WMO tổ chức họp trực tuyến về hệ thống cảnh báo lũ quét khu vực Đông Nam Á (SeAFFGS)

Đăng ngày: 08-10-2021 | Lượt xem: 2553
Chiều ngày 8/10 tại Hà Nội, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Đặng Thanh Mai cùng các chuyên gia đến từ Tổng cục KTTV đã đại diện Việt Nam tham dự cuộc họp trực tuyến về Hệ thống cảnh báo lũ quét khu vực Đông Nam Á (SeAFFGS) do Ban Dịch vụ thủy văn và Tài nguyên nước (HWR), Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) chủ trì cuộc họp.

Nội dung chính của cuộc họp chia sẻ về các vấn đề: Thảo luận về sự phát triển của Hệ thống SeAFFGS; Phát triển mô-đun FFGS Landslide (sạt lở đất) và các yêu cầu dữ liệu đầu vào; Bảo trì hệ thống SeAFFGS; Ủy hội sông Mê Kông (MRCFFGS) với SeAFFGS; Bước tiếp theo.

Hiện trạng và định hướng phát triển hệ thống SeAFFGS

Hệ thống SeAFFGS đã được thiết lập bước đầu và đã tổ chức 4 khóa đào tạo tập huấn (3 khóa đào tạo trực tuyến về SeAFFGS trong năm 2021) cho đại diện của mốt số nước khu vực Đông Nam Á. Dữ liệu của Việt Nam đã được tích hợp gồm: 10 ra đa, 370 trạm mưa tự động, đường bao hành chính quận, huyện, xã, sản phẩm Nowcasting dự báo mưa, sản phẩm dự báo mưa số trị từ mô hình WRF do Việt Nam cung cấp và sản phẩm dự báo mưa WRF từ hệ thống FFGS của Ủy hội sông Mê Kông (MRCFFGS).

Theo kế hoạch Dự án này sẽ kết thúc trong năm 2021, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) và Trung tâm nghiên cứu thủy văn Hoa Kỳ (HRC) đang làm thủ tục để mua và chuyển 02 server về Trung tâm vùng đặt tại Việt Nam. Dự kiến sẽ có khóa đào tạo online tiếp theo vào tháng 12/2021 về việc sử dụng, vận hành server và hệ thống SeAFFGS này (IT training course vào tháng 1/2022).

WMO và HRC đang phát triển thêm mô đun về sạt lở cho Việt Nam và sẽ phát triển bổ sung thêm cho các nước Lào, Campuchia và Thái Lan. Mô đun sạt lở đất phát triển cho khu vực Việt Nam dự kiến sẽ hoàn thành và tổ chức đào tạo trực tuyến vào tháng 3 năm 2022, tích hợp trên nền SeAFFGS, các quốc gia khác phát triển trong năm 2023. Để phát triển mô đun sạt lở đất, các chuyên gia WMO và HRC đã gửi Công thư mong muốn được chia sẻ lớp bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét (Flash Flood risk map) và Bản đồ phân vùng nguy cơ sạt lở đất (Landslide Map) khu vực Việt Nam. Phía HRC sẽ hỗ trợ các Trung tâm khu vực vận hành kỹ thuật hệ thống SeAFFGS đến năm 2025.

Liên quan tới nguồn dữ liệu bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét và sạt lở đất, Tổng cục KTTV đã nhận được Công thư của WMO về việc trao đổi số liệu bản đồ nguy cơ lũ quét và sạt lở đất, Tổng cục KTTV đang thực hiện các thủ tục pháp lý để cung cấp các số liệu nêu trên. 

Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia đã nhận được dữ liệu bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét và sạt lở đất từ Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi Khí hậu, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản gồm:

Bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét từ cấp 1 đến cấp 5 của Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi Khí hậu tỉ lệ 1:100.000 khu vực 14 tỉnh miền núi phía Bắc (Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh); tỉ lệ 1:50.000 khu vực 14 tỉnh miền Trung (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận), và 05 tỉnh Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Nông, Đắk Lắk và Lâm Đồng);

Bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá từ cấp 1 đến cấp 5 của Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản tỉ lệ 1:50.000 khu vực miền núi thuộc 15 tỉnh: Nghệ An, Thanh Hóa, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Bắc Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh và Hòa Bình.

Các bản đồ này không chứa các thông liên quan tới địa hình nên có thể trao đổi, chia sẻ được với WMO và HRC. Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia đã có công văn trình Tổng cục KTTV về việc chia sẻ nguồn dữ liệu này.

Về các nguồn dữ liệu khác, căn cứ vào khả năng thu thập, mức độ sẵn có của nguồn dữ liệu thực tế và các dữ liệu được phép chia sẻ, Tổng cục KTTV sẽ thu thập và chia sẻ thêm. Ngoài ra, Tổng cục KTTV cũng đề xuất, kiến nghị thêm một số nội dung: Dự án SeAFFGS đã bị chậm 01 năm so với kế hoạch ban đầu, Tổng cục KTTV kiến nghị phía WMO đẩy nhanh tiến độ đảm bảo dự án sẽ kết thúc theo kế hoạch mới (tháng 3/2022) và chuyển giao cho Tổng cục KTTV 02 Server trong năm 2021; Hiện nay, dữ liệu các trạm mưa tự động của Việt Nam đã đưa lên SeAFFGS là 370 trạm. Trong thời gian tới, Tổng cục KTTV đề nghị hệ thống phía WMO và HRC hỗ trợ kỹ thuật để bổ sung toàn bộ các trạm quan trắc mưa tự động của Tổng cục KTTV lên hệ thống SeAFFGS.

Tạp chí KTTV

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: