Mưa lũ ở Đức gây hậu quả thảm khốc nhất kể từ Thế chiến thứ 2

Đăng ngày: 16-07-2021 | Lượt xem: 1839
Vụ mưa lũ tàn phá nhiều khu vực, cướp đi sinh mạng của hàng chục người được xem là một trong những vụ thảm họa thiên tai tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2.

Những ngôi nhà bị phá hủy trong nước lũ tại Schuld, gần Bad Neuenahr, miền Tây Đức ngày 15/7/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giới chức Đức đêm 15/7 cho biết đã có ít nhất 59 người thiệt mạng trong đợt mưa lũ lớn gây ngập lụt nhiều khu vực ở miền Tây nước Đức những ngày qua.

Hiện vẫn còn hàng chục người mất tích trong khi thời tiết tiếp tục diễn biến xấu, có nguy cơ gây thiệt hại nặng hơn nữa cả về người và của.

Theo phóng viên TTXVN tại Đức, những trận mưa lớn quét qua qua khu vực rộng lớn ở Tây Âu, khiến nhiều vùng ở các nước Đức, Bỉ và Hà Lan chịu thiệt hại nặng.

Hai bang phía Tây Đức chịu thiệt hại nặng nề nhất về người là Nordrhein-Westfalen (31 người) và Rheinland-Pfalz (28 người), trong đó vùng bị tàn phá nặng nhất là toàn bộ huyện Ahrweiler thuộc Rheinland-Pfalz khi riêng nơi đây đã có ít nhất 19 người thiệt mạng, trong khi thị trấn Euskirchen thuộc thành phố Köln, bang Nordrhein-Westfalen, cũng ghi nhận 15 người chết do mưa lũ.

Ít nhất 850 binh sỹ đã được triển khai tham gia ứng cứu cùng các lực lượng cứu hộ địa phương, mục đích trước mắt là cứu những người bị mắc kẹt ở các căn nhà, khu vực bị ngập nước và bị cô lập, cũng như tìm kiếm các thi thể và hàng chục người vẫn còn mất tích.

Những người may mắn sống sốt đã trèo lên mái nhà để chờ trực thăng tới giải cứu. Đã có 2 nhân viên cứu hộ thiệt mạng trong quá trình ứng cứu, sơ tán các nạn nhân.

Mưa lũ đã khiến hàng trăm nghìn hộ gia đình mất điện, đặc biệt tình trạng mất điện ở thành phố Leverkusen đã buộc giới chức nơi đây phải sơ tán toàn bộ một bệnh viện có gần 500 bệnh nhân.

Mưa lũ gây sập, sạt lở cầu đường khiến rất nhiều tuyến đường bị phong tỏa, ảnh hưởng nghiêm trọng tới giao thông vận tải và đi lại.

Công ty đường sắt Đức Deutsche Bahn đã kêu gọi hành khách hoãn mọi kế hoạch đi lại tới hoặc qua khu vực thiên tai do nhiều tuyến tàu đã phải ngừng hoạt động.

Vụ mưa lũ tàn phá nhiều khu vực, cướp đi sinh mạng của hàng chục người được xem là một trong những vụ thảm họa thiên tai tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2.

Từ Washington, Thủ tướng Đức Angela Merkel đang ở thăm Mỹ bày tỏ bà đã bị sốc khi thấy những hình ảnh đau thương quê nhà, gọi đây là thảm kịch quốc gia, đồng thời cam kết rằng chính phủ Đức sẽ làm hết sức có thể để ứng cứu người dân, ngăn chặn các nguy cơ và giải quyết hậu quả đợt mưa lũ.

Thủ hiến bang Rheinland-Pfalz Malu Dreyer khi tới khu vực thiên tai đã bày tỏ bàng hoàng và cho biết bà chưa bao giờ chứng kiến hậu quả thảm khốc như vậy. Trong ngày 16/7, bang Rheinland-Pfalz sẽ treo cờ rủ tại tất cả cơ quan công quyền để bày tỏ tiếc thương và sự chia sẻ với các nạn nhân cùng thân nhân.

Trong khi đó, Thủ hiến bang Nordrhein-Westfalen Armin Laschet cũng mô tả tình hình rất báo động, cam kết đẩy nhanh nỗ lực toàn cầu chống biến đổi khí hậu khi tình trạng ấm lên toàn cầu có liên quan trực tiếp tới các hiện tượng thời tiết cực đoan.

Liên quan tình hình mưa lũ ở Đức, một người phát ngôn Liên hợp quốc ngày 15/7 cho biết thảm họa lũ lụt ở vùng Tây Đức là hậu quả của tình trạng biến đổi khí hậu đang hiện hữu.

Các vụ mưa lũ là xu hướng chính liên quan tới biến đổi khí hậu vốn dẫn tới tình trạng thời tiết cực đoan, kêu gọi thế giới cần hợp tác chống cuộc khủng hoảng khí hậu nhằm hạn chế các thảm họa tương tự ở Đức xảy ra trong tương lai.

Hiện Cơ quan khí tượng Đức dự báo mưa lớn tiếp tục có nguy cơ gây ngập tràn bờ hai con sông Rhein và Mosel ở phía Tây nước này, đồng thời cảnh báo nguy cơ ngập lụt diện rộng trong một những ngày tới.

Bỉ kêu gọi EU hỗ trợ chống lũ lụt

Để đối phó với tình trạng lũ lụt lớn đang hoành hành đất nước, Bỉ kích hoạt cơ chế bảo vệ dân sự của Liên minh châu Âu (EU).

Cảnh ngập lụt do mưa lớn tại thành phố Liege, Bỉ ngày 15/7/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, Bộ trưởng Nội vụ Bỉ, Annelies Verlinden, ngày 15/7 cho biết rằng bà đã kích hoạt Cơ chế bảo vệ dân sự của EU để đối phó với thiên tai đang hoành hành tại các tỉnh miền Đông đất nước. Cơ chế này cho phép kêu gọi các quốc gia khác hỗ trợ cụ thể về thiết bị, nhân sự... đồng thời có thể huy động "nhóm hỗ trợ bảo vệ dân sự châu Âu."

Văn phòng Bộ trưởng Verlinden nhấn mạnh thời tiết khắc nghiệt có thể tiếp diễn trong những ngày tới. Do đó, ưu tiên là đưa cư dân đến nơi an toàn. Lực lượng cứu hỏa, bảo vệ dân sự và dân phòng đang hoạt động để hỗ trợ người dân.

Bộ trưởng Nội vụ đang theo dõi sát tình hình và liên hệ chặt chẽ với các đơn vị hỗ trợ khẩn cấp.

Đáp lại yêu cầu xin hỗ trợ của Bỉ, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gérald Darmanin và Bộ trưởng An ninh Dân sự Pháp cho biết đã cử 40 nhân viên cứu hộ đến tỉnh Lìege, cũng như một máy bay trực thăng với hai nhân viên cứu hộ.

Italy và Áo cũng đã cung cấp viện trợ đáng kể. Tối 15/7, một đoàn xe gồm 23 chiếc, mỗi chiếc chở một thuyền cứu hộ và 103 lính cứu hỏa, đã rời Áo đến Lìege. Italy huy động một máy bay vận tải C-130 được trang bị đầy đủ thiết bị, một máy bay trinh sát, 12 đội cứu hộ và một máy bay trực thăng để đến hỗ trợ Bỉ chống thiên tai.

Theo cơ chế đoàn kết châu Âu, Ủy ban châu Âu (EC) điều phối và tài trợ tới 75% chi phí vận chuyển viện trợ. Cao ủy EU về quản lý khủng hoảng Janez Lenarcic nhấn mạnh EU luôn đoàn kết với Bỉ trong những thời điểm khó khăn và đưa ra những hỗ trợ cụ thể.

Ông Lenarcic cũng gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới các gia đình đã mất người thân.

Ngoài ra, Chương trình quan sát Trái đất của châu Âu cung cấp bản đồ đánh giá các khu vực bị ảnh hưởng. Trung tâm điều phối ứng phó khẩn cấp của EU cho biết thường xuyên liên hệ với các cơ quan chức năng của Bỉ để theo dõi chặt chẽ tình hình và phân luồng viện trợ.

Tính đến chiều 15/7, ít nhất 7 người đã thiệt mạng do lũ lụt tại các địa phương ở Bỉ./.

Theo Thông tấn xã

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: