Dự thảo hiệp định của Liên hợp quốc đặt ra các mục tiêu đa dạng sinh học mới nhưng thiếu kế hoạch hành động

Đăng ngày: 11-07-2021 | Lượt xem: 654
Cơ quan đa dạng sinh học của Liên hợp quốc đã công bố bản dự thảo đầu tiên của một thỏa thuận toàn cầu nhằm ngăn chặn sự thay đổi của thiên nhiên và sự biến mất động vật hoang dã trong 9 năm tới.

Tài liệu này sẽ tạo cơ sở cho các cuộc đàm phán trước hội nghị thượng đỉnh về đa dạng sinh học ở Côn Minh, Trung Quốc, nơi các chính phủ sẽ đồng ý về một khuôn khổ sau năm 2020 để bảo vệ sự sống trên Trái đất. Basil van Havre, đồng chủ tịch của nhóm công tác phụ trách giám sát các cuộc đàm phán tại Công ước LHQ cho hay “Đây vừa là một bản tóm tắt tình hình hiện tại của cuộc thảo luận mà còn là một cách để khơi gợi thêm thảo luận và đàm phán”. Tuy nhiên, trong khi dự thảo văn bản đưa ra các nguyện vọng và mục tiêu cho năm 2030, nhưng nó không đưa ra được một kế hoạch hành động cụ thể.

Các chuyên gia rất ủng hộ các mục tiêu đề xuất để bảo vệ và phục hồi thiên nhiên, nhưng cho biết nếu không có kinh phí và trách nhiệm giải trình quốc gia, các mục tiêu này sẽ khó đạt được.

Li Shuo, thuộc tổ chức Greenpeace East Asia, người đang theo sát các cuộc thảo luận về đa dạng sinh học chia sẻ rằng: “Đây chỉ là các mục tiêu mà không thực sự có bất cứ điều gì về cách đạt được điều đó. Không có chiến lược nào đằng sau hành động thực tế”.

Tài liệu dài 12 trang đưa ra 4 mục tiêu dài hạn đến năm 2050, 10 cột mốc để đánh giá lộ trình vào cuối thập kỷ và 21 mục tiêu giải quyết các nguyên nhân gây mất đa dạng sinh học cần đạt được vào năm 2030. Chúng bao gồm bảo vệ ít nhất 30% đất và biển trên Trái đất, cắt giảm 2/3 việc sử dụng thuốc trừ sâu và giảm một nửa lãng phí và tiêu thụ thực phẩm quá mức vào cuối thập kỷ này. Ít nhất 500 tỷ đô la trợ cấp có hại hàng năm cũng sẽ cần phải được loại bỏ vào năm 2030. Các biện pháp phục hồi hệ sinh thái và đảm bảo các hoạt động nông nghiệp, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản bền vững có thể giảm ít nhất 10 gigatonnes CO2 mỗi năm vào năm 2030 - khoảng một phần ba mức giảm cần thiết để hạn chế mức độ nóng toàn cầu xuống 1,5oC mặc dù việc tính toán sẽ được thực hiện như thế nào thì vẫn chưa rõ.

Chỉ một trang rưỡi của văn bản được dành riêng cho một cơ chế để thực hiện những mục tiêu này. Báo cáo chỉ ra rằng các quốc gia có “trách nhiệm” chuyển các mục tiêu toàn cầu thành các mục tiêu quốc gia và giám sát, báo cáo một cách minh bạch về lộ trình đạt được các mục tiêu đó. Đối với Brian O’Donnell, giám đốc Chiến dịch vì Thiên nhiên, mục tiêu đề xuất nhằm tăng cường hỗ trợ của các nước giàu cho các quốc gia đang phát triển lên 10 tỷ đô la mỗi năm là không đủ để đảm bảo việc thực hiện thỏa thuận ở các nước đang phát triển một cách hiệu quả. Ông nói: “Bây giờ đã đến lúc các quốc gia giàu có cam kết tài trợ bổ sung cần thiết để đạt được các mục tiêu đặt ra trong khuôn khổ này”.

Ông chia sẻ dự thảo đã đạt được “tiến bộ quan trọng” trong việc công nhận vai trò trung tâm của người dân bản địa và cộng đồng địa phương trong việc ra quyết định và quản lý bảo tồn. Dự thảo thừa nhận nhu cầu “sự tham gia bình đẳng và hiệu quả” của các cộng đồng bản địa, địa phương và bao gồm mục tiêu đảm bảo kiến thức, thực hành truyền thống của họ đối với việc ra quyết định.

Biên dịch: Thanh Tâm

Link: https://www.climatechangenews.com/2021/07/13/un-draft-accord-sets-new-biodiversity-goals-delivery-plan-lacking/

 

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: