đã đạt được trong hoạt động mà Việt Nam được giao chủ trì thực hiện “Dự án trình diễn Dự báo thời tiết nguy hiểm”. Cụ thể, từ ngày 19 đến ngày 30 tháng 3 năm 2018, trong khuôn khổ thực hiện Dự án trình diễn dự báo thời tiết nguy hiểm (SWFDP),Tổng cục KTTV đã phối hợp với Tổ chức Khí tượng thế giới tổ chức Hội thảo huấn luyện “Dự báo thời tiết nguy hiểm cho khu vực Đông Nam Á và công tác phục vụ truyền phát bản tin dự báo”. Tham dự Hội thảo có 9 giảng viên quốc tế, 02 giảng viên Việt Nam và 25 học viên đến từ các nước Cam-pu-chia, Lào, Phi-lip-pin, Thái Lan, Việt Nam. Ngoài ra, còn có khách mời tới tham luận của Đài Truyền hình Việt Nam và Báo Quân đội nhân dân.

Cũng trong khuôn khổ “Dự án trình diễn Dự báo thời tiết nguy hiểm”, năm 2019, Tổng cục KTTV sẽ phối hợp với Tổ chức Khí tượng thế giới, Ban Thư ký ASEAN tổ chức Hội thảo đào tạo cho các nước khu vực Đông Nam Á tham gia dự án Trình diễn dự báo thời tiết nguy hiểm (SWFDP) của WMO.

Để nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực, trong thời gian tới, Tổng cục KTTV sẽ hợp tác chặt chẽ hơn nữa với các đơn vị trong nước, quốc tế để đưa ra các đề xuất hợp tác trong khu vực phục vụ công tác phòng tránh thiên tai cho Việt Nam nói riêng và khu vực nói chung.

Một số hình ảnh tại Khóa họp:

 Bùi Dịu &Trọng Thắng

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: