Hạn hán đe dọa kinh tế châu Âu và Trung Quốc

Đăng ngày: 09-06-2023 | Lượt xem: 2387
Tình trạng hạn hán kéo dài đang đe dọa nghiêm trọng tới an ninh lương thực và hoạt động sản xuất tại hai nền kinh tế lớn là châu Âu và Trung Quốc.

Châu Âu trong tình trạng cảnh báo về hạn hán

Theo CNBC, nguồn nước tại châu Âu đang ngày càng trở nên khan hiếm do tình trạng khẩn cấp về khí hậu ngày càng trầm trọng. Nhiệt độ đã liên tục phá kỷ lục trong suốt cả mùa xuân, trong khi đợt nắng nóng lịch sử hồi mùa đông đã gây thiệt hại lớn cho các con sông, sườn núi trượt tuyết của khu vực.

Các hồ chứa tại những quốc gia Địa Trung Hải như Ý đã giảm xuống mức thấp trong những tuần gần đây, đe dọa nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp. Các cuộc biểu tình phản đối tình trạng thiếu nước đã nổ ra ở cả Pháp và Tây Ban Nha.

Dữ liệu vệ tinh được phân tích bởi các nhà nghiên cứu tại Đại học Graz của Áo vào đầu năm cho thấy hạn hán đang tác động đến châu Âu trên quy mô lớn hơn nhiều so với dự đoán trước đây.

Các dữ liệu mới nhất từ Cơ quan Quan sát hạn hán châu Âu hôm đầu tuần này cũng cho thấy, có tới hơn 25,9% diện tích Liên minh châu Âu (EU) đang ở trong tình trạng cảnh báo về hạn hán, và 8% ở trong tình trạng báo động về hạn hán.

Các nước vùng Baltic và Scandinavi đang trải qua tình trạng đất khô hạn hơn bình thường, nhưng các quốc gia Nam Âu như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ý và Pháp mới là những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì thiếu mưa.

Ở Bồ Đào Nha, tình hình hạn hán đã tác động tiêu cực đến các hoạt động nông nghiệp trên hơn 40% lãnh thổ đất liền. Trong khi đó, tại Ý, hạn hán xen kẽ lũ lụt nghiêm trọng đã gây thiệt hại cho chăn nuôi gia súc, vườn nho, cây ngũ cốc, sản xuất rau quả.

Thiệt hại kinh tế và nỗi lo lạm phát gia tăng

Các chuyên gia dự báo, tình trạng hạn hán kéo dài sẽ gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế khu vực. Mức độ ảnh hưởng sẽ lan rộng trong nhiều lĩnh vực, từ vận tải, năng lượng cho tới nông nghiệp. Mực nước sông xuống thấp có thể khiến việc vận chuyển hàng hóa bị tắc nghẽn, đồng thời ảnh hưởng đến việc sản xuất điện từ các nhà máy thủy điện và hạt nhân, làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt năng lượng do cuộc xung đột Nga – Ukraine gây ra.

Đặc biệt, tình trạng mất mùa do hạn hán có thể khiến giá lương thực tăng cao hơn nữa. Theo dữ liệu do Viện Thống kê Quốc gia Tây Ban Nha công bố, giá rau và đậu tại nước này đã tăng 18% trong quí đầu tiên của năm 2023 và giá lương thực chung tăng 15,7% trong cả năm 2022, đạt mức cao kỷ lục kể từ tháng 1-1994.

Báo cáo của Tổ chức điều phối nông dân và người chăn nuôi Tây Ban Nha cho thấy, hạn hán đã làm hư hại 60% diện tích đất nông nghiệp ở nước này, gây thiệt hại không thể khắc phục đối với hơn 3,5 triệu héc ta ngũ cốc. Tổng thư ký của tổ chức Miguel Padilla chỉ ra rằng hạn hán đã làm sụt giảm sản lượng, và là một trong những nguyên nhân chính khiến giá nông sản tăng.

Chính phủ các nước châu Âu hiện đang cố gắng tìm kiếm giải pháp để hạn chế ảnh hưởng từ hạn hán. Theo Euronews, một số quốc gia đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất đã yêu cầu huy động từ quỹ dự trữ nông nghiệp của khối một khoảng tiền trị giá 450 triệu euro để hỗ trợ nông dân trong những thời điểm đặc biệt.

Mối đe dọa với an ninh lương thực tại Trung Quốc

Một nền kinh tế lớn khác cũng đang đối mặt với thách thức lớn từ hạn hán là Trung Quốc. Hồi mùa hè năm ngoái, quốc gia này từng trải qua đợt nắng nóng và hạn hán tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ, gây ra tình trạng thiếu điện trên diện rộng và làm gián đoạn chuỗi cung ứng công nghiệp – nông nghiệp. Năm nay, tình trạng nắng nóng khắc nghiệt đã tàn phá nhiều vùng của nước này, thậm chí còn đến sớm hơn.

Kể từ tháng 3, nhiệt độ ở hàng chục thành phố của Trung Quốc đã đạt mức cao kỷ lục theo mùa. Các đợt nắng nóng đã leo thang trong những ngày gần đây, với một số thành phố ở tỉnh Vân Nam và Tứ Xuyên phải hứng chịu nhiệt độ kỷ lục trên 40 độ C. Các quan chức lo ngại rằng hạn hán có thể tấn công lưu vực sông Dương Tử, vùng trồng lúa chính của Trung Quốc, trong những tháng tới.

Sheng Xia, trưởng bộ phận phân tích nông nghiệp tại Công ty chứng khoán Citic Securities nhận định, “thời tiết khắc nghiệt như hạn hán và lũ lụt có thể làm gián đoạn hoạt động sản xuất nông nghiệp và mang lại nhiều bất ổn hơn cho nguồn cung lương thực và dầu mỏ”.

Ông cũng cảnh báo về các mối đe dọa ngày càng tăng đối với an ninh lương thực trong năm nay do El Nino – một hiện tượng tự nhiên ở vùng nhiệt đới Thái Bình Dương mang lại nhiệt độ ấm hơn mức trung bình.

Trong những ngày gần đây, các báo cáo về vật nuôi tại trang trại bị chết vì nhiệt độ quá nóng đã xuất hiện ngày càng nhiều. Tại một trang trại ở phía Đông tỉnh Giang Tô, hàng trăm con lợn đã chết sau khi khu chuồng chăn nuôi bị mất điện đột ngột vào ban đêm.

Nắng nóng cũng được cho là nguyên nhân làm chết một số lượng lớn cá chép nuôi tại các cánh đồng ở khu vực phía Tây Nam tỉnh Quảng Tây.

Các thông tin đáng lo ngại từ ngành trồng trọt và chăn nuôi đang đặt ra những thách thức lớn cho giới chức Trung Quốc. Sau đợt nắng nóng và hạn hán nghiêm trọng hồi năm ngoái, Bắc Kinh đã tăng cường tập trung vào an ninh lương thực, cố gắng đảm bảo có đủ lương thực cho 1,4 tỉ người dân, đặc biệt là trong bối cảnh bất ổn toàn cầu ảnh hưởng đến nhập khẩu.

Hạn hán làm gia tăng nguy cơ thiếu điện cho sản xuất

Một vấn đề khác cũng đáng lo ngại không kém là nguy cơ thiếu điện cho sản xuất. Theo dữ liệu khí tượng địa phương, lượng mưa ở tỉnh Vân Nam trong bốn tháng đầu năm 2023 đã giảm hơn 60% so với cùng kỳ năm ngoái và xu hướng này có khả năng sẽ tiếp diễn ngay cả khi khu vực này bước vào mùa mưa.

Vân Nam, nằm ở thượng nguồn sông Dương Tử, có 7 trong số 10 nhà máy thủy điện hàng đầu của Trung Quốc và 80% nguồn cung địa phương là từ thủy điện. Do vậy, tình trạng hạn hán dai dẳng kéo dài nhiều tháng tại địa phương sản xuất thủy điện lớn ở phía Tây Nam Trung Quốc đang làm gia tăng mối lo ngại về sự phục hồi của nền kinh tế.

Chính quyền tỉnh Vân Nam hiện đã hạn chế mức tiêu thụ điện của hơn 300 doanh nghiệp địa phương sử dụng nhiều năng lượng – chủ yếu là sản xuất nhôm. Tuy nhiên, các tác động tiêu cực có thể sớm lan sang các khu vực khác của Trung Quốc nếu hạn hán tiếp tục kéo dài.

Một trong những khu vực chịu ảnh hưởng lớn nhất sẽ là tỉnh Quảng Đông, nơi vừa bước vào mùa cao điểm tiêu thụ năng lượng từ tháng 6 đến tháng 8 do nhiệt độ cao tăng cao.

Một khu vực gây lo ngại khác là tỉnh Tứ Xuyên, Tây Nam Trung Quốc. Hồi mùa hè năm ngoái, hạn hán ở tỉnh này đã gây ra tình trạng thiếu điện nghiêm trọng, hạn chế việc sử dụng điện của người dân địa phương và làm gián đoạn nguồn cung cấp năng lượng cho các tỉnh kinh tế ven biển trọng điểm như Thượng Hải, Giang Tô và Chiết Giang. Khi đó, tình trạng thiếu điện đã khiến các doanh nghiệp lớn như Toyota và Foxconn phải tạm dừng sản xuất. Các nhà máy của Tesla và nhà sản xuất ô tô nội địa SAIC Motor có trụ sở tại Thượng Hải, cũng rơi vào tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng.

Citigroup cảnh báo, thủy điện Trung Quốc vẫn sẽ bị thách thức một lần nữa khi kiểu thời tiết El Nino có xác suất 90% gây ra một đợt nắng nóng khác trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 7. Các chuyên gia của ngân hàng này hiện đã hạ cấp đánh giá của Công ty điện Trường Giang Trung Quốc với dự báo tình trạng mưa ít sẽ kéo dài.

Nguồn: CNBC, Euronews, SCMP, Reuters, CNN Business, Bloomberg

Song Thanh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/han-han-de-doa-kinh-te-chau-au-va-trung-quoc/

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: