Hội nghị trực tuyến "Hợp tác giữa Việt Nam và Italia trong lĩnh vực quan sát Trái đất và kỹ thuật Viễn thám"

Đăng ngày: 10-10-2022 | Lượt xem: 3292
Chiều ngày 10/10/2022, tại Hà Nội, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn (KTTV), ông Hoàng Đức Cường tham dự Hội nghị trực tuyến "Hợp tác giữa Việt Nam và Italia trong lĩnh vực quan sát Trái đất và kỹ thuật Viễn thám”.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV, ông Hoàng Đức Cường tham dự Hội nghị đầu cầu Tổng cục KTTV

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Tổng cục trưởng cho biết: Việt Nam và Italia có mối quan hệ tốt đẹp trong suốt gần 50 năm qua kể từ năm 1973 khi 2 nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Các lĩnh vực hợp tác giữa Italia và Việt Nam tương đối toàn diện, từ kinh tế thương mại, an ninh quốc phòng cho tới văn hoá giáo dục và công nghệ. Đặc biệt trong lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường, Italia đã hỗ trợ. Đặc biệt trong lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường, Italia đã có nhiều hỗ trợ cả về kỹ thuật và tài chính góp phần trong sự phát triển bền vững ngành. Trong đó, ngành KTTV cũng không ngoại lệ, từ năm 2000-2020, Italia đã hỗ trợ cho Việt Nam 2 dự án ODA nhằm tăng cường mật độ, đổi mới công nghệ theo hướng tự động các trạm khí tượng, thuỷ văn, hải văn và đo mưa tại khu vực Nam Trung Bộ, tăng cường năng lực dự báo và cảnh báo lũ, ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm phục vụ hiệu quả công tác phòng tránh, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra. Hiện nay các trạm, thiết bị do italia cung cấp đều đang hoạt động ổn định góp phần không nhỏ vào công tác dự báo cảnh báo phục vụ công tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai, phát triển KT-XH ở Việt Nam. Thay mặt ngành KTTV Việt Nam, tôi trân trọng cảm ơn những sự đóng góp, hỗ trợ hiệu quả của chính phủ và người dân Italia đối với ngành KTTV Việt Nam.

Bên cạnh đó, Trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp và khó dự đoán đồng thời nhu cầu của xã hội về các thông tin khí tượng thuỷ văn ngày càng cao, ngành KTTV không ngừng nỗ lực, triển khai các tiến bộ khoa học công nghệ, đặc biệt các công nghệ của cuộc cách mạng 4.0 trong công tác cảnh báo dự báo KTTV. Các công nghệ mới như vệ tinh, viễn thám hay radar thời tiết đã góp từng bước được triển khai và ứng dụng hiểu quả trong những năm qua góp phần tăng cường đáng kể chất lượng giám sát, dự bảnh báo thời tiết, thiên tai ở Việt Nam. Một số ứng dụng nổi bật của công nghệ viễn thám trong ngành KTTV Việt Nam hiện nay có thể kể đến như:

Thứ nhất, Với 10 hệ thống trạm radar băng sóng S và C trải dài trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam cùng với các hệ thống thu số liệu vệ tinh quỹ đạo địa tĩnh( Himawari) và về tinh quỹ đạo cực (NPP, NOAA, METOP, AQUA,…). Tổng cục KTTV đã ứng dụng hiệu quả các số liệu vệ tinh, viễn thám trong giám sát thời gian thực các hiện tượng thời tiết nguy hiểm gồm hệ thống mây dông và giám sát vị trí, phân tích tâm, cường độ bão, ATND.

Thứ hai, trong công tác dự báo cực ngắn, Tổng cục KTTV sử dụng dữ liệu viễn thám radar, vệ tinh liên tục theo thời gian để làm đầu vào cho các sơ đồ, mô hình ngoại suy, mô hình dựa trên phương pháp trí tuệ nhân tạo để dự báo cực ngắn sự dịch chuyển theo thời gian của các hệ thống mây gây mưa với thời gian từ 3 đến 6 giờ.

Thứ ba, trong vấn đề tăng cường thông tin quan trắc khí quyển cho các mô hình dự báo số trị: các dữ liệu quan trắc viễn thám được đưa vào mô hình số trị thông quan phương pháp đồng hoá số liệu trong đó các toán tử quan trắc sẽ được xây dựng để tính toán chuyển đổi các biến nhiệt, ẩm, áp, gió sang các dạng dữ liệu quan trắc như độ phản hồi radar, gió hướng tâm, bức xạ khí quyển ở từng kênh phổ nhất định. Các dữ liệu quan trắc radar (độ phản hồi, trường gió hướng tâm Doppler) được đưa vào các mô hình số trị cho phép tăng cường chất lượng dự báo mưa ở hạn trong khoảng 24 giờ đầu.

Thứ tư, trong vấn đề xây dựng bản đồ ước lượng mưa: Với ưu điểm về mặt tần suất quét và chi tiết theo không gian của dữ liệu radar và vệ tinh, việc xây dựng các bản đồ mưa ước lượng từ dữ liệu viễn thám sẽ cho phép bổ khuyết được các khu vực không có quan trắc. Các bản đồ ước lượng mưa định lượng này sẽ cho phép giám sát thời gian thực về phan bố mưa trên lãnh thổ và làm đầu vào cho các bài toán dự báo, cảnh báo về lũ và lũ quét .

Thứ năm, Việt Nam đã đầu tư lắp đặt 18 trạm định vị sét trên toàn quốc, số liệu định vị sét kết hợp với số liệu radar cùng hệ thống quan trắc bề mặt đã góp phần quan trọng trong theo dõi, giám sát nhanh các ổ đối lưu khí quyển cũng như các hiện tượng thời tiết nguy hiểm kèm theo (Dông, lốc, tố, sét, mưa đó…).

Hiện nay, ngành KTTV đang nỗ lực đổi mới, tiếp nhận các kỹ thuật mới trong việc xử lý dữ liệu, hình ảnh từ các thiết bị vệ tinh viễn thám để ngày càng hoàn thiện hơn nữa hệ thống dự báo cảnh báo thời tiết, thiên tai ở Việt Nam góp phần giảm nhẹ rủi ro thiên tai phát triển kinh tế xã hội. Ông nhấn mạnh, lĩnh vực ứng dụng công nghệ vệ tinh viễn thám là công nghệ mới, hiện đại, còn nhiều kỹ thuật chưa được nắm bắt, trong thời gian tới ngành KTTV mong muốn nhận được sự hỗ trợ của nhiều quốc gia, đặc biệt với truyền thống hợp tác với Italia trong nhiều năm qua sẽ tiếp tục đồng hành hỗ trợ ngành KTTV trong lĩnh vực này.

Quang cảnh Hội nghị trực tuyến

Tạp chí KTTV

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: