WMO tham gia các cuộc họp bàn về Mục tiêu Phát triển Bền vững

Đăng ngày: 02-08-2023 | Lượt xem: 1365
Các chuyên gia của WMO đã rất tích cực tham gia các cuộc họp tại Trụ sở Liên hợp quốc ở New York để thảo luận về tiến độ và các biện pháp đẩy nhanh việc thực hiện đầy đủ Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững.

Diễn đàn chính trị cấp cao về phát triển bền vững (HLPF), được tổ chức từ ngày 10 đến ngày 19 tháng 7 dưới sự bảo trợ của Hội đồng Kinh tế và Xã hội, đã đặt nền móng cho các quốc gia cùng nhau tham dự Hội nghị thượng đỉnh về SDG vào tháng 9, và đánh dấu nửa chặng đường để đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững vào năm 2030. HLPF năm nay bao gồm đánh giá chuyên sâu về mục tiêu phát triển bền vững số 6 liên quan tới nước sạch và vệ sinh, số 7 về năng lượng sạch và bình ổn giá cả, số 9 về công nghiệp, đổi mới và cơ sở hạ tầng, số 11 về cộng đồng và thành phố bền vững, và số 17 về quan hệ đối tác.

Khoa học, công nghệ, dịch vụ về thời tiết, khí hậu và nước đóng vai trò quan trọng xuyên suốt trong việc hỗ trợ đạt được nhiều mục tiêu phát triển bền vững, bao gồm cả những mục tiêu đang được xem xét thảo luận. Những đóng góp quan trọng mà các Thành viên WMO có thể thực hiện về mặt này đã được nhấn mạnh qua nhiều phiên họp.

Tại Hội nghị về Nước sạch của Liên Hợp Quốc gần đây, các quốc gia thành viên và các nước tham dự khác đã kêu gọi một số cam kết mang tính thay đổi, toàn diện và định hướng hành động. Một trong số đó là thiết kế và triển khai hệ thống thông tin nước toàn cầu mới để hướng dẫn các kế hoạch và ưu tiên đến năm 2030 hoàn thành mục tiêu SDG 6 liên quan đến cung cấp nước sạch. WMO và các đối tác đã cam kết trả lời kêu gọi này thông qua việc triển khai Hệ thống giám sát và báo cáo tình trạng thủy văn (HydroSOS), hiện đã được triển khai ở 50 quốc gia trên thế giới. Một sự kiện bên lề của HLPF đã được WMO tổ chức để giới thiệu về HydroSOS, nhằm cho thấy các dịch vụ thông tin về nước nhất quán được chia sẻ trên toàn cầu, từ đó củng cố khả năng quản lý nước của quốc gia và quốc tế, đồng thời xúc tác hợp tác xuyên biên giới thông qua các đánh giá và triển vọng đáng tin cậy về nước.

Những lợi ích của hệ thống này cũng phần nào giúp hỗ trợ đạt được các SDG khác, chẳng hạn như SDG2 về không còn nạn đói và SDG 13 về hành động vì khí hậu. Sự phối hợp cũng đã được thảo luận tại Hội nghị Khí hậu và SDGs lần thứ 4, được tổ chức vào Chủ nhật ngày 16 tháng 7, bên lề HLPF, nơi mà vai trò quan trọng của dữ liệu và thông tin về nước để hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo đã được công nhận.

Mục tiêu SDG 7 về năng lượng sạch và bình ổn giá cả - Các hệ thống năng lượng bị ảnh hưởng rõ rệt bởi các thiên tai có nguồn gốc khí tượng và thủy văn thường xuyên và khốc liệt hơn, con người ngày càng phải đối mặt với những thay đổi bất thường của thời tiết và khí hậu. Khi các nguồn năng lượng tái tạo phát triển ngày càng mạnh, thì các hệ thống sản xuất, hiệu quả sản xuất các nguồn năng lượng này càng nhạy cảm với biến động thời tiết, khí hậu và nước. Các dịch vụ thời tiết và khí hậu về năng lượng rất quan trọng để hỗ trợ các hệ thống năng lượng. Chúng đóng vai trò then chốt để lựa chọn địa điểm cho các hệ thống gió, mặt trời và thủy điện, đồng thời chúng hỗ trợ các hoạt động hàng ngày, lập kế hoạch hàng tuần, quản lý rủi ro và tài nguyên trong nhiều năm cũng như thiết kế hệ thống năng lượng trong tương lai một cách hiệu quả hơn.

Báo cáo tình trạng khí hậu của WMO năm ngoái, tập trung vào Năng lượng, cho thấy chưa đến 50% thành viên có khả năng cung cấp dự báo về nước, khí hậu và thời tiết phù hợp cho ngành năng lượng. Cải thiện mạng lưới quan sát và chia sẻ dữ liệu cũng là một yêu cầu cấp bách. Báo cáo cũng cho thấy chúng ta có khả năng giúp Châu Phi thu hẹp khoảng cách cung và cầu về năng lượng tái tạo. Châu Phi là nơi có 60% nguồn năng lượng mặt trời tốt nhất trên toàn cầu, nhưng chỉ có 1% công suất PV được lắp đặt. Để đạt được mục tiêu SDG7, rõ ràng là các chính sách năng lượng cần cải thiện khả năng phục hồi của các hệ thống năng lượng trước biến đổi khí hậu và thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang mức 0 ròng, bao gồm cả việc mở rộng quy mô các dịch vụ thời tiết, nước và khí hậu.

Mục tiêu SDG 11 về các thành phố và cộng đồng bền vững - Các thị trấn và thành phố phải đối mặt với một số rủi ro và thách thức đô thị liên quan đến các hiện tượng thời tiết, khí hậu và thiếu hụt về nước. Từ hiệu ứng nghịch đảo nhiệt đô thị đến lũ quét và ô nhiễm không khí, nhiều vấn đề trong số này đang trở nên thường xuyên và nghiêm trọng hơn khi đối mặt với biến đổi khí hậu do con người gây ra. Các thành phố cũng là tác nhân chính của biến đổi khí hậu, gây ra khoảng 70% lượng khí thải Carbon từ tiêu thụ năng lượng. Tập hợp các rủi ro liên quan đến các khu vực đô thị đòi hỏi một cách tiếp cận toàn diện từ góc độ khoa học, công nghệ và dịch vụ. Để đáp ứng Chương trình Nghị sự về đô thị mới và để hỗ trợ đạt được mục tiêu SDG11, WMO tiếp tục phát triển các Dịch vụ khí tượng thủy văn, khí hậu và môi trường đô thị tích hợp. “Dịch vụ đô thị tích hợp” đề cập đến việc cung cấp thông tin về thời tiết, khí hậu, thủy văn và chất lượng không khí cho các Thành viên WMO để ra quyết định (dựa trên khoa học, quan sát, trao đổi dữ liệu và dự báo). Các dịch vụ này có thể được cung cấp trực tiếp thông qua Dịch vụ Khí tượng Thủy văn quốc gia hoặc gián tiếp thông qua các đối tác trong khu vực công, tư nhân và xã hội dân sự.

Mục tiêu SDG 17 về củng cố quan hệ đối tác - Quan hệ đối tác là nền tảng cho cách thức hoạt động của WMO, được thể hiện bằng sự hợp tác cho sáng kiến cảnh báo sớm cho tất cả, do WMO và Văn phòng giảm thiểu rủi ro thiên tai của Liên Hợp Quốc đồng chủ trì nhằm đáp lại lời kêu gọi mọi người trên Trái đất được an toàn, được bảo vệ bởi các cảnh báo sớm vào năm 2027. Cảnh báo sớm cho tất cả được tổ chức xung quanh bốn trụ cột của chuỗi giá trị Hệ thống cảnh báo sớm nhiều nguy cơ. Bốn trụ cột được dẫn dắt bởi WMO, UNDRR, Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) và Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC). Quan hệ đối tác giữa các cấp độ và nội bộ cũng là chìa khóa cho cách thức hoạt động của từng trụ cột.

Tầm quan trọng của dữ liệu và thông tin dựa trên cơ sở khoa học đối với các nhà hoạch định chính sách đã được nhấn mạnh thông qua Ngày khoa học HLPF. Các cuộc thảo luận tập trung vào cách các dịch vụ dựa trên khoa học có thể đẩy nhanh việc thực hiện SDGs và nhu cầu giao tiếp hai chiều với cộng đồng khoa học khi các nhà hoạch định chính sách có tham khảo thông tin đó để họ có thể đưa ra quyết định tốt hơn.

 

Biên dịch: Tạp chí KTTV

Nguồn: https://public.wmo.int/en/media/news/wmo-participates-sustainable-development-goals-meetings

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: