WMO cảnh báo nhiệt độ toàn cầu sẽ phá vỡ mức cao kỷ lục trong vòng 5 năm tới

Đăng ngày: 14-09-2022 | Lượt xem: 3510
Báo cáo thường niên của Tổ chức Khí tượng Thế giới dự báo nhiệt độ trung bình toàn cầu sẽ phá vỡ mức cao kỷ lục được thiết lập vào năm 2016 trong vòng 5 năm tới.

Báo cáo thường niên của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) xuất bản ngày 13-9 dự báo gần như chắc chắn rằng nhiệt độ trung bình toàn cầu sẽ phá vỡ mức cao kỷ lục được thiết lập hồi năm 2016 trong vòng 5 năm tới, theo tờ South China Morning Post.

Báo cáo cho biết khả năng nhiệt độ trung bình trái đất trong vòng năm năm tới vượt mức kỷ lục 14,83 độ C của năm 2016 là 93%.

Từ nay đến năm 2026, khả năng nóng lên toàn cầu sẽ đạt đến ngưỡng 1,5 độ so với thời kỳ tiền công nghiệp là 48%.

WMO cảnh báo: “Nếu không có hành động đầy tham vọng, biến đổi khí hậu sẽ gây ra các tác động tự nhiên và kinh tế xã hội rất tàn khốc”.

WMO cảnh báo nhiệt độ toàn cầu sẽ phá vỡ mức cao kỷ lục trong vòng 5 năm tới. Ảnh: AP

WMO cảnh báo nhiệt độ toàn cầu sẽ phá vỡ mức cao kỷ lục trong vòng 5 năm tới. Ảnh: AP

Báo cáo cũng cho biết nếu nhân loại vượt qua các “điểm tới hạn” về biến đổi khí hậu, hệ thống khí hậu sẽ thay đổi vĩnh viễn và gây nên những hậu quả khủng khiếp trên toàn cầu.

Theo WMO, số lượng thiên tai đã tăng gấp 5 lần trong những thập niên qua, gây thiệt hại trung bình 202 triệu USD mỗi ngày.

Cảnh báo được đưa ra vào thời điểm các đợt nắng nóng cực đoan kéo dài gây ra cháy rừng và làm gián đoạn hoạt động sản xuất trên khắp Trung Quốc và châu Âu vào hè này. Trong khi đó, lượng mưa khổng lồ cũng đã gây ra lũ lụt trên diện rộng ở Úc, Hàn Quốc và Pakistan.

Theo ước tính của WMO, nhiệt độ trung bình bề mặt trái đất từ năm 2018 đến giữa năm 2022 cao hơn khoảng 1,17 độ C so với mức trung bình năm 1850-1900.

Giai đoạn 2018-2022 ghi nhận lượng nhiệt tích trữ trong đại dương đạt mức cao nhất so với bất kỳ giai đoạn 5 năm nào khác.

Theo Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc, mặc dù khoảng 90% quốc gia trên thế giới đã đặt mục tiêu phát thải carbon ròng bằng 0, nhưng dựa trên những chính sách mà các quốc gia này đang thực hiện thì sự nóng lên toàn cầu có thể sẽ đạt 2,8 độ C vào năm 2100.

Mục tiêu của Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu là giữ mức tăng nhiệt toàn cầu không quá 2 độ C và lý tưởng là 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp đến cuối thế kỷ này.

Tuy nhiên, nếu muốn giữ sự tăng nhiệt toàn cầu ở mức 2 độ C, thì các cam kết giảm phát thải của các quốc gia cần được nâng lên gấp 4 lần. Và nếu muốn giữ sự tăng nhiệt toàn cầu ở mức 1,5 độ C, phải tăng cường cam kết giảm thải lên 7 lần.

Theo Dự án Carbon toàn cầu, lượng khí thải carbon dioxide toàn cầu từ hoạt động của con người ước tính đã tăng 3,4% vào 2021, sau khi giảm 5,4% vào năm 2020 do giãn cách xã hội trong đại dịch COVID-19.

Dữ liệu sơ bộ 5 tháng đầu tiên của năm 2022 cho thấy lượng khí thải carbon đã tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2019 trước đại dịch.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc - ông Antonio Guterres kêu gọi các nhà lãnh đạo trên thế giới đẩy mạnh các cam kết về khí hậu, kêu gọi các quốc gia phát triển hỗ trợ tài chính cho nước đang phát triển ứng phó với các hiện tượng khí hậu cực đoan đang xảy ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn.

Ông nói trong một tuyên bố rằng: “Hành động vì khí hậu đang bị đình trệ trên các mặt trận quan trọng, người dân ở các quốc gia nghèo nhất đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất”.

“Báo cáo là một lời nhắc nhở đáng xấu hổ rằng việc khôi phục hệ thống khí hậu chỉ bằng một nửa của những vấn đề khí hậu bị bỏ quên”- ông Guterres cho biết.

THẢO VY

Nguồn PLO: https://plo.vn/wmo-canh-bao-nhiet-do-toan-cau-se-pha-vo-muc-cao-ky-luc-trong-vong-5-nam-toi-post698522.html

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: