Ứng dụng sản phẩm của Ra đa JMA-272 dự báo, cảnh báo các hiện tượng thời tiết nguy hiểm - Bản tin KHCN&HTQT Quý II năm 2019

Đăng ngày: 26-06-2019 | Lượt xem: 2622
Ra đa thời tiết Vinh JMA-272 thuộc dự án ODA của Nhật Bản nhằm tăng cường năng lực đối phó thiên tai do biến đổi khí hậu gây ra, có khả năng cảnh báo kịp thời các hiện tượng KTTV nguy hiểm như: dông, mưa đá, tố, lốc xoáy, mưa đá, bão, ATNĐ… dựa trên các sản phẩm và chỉ tiêu nhận biết qua độ PHVT.

Ra đa JMA-272 là thiết bị hiện đại có khả năng quan trắc trên phạm vi đường kính 450km do sử dụng băng sóng S; Có khả năng phân tích, đánh giá tốc độ gió, cường độ mưa trong không gian 3 chiều; Có khả năng kiểm soát số liệu, chính xác. Ra đa JMA-272 duy trì ở một chế độ quét khối là tổng hợp của hai trình quét như sau:

- Thực hiện trình quét cường độ PHVT ở 3 góc nâng đầu α1=0.0o; α2=1.0o; α3=1.5o với bán kính quét R=400km, độ rộng xung: µ=2µs; sử dụng PRF=300Hz; tốc độ quét 9o/s.

- Thực hiện trình quét Doppler ở 10 góc nâng tiếp theo: α4=0.0o; α5=0.5o; α6=1.0o; α7=1.5o; α8=2.0o; α9=3.0o; α10=4.0o; α11=6.0o; α12=9.0o; α13=12.0o. Bán Kính quét R=200km; độ rộng xung µ=1µs; sử dụng hai tần số lặp xung PRF1=67Hz; tốc độ quét 9o/s.

- Tạo sản phầm: PPI intensity (Z,R); PPI Doppler (Z, R, V, W); RHI intensity (Z, R); RHI doppler (Z, R, V, W); RTI intensity (Z, R); RTI doppler (Z, R, V, W);  CAPPI Z (1-15km); CAPPI R (1-15km); Maximum (Z, R); Echo Top (Z, R); Echo Bottom (Z, R); VIL; SurfaceR; Accumulated R (1-24h), Distribution; Warning area; VAD; Wind Shear (4-200km); Thickness (Z, R); CAPPI 3D (Z, R); PPI intensity (Z, R) (samle El); PPI Doppler (Z, R, V, W) (samle El).

Chu kỳ truyền tự động, liên tục, truyền các sản phẩm quét khối và các sản phẩm tạo được trong kỳ quan trắc.

Một ví dụ điển hình diễn biến cơn bão số 2 trong năm 2017 (tên quốc tế là Talas) trên số liệu ra đa JMA được thể hện như sau: Vào lúc 22h55, tâm bão có tọa độ khoảng 18,50N 106,60E ngay gần bờ biển từ Nghệ An đến Hà Tĩnh, đang có xu hướng di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc; vùng PHVT mạnh (Zmax>40dbZ) phát triển trên các huyện Quỳnh Lưu, Yên Thành, Đô Lương, Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên, Hương Sơn, Hương Khê, Đức Thọ…Nhận định, vùng PHVT này có khả năng gây mưa dông mạnh cho các khu vực nói trên. Đến khoảng 23h54, Tâm bão đổ bộ vào đất liền giáp ranh giữa 2 tỉnh Nghệ An Hà Tĩnh, gây mưa lớn cho gần như toàn bộ khu vực Nghệ An, Hà Tĩnh và Nam Thanh Hóa. Đặc biệt là ở Quỳnh Lưu, Nghĩa Đàn, Con Cuông, Anh Sơn (Zmax>40dbZ).

Diễn biến cơn bão số 2 năm 2017 (Nguồn: Sản phẩm PPI Z, Ra đa JMA-272 Vinh)

Một ví dụ khác về Trận mưa đá, lốc xoáy xảy ra vào khoảng 15h30 ngày 5/4/2018 tại các xã giáp ranh của hai huyện Kỳ Sơn và Tương Dương (Nghệ An). Trên số liệu ra đa lúc 14h57, khu vực phía tây Nghệ An giáp với biên giới Việt-Lào phát hiện vùng PHVT có cường độ mạnh đang có xu hướng phát triển di chuyển theo hướng đông nam (Zmax>50dBz). Đến 15h17 vùng PHVT này tiếp tục phát triển và di chuyển vào huyện Kỳ Sơn với vận tốc khoảng 20km/h (Zmax=58dbZ), tại thời điểm này, vùng phản hồi có dạng hình móc câu gắn vào một dám PHVT lớn, mặt khác trên ảnh cắt thẳng dứng độ PHVT cực đại ở độ cao khoảng 6-7km và Zmax>48dBz, đỉnh phản hồi vô tuyến có nhiều nhánh, phát triển đến độ cao trên 9km và đang có xu hướng mạnh thêm. Nhận định các vùng PHVT này có khả năng gây mưa dông, tố lốc, mưa đá cho khu vực nêu trên và các khu vực trên hướng di chuyển. Đến 15h27, vùng PHVT di chuyển đến khu vực từ xã Chiêu Lưu (huyện Kỳ Sơn) gây dông lốc và mưa đá tại đây. Sau đó tiếp tục di chuyển qua địa bàn Cửa Rào, Xá Lượng đến thị trấn Hòa Bình (huyện Tương Dương) gây ra gây dông lốc và mưa đá cho khu vực này. 

Diễn biến trận mưa đá, lốc xoáy ngày 5/4/2018 (Nguồn: Sản phẩm PPI Z, Ra đa JMA-272 Vinh)

Từ các kết quả trên, trong các tháng đầu năm 2019, Đài KTTV khu vực BTB đã ứng dụng sản phẩm của Ra đa JMA-272 dự báo cảnh báo tốt các hiện tượng thời tiết nguy hiểm: tố, lốc xoáy và mưa đá; cụ thể vào khoảng 5h00 sáng ngày 04/3/2019 đã xảy ra mưa đá và gió giật mạnh tại xã Giang Sơn Đông huyện Đô Lương và xã Tây Thành, Huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An; Khoảng 14h40 ngày 06/4 trên địa bàn xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An đã có mưa dông mạnh, đến 15h20 chiều cũng ngày đã xảy ra mưa đá kéo dài khoảng 30 phút kèm gió mạnh, gây thiệt hại một số công trình nhà ở, vườn rau của người dân và đơn vị bộ đội đóng trên địa bàn. Khoảng 17h00 ngày 11/4 trên địa bàn xã Châu Thuận, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An đã có mưa dông mạnh, trong cơn dông đã xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh gây thiệt hại một số công trình nhà ở, vườn rau của người dân trên địa bàn 3 bản: Bản Bông 2, bản thắm 1 và bản Men.

Diễn biến trận mưa đá, lốc xoáy ngày 06/4/2019 và đợt 11/4/2019 (Nguồn: Sản phẩm PPI Z, Ra đa JMA-272 Vinh)

Như vậy, Ra đa JMA-272 có khả năng cảnh báo kịp thời các hiện tượng KTTV nguy hiểm như bão, dông, mưa đá…dựa trên các sản phẩm và chỉ tiêu nhận biết qua độ PHVT. Phát hiện khá chính xác sự di chuyển của tâm bão, vùng PHVT gây mưa, độ cao chân mây, đỉnh mây, quan trắc được trên phạm vi rộng. Bên cạnh đó, còn cung cấp đa dạng các sản phẩm, giúp phân tích, đánh giá và có cái nhìn đa chiều hơn về hiện tượng thời tiết nguy hiểm đang diễn ra.

Hoàng Thị Thu Hương – Dự báo viên - Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ

Vụ KHQT (Tổng hợp)

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: