Tổ chức Khí tượng thế giới những năm đầu tiên

Đăng ngày: 17-03-2023 | Lượt xem: 2451

Lịch sử của cộng đồng WMO rất hấp dẫn và lôi cuốn. Dự báo thời tiết bắt nguồn từ việc chuẩn hóa dữ liệu hải văn và quan trắc khí tượng trên biển. Trung úy Hải quân Hoa Kỳ Matthew Fontaine Maury là một trong những người thúc đẩy việc này, Đô đốc FitzRoy, là người đầu tiên phát hành tin cảnh báo bão cho các thủy thủ ngoài khơi Vương quốc Anh vào năm 1860 và một năm sau đó là bản tin dự báo thời tiết đầy đủ.

Điện báo do Samuel Morse phát triển vào những năm 1830, lần đầu tiên được sử dụng để truyền các bản tin thời tiết vào năm 1849. Tuy nhiên, mã Morse không đáp ứng được nhu cầu đối với một hệ thống quan trắc khí tượng đồng bộ trên một khu vực rộng lớn cùng với khối lượng dữ liệu lớn. Đây là một trong những lý do ẩn sau việc tổ chức họp Đại hội đồng Khí tượng quốc tế lần đầu tiên tại Thủ đô Vienna, Áo vào năm 1873.

Giáo sư Buys Ballot, Giám đốc Viện Khí tượng Hoàng gia Hà Lan (KNMI), Chủ tịch đầu tiên của Tổ chức Khí tượng Quốc tế giai đoạn 1873 - 1879 cho biết: “Điều cốt lõi là phải có một mạng lưới quan trắc khí tượng chung trên toàn thế giới, các dữ liệu quan trắc được trao đổi tự do giữa các quốc gia và thỏa thuận quốc tế về các phương pháp, các đơn vị đo được tiêu chuẩn hóa để có thể đối chiếu các dữ liệu quan trắc này”.

Nguyên tắc trao đổi dữ liệu quan trắc tự do là một trong những định hướng phát triển của WMO kể từ đó và vẫn còn giá trị cho đến tận ngày nay.

Trong những năm đầu của Tổ chức Khí tượng Quốc tế đã chứng kiến những cải tiến về thiết bị khí tượng, tuy chậm nhưng ổn định và nỗ lực để phát triển một mạng lưới các trạm khí tượng trên toàn thế giới. Năm Địa cực Quốc tế đầu tiên 1882-1883 đã thiết lập các trạm quan trắc xung quanh Bắc Cực và Năm Địa cực Quốc tế thứ hai 1932-1933 đã trình diễn các dữ liệu quan trắc ở các vùng Cực có thể cải thiện độ chính xác của các bản tin dự báo ở khắp nơi thế giới.

Thế kỷ 20 chứng kiến những tiến bộ đáng kể về khí tượng học và cả những nhu cầu mới về hợp tác quốc tế - và điều này đã được thể hiện nhiều lần trong cả Thế chiến thứ nhất và thứ hai.

Cấu trúc của Tổ chức khí tượng quốc tế không còn phù hợp nữa. Cuộc họp của Ủy ban Khí tượng Quốc tế năm 1946 đã thông qua dự thảo Công ước Khí tượng Thế giới, được ký vào ngày 11 tháng 10 năm 1947 và có hiệu lực vào ngày 23 tháng 3 năm 1950. Tổ chức khí tượng quốc tế (IMO) chính thức trở thành Tổ chức Khí tượng Thế giới vào ngày 17 tháng 3 năm 1951.

Tạp chí KTTV

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: