Cân đối nguồn vốn dự phòng ngân sách trung ương năm 2020 khắc phục hậu quả thiên tai

Đăng ngày: 03-09-2020 | Lượt xem: 1339
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 35/CT-TTg về triển khai một số biện pháp cấp bách để chủ động ứng phó thiên tai.

Tại Chỉ thị, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính rà soát, ưu tiên cân đối, bố trí nguồn vốn dự phòng ngân sách trung ương năm 2020 và các nguồn vốn khác, phối hợp với Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai hỗ trợ địa phương khắc phục nhanh hậu quả thiên tai và thực hiện một số nhiệm vụ phòng, chống thiên tai cấp bách nhằm chủ động ứng phó với tình huống mưa lũ lớn, xử lý khẩn cấp một số trọng điểm sạt lở, đê điều, hồ đập thủy lợi xung yếu, không đảm bảo an toàn chống lũ, nguy cơ cao xảy ra sự cố.

Bên cạnh đó, cần chủ động bố trí ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để kịp thời khắc phục ngay các sự cố hư hỏng, xử lý các trọng điểm xung yếu bảo đảm an toàn cho đê điều, hồ đập và thực hiện công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền các cấp ở địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai và Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 18/6/2018 của Chính phủ về công tác phòng chống thiên tai.

Đồng thời, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương rà soát kịch bản cụ thể để chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai nguy hiểm, nhất là mưa lũ lớn dài ngày, xả lũ lớn từ thượng nguồn sông xuyên biên giới, bão mạnh, siêu bão, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, không để bị động, bất ngờ trong ứng phó.

Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng chỉ đạo, đôn đốc bổ sung, hoàn thiện phương án cứu hộ, cứu nạn, đặc biệt là phương án ứng phó khi xảy ra thiên tai, lũ lớn, ngập lụt diện rộng; căn cứ tình hình cụ thể chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương chỉ đạo bố trí lực lượng, phương tiện phù hợp tại các địa bàn trọng yếu, vùng sâu, vùng xa để kịp thời, tiếp cận xử lý mọi tình huống thiên tai khi có yêu cầu...

Dự báo mùa mưa, bão năm nay đến muộn vào cuối năm, khả năng xuất hiện khoảng 7-9 cơn bão, trong đó khoảng từ 4-5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và phía Nam; nguy cơ mưa lũ lớn dồn dập và kéo dài ở khu vực miền Trung; lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ...

Theo tapchitaichinh.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: