Thực hiện Quyết định 524/QĐ-TTg, ngày 1/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về phê duyệt đề án “Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025”. Đồng thời, triển khai Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đến năm 2050, Bộ TN&MT giao Trung tâm Truyền thông TN&MT phối hợp Tập đoàn Panasonic Việt Nam tổ chức Chương trình trồng rừng và phục hồi rừng, trong đó có địa bàn tỉnh An Giang. Qua trao đổi, đoàn công tác quyết định chọn khảo sát trồng rừng đặc dụng tại rừng tràm Tân Tuyến dự kiến là 5ha, cây trồng là tràm nội, thời gian trồng dự kiến là 5ha.
Khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Tân Tuyến được thành lập theo Quyết định 418/QĐ-UBND, ngày 2/3/2020 của UBND tỉnh An Giang, với tổng diện tích 256,39ha. Trong đó, diện tích tràm trồng là 7,88ha, tràm tái sinh là 74,14ha, trảng cỏ ngập nước theo mùa là 169,73ha và bờ kênh là 4,64ha. Khu rừng trước đây được giao cho Lâm trường Bưu điện quản lý từ năm 1998. Từ năm 2020 đến nay, Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng được giao quản lý khu bảo vệ cảnh quan này.
Môi trường sinh thái của đầm rừng tràm này chịu tác động mạnh mẽ của lũ từ sông Mekong và từ phía Campuchia, thuộc vùng ngập lũ sâu (khoảng 2,5 - 3,0m) của vùng phèn Tứ giác Long Xuyên. Hàng năm, khi mùa mưa đến, nước sông Mekong theo các kênh rạch mang nước lũ, có nguồn phù sa giàu dinh dưỡng và tài nguyên sinh vật tràn vào nội đồng.
Khi nước lũ rút đi, các loài sinh vật sinh sống trong những vùng đồng trũng sình lầy đọng nước, tạo nên những thủy vực có nguồn tài nguyên thủy sản giàu có và phong phú. Hệ sinh thái đất ngập nước ở đây có tính đa dạng sinh học cao, với 154 loài thực vật, trong đó có 1 loài được xếp vào danh lục các loài thực vật cần được bảo tồn ở thứ hạng “sẽ nguy cấp” của sách đỏ Việt Nam; 63 loài chim, trong đó có 1 loài rất nguy cấp trên quy mô toàn cầu (BirdLife International 2018); 82 loài cá, trong đó có 2 loài cá xuất hiện thuộc danh mục các loài quý hiếm trong sách đỏ Việt Nam (2007) và sách đỏ IUCN (2014).
Hệ sinh thái rừng tràm đất ngập nước khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Tân Tuyến
Về thổ nhưỡng của khu vực này thuộc loại đất phèn trung bình, hàng năm đều được phù sa bồi đắp, độ pH từ 4,5 - 5,5. Thành phần cơ giới là đất thịt pha sét có hàm lượng mùn trung bình. Dạng địa hình trũng, có thời gian ngập nước thường từ 6-8 tháng trong năm, cây tràm thích hợp với dạng địa hình này. Sinh cảnh rừng tràm trồng là nơi cư trú rất tốt cho nhiều loài chim, như: Cú mèo khoang cổ, cú muỗi đuôi dài… hay làm chỗ ngủ cho vạc.
Sinh cảnh rừng tràm Tân Tuyến
Việc tăng cường trồng rừng tràm góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, giá trị lịch sử văn hóa nhân văn của vùng đất ngập nước, hấp thụ các-bon trong khí quyển, giảm tác động của biến đổi khí hậu và góp phần thực hiện cam kết của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại COP-26 (Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 năm 2021).
Rừng tràm Tân Tuyến
Tại Hội nghị COP-26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã cùng 124 nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu Chính phủ tham dự và phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu COP-26. Tại hội nghị, Việt Nam đã tham gia cam kết đưa phát thải ròng bằng "0" vào giữa thế kỷ XXI.
Để thực hiện cam kết tại COP-26, Chính phủ ban hành Quyết định 888/QĐ-TTg, ngày 25/7/2022, phê duyệt đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu". Đề án đã đưa ra 10 mục tiêu cụ thể, trong đó mục tiêu thứ 8 là thực hiện sáng kiến của Liên Hiệp Quốc về "Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái", triển khai Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh “Vì một Việt Nam xanh”.
P.V