Giới thiệu về mô hình dự án World Air Quality Index - Bản tin KHCN&HTQT Quý II năm 2020

Đăng ngày: 30-06-2020 | Lượt xem: 5688
Ô nhiễm không khí trở thành đề tài nóng hơn bao giờ hết và là nỗi lo chung của toàn cầu. WHO cho rằng các quốc gia cần phải có cam kết mạnh mẽ hơn trong việc cải thiện chất lượng không khí, tăng cường năng lực hệ thống theo dõi, giám sát chất lượng không khí và chia sẻ thông tin, số liệu với công chúng. Trong những nỗ lực chung, một mô hình theo định hướng chia sẻ thông tin về chất lượng không khí với mục đích phục vụ cộng đồng đến từ dự án phi lợi nhuận World Air Quality Index (Bắc Kinh, Trung Quốc) có thể sử dụng để tham khảo.

Dự án có tên tiếng Anh là World Air Quality Index (Chỉ số Chất lượng không khí Thế giới) là một dự án phi lợi nhuận được bắt đầu từ năm 2007 và vẫn đang được duy trì cho đến nay. Nhóm sáng lập dự án có trụ sở tại Bắc Kinh (Trung Quốc), gồm những thành viên có chuyên môn trong lĩnh vực khoa học môi trường, kỹ thuật hệ thống, khoa học dữ liệu cũng như thiết kế hình ảnh. Nhóm thành viên vẫn đang tiếp tục được mở rộng phạm vi trên toàn thế giới với những người hỗ trợ mới chủ yếu đến từ Singapore, Ấn Độ, Úc, Mỹ.

Dự án được đặt ra với nhiệm vụ thúc đẩy nhận thức về vấn đề ô nhiễm không khí cho người dân và cung cấp những thông tin đồng bộ về chất lượng không khí trên phạm vi toàn thế giới, thông qua 2 website chính thức là https://aqicn.org/  và https://waqi.info/ . Khi truy cập vào 2 website này bất kì thời điểm nào, người dùng đều có thể nhận được những thông tin cập nhật thường xuyên, liên tục về chất lượng không khí cho hơn 100 quốc gia theo thời gian thực. Khối lượng dữ liệu thông tin tương đối lớn trong hiện tại, tương lai, quá khứ đều được hiển thị đầy đủ với cách thức truyền tải dưới dạng hình ảnh trực quan đơn giản, dễ hiểu.

Hình 1a: Thông tin về chỉ số chất lượng không khí của thành phố Hà Nội tại thời điểm truy cập (13h ngày 12/6/2020)

Hình 1b: Thông tin dự báo chỉ số chất lượng không khí của thành phố Hà Nội trong 5 ngày tiếp theo tính từ ngày 12/6/2020

Hình 1c: Dữ liệu chỉ số chất lượng không khí của thành phố Hà Nội trong quá khứ (tính trung bình 24h)

Tất cả các dữ liệu dự án sử dụng và hiển thị có nguồn từ đơn vị đại điện (EPA) đặt ở mỗi quốc gia. Dữ liệu quan trắc thu được từ thiết bị quan trắc chuyên dụng. Để duy trì tính chất nhất quán, đồng bộ, chỉ các điểm quan trắc không khí có đo yếu tố PM2,5/PM10 mới có thể cung cấp số liệu. Tiêu chuẩn về chỉ số chất lượng không khí (AQI) cho từng trạm đơn lẻ được dựa trên tiêu chuẩn Instant – Cast của Cơ quan bảo vệ Môi trường Mỹ. Đặc biệt, cơ sở dữ liệu chất lượng không khí trung bình hàng ngày thể hiện qua AQI từ bất kì trạm quan trắc nào trong hệ thống đều có thể tải miễn phí.

Các mô hình khí quyển được sử dụng để dự báo chất lượng không khí có thể kể đến như: SPRINTARS (cho chu vực châu Á, Đông Á), CAMS (cho châu Á, châu Âu), EMEP (cho thế giới, châu Âu), SILAM, NGAC, GFS, NCEP EMP AQM… Tính đến tháng 3 năm 2020, thông tin chất lượng không khí thời gian thực từ hơn 12.000 trạm quan trắc tại 1000 thành phố lớn trên toàn thế giới đang được sử dụng để công bố.

Hình 2: Một số mô hình dự báo chất lượng không khí được sử dụng

Mặc dù có định hướng là phục vụ cộng đồng và chi phí thực hiện tốn kém, tuy vậy, dự án này chưa bao giờ nhận được tài trợ từ bất kì tổ chức chính phủ hoặc phi chính phủ nào. Nguồn thu hạn chế của dự án, chủ yếu đến từ quảng cáo trực tuyến, được sử dụng để trang trải cho cơ sở hạ tầng và chi phí phần cứng. Công kỹ thuật thực hiện dự án hoàn toàn dựa trên tinh thần cống hiến của những thành viên tham gia. Hiện tại, dự án này vẫn đang kêu gọi sự đóng góp công sức từ cộng đồng ở các phương diện: hoàn thiện mô hình dự báo, phổ biến kiến thức về ô nhiễm không khí, chuyển ngữ sang các ngôn ngữ khác nhau, cung cấp dữ liệu lịch sử, phát triển các ứng dụng và công cụ hình ảnh trực quan….

Dịch: Nguyễn Hồng Hạnh - Đài KTTV khu vực đồng bằng Bắc Bộ

Tổng hợp: Vụ KHQT

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: