"Sống khỏe" giữa hạn, mặn

Đăng ngày: 24-02-2020 | Lượt xem: 1647
Nhờ chuyển đổi vật nuôi, cây trồng phù hợp với tình hình khô hạn, xâm nhập mặn, nhiều nông dân ở ĐBSCL đã tránh được thiên tai hoành hành

Tình hình khô hạn, xâm nhập mặn đang diễn ra khốc liệt ở các tỉnh ĐBSCL, gây thiệt hại nhiều diện tích lúa, hoa màu. Tuy nhiên, trong những ngày này, các cánh đồng ở xã Lê Trì, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang vẫn phủ một màu xanh như giữa mùa nước nổi.

Ruộng cao thoát lo

Có được điều này là nhờ xã Lê Trì áp dụng hiệu quả mô hình chuyển đổi cây trồng thích ứng thời tiết khô hạn.

Mô hình trồng mè trên đất lúa ứng phó mùa khô hạn mang lại hiệu quả cao ở huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: TÂM MINH

Gia đình ông Phạm Hồ Phong (ngụ xã Lê Trì) canh tác được hơn 1 ha đất, do khu vực ruộng cao nên những năm trước thường xuyên chịu cảnh "khát nước" sinh hoạt, tưới tiêu vào những tháng mùa khô. Gần đây, được sự khuyến khích của ngành nông nghiệp địa phương theo mô hình chuyển đổi cây trồng nên ông Phong quyết định đầu tư vốn đào ao trữ nước trong vườn cùng với hệ thống phun nước tự động.

"Ngay sau khi áp dụng mô hình tưới nước bằng máy phun tự động, tôi không còn phải lo thiếu hụt nguồn nước như trước nữa. Phần diện tích đất nằm dưới tán cây ăn trái cũng được tôi tận dụng trồng các loại rau màu, cây dược liệu khác để có thêm thu nhập. Trong trường hợp có xảy ra cháy rừng xung quanh thì tôi cũng có thể sử dụng nguồn nước có sẵn này để chữa cháy" - ông Phong chia sẻ.

Ông Lương Huy Khanh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh An Giang, cho biết toàn tỉnh có hơn 1.900 ha diện tích đất đang ứng dụng phương pháp tưới tiết kiệm nước trên cây trồng cạn, như rau màu, cây ăn trái, dược liệu… tập trung chủ yếu ở các huyện Chợ Mới, Châu Phú, Châu Thành, Tịnh Biên, Tri Tôn... Đặc biệt, ứng dụng tưới tiết kiệm (tưới phun, tưới nhỏ giọt) trên đất vùng cao như gia đình ông Phong đã góp phần giữ độ ẩm trong đất, ở các khu vực ven chân núi, dưới tán rừng và giảm nguy cơ cháy rừng rất hiệu quả.

"Trong điều kiện biến đổi khí hậu với những tác động kèm theo là khô hạn, nắng nóng thì giải pháp tưới nước tiết kiệm là một trong những giải pháp khả thi nhằm sử dụng nguồn nước tưới hợp lý và hiệu quả trước tác động, ảnh hưởng của khô hạn. Những vùng khó khăn về nguồn nước tưới như khu vực vùng cao của 2 huyện Tri Tôn, Tịnh Biên đã thực hiện hiệu quả phương pháp này, rất cần được nhân rộng ra nhiều địa phương" - ông Khanh khẳng định.

Hiệu quả của những mô hình thuận thiên

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp, trong vụ hè thu năm 2019, toàn huyện có khoảng 100 ha diện tích trồng mè cho năng suất cao. Dự kiến vụ hè thu năm nay, diện tích trồng mè được mở rộng.

Hộ ông Lê Hồng Hòa, Chủ nhiệm Hội quán Tân Tạo (xã Bình Phú, huyện Tân Hồng), nhiều năm nay không làm lúa vụ hè thu mà chuyển sang trồng rau màu khác và cây công nghiệp ngắn ngày. Trước đây, có lúc ông trồng đậu nành và bắp lai, dù lợi nhuận cao hơn trồng lúa nhưng vất vả, đầu ra gặp khó khăn. Sau nhiều năm nghiên cứu, ông Hòa quyết định chuyển hết 3 ha đất lúa sang trồng mè trong vụ hè thu và lợi nhuận từ cây mè cao hơn gấp nhiều lần so với lúa. "Chỉ cần năng suất mè khoảng 1,5 tấn/ha trở lên và giá bán từ 35.000 - 37.000 đồng/kg là bảo đảm mỗi hecta có lãi khoảng 50 triệu đồng" - ông Hòa quả quyết.

Theo ông Nguyễn Văn Tài, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tân Hồng, thời gian qua, cây mè đã trở thành cây trồng thay thế lúa hiệu quả trong thời điểm hạn hán. Để hỗ trợ nông dân thực hiện hiệu quả mô hình, ngành nông nghiệp huyện và các ngành liên quan sẽ có định hướng sản xuất gắn với thị trường, hỗ trợ về kỹ thuật, giống và bảo quản cho nông dân...

Trong khi đó, từ nhiều năm nay, người dân xã Hòa Minh, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh sống rất an nhàn giữa mùa mặn xâm nhập. Hòa Minh là xã cù lao nằm giữa sông Cổ Chiên, khi có nước mặn, người dân đã sản xuất thuận thiên theo mô hình canh tác lúa hữu cơ vào mùa nước ngọt và nuôi trồng thủy sản (tôm, cua) vào mùa nước mặn.

Gia đình ông Phạm Văn Lước (xã Hòa Minh) áp dụng mô hình trồng lúa hữu cơ kết hợp nuôi tôm, cua trong ruộng trên diện tích 7.000 m2. Trên phần diện tích này, ông Lước thu hoạch được hơn 5 tấn lúa, bán với giá 10.200 đồng/kg. Sau vụ lúa, ông dẫn nước mặn vào đồng và nuôi tôm tự nhiên. "Tôi làm mô hình này được khoảng 5-6 năm nay, thấy "sống khỏe". Năm nay, chưa biết sản lượng thu hoạch tôm như thế nào chứ vào năm hạn mặn lịch sử 2015-2016, trong khi nhiều nơi khác bị thiệt hại nặng còn tôi bán tôm được 1,5 tấn, thu về gần 150 triệu đồng" - ông Lước khoe.

Theo ông Võ Tấn Nhi, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Minh, từ tháng 12 hằng năm, khi nước mặn bắt đầu xâm nhập, bà con tranh thủ nuôi trồng thủy sản. Năm nay, độ mặn cao nhất đo được trên sông tại xã Hòa Minh từ 17‰-18‰ nên người dân tranh thủ xuống giống vụ tôm, cua. Mô hình kết hợp này đang phát huy hiệu quả cao. 

Không nên vội xuống giống tôm

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường vừa đến tỉnh Sóc Trăng để khảo sát thực tế tình hình hạn hán và xâm nhập mặn đang diễn ra tại tỉnh này. Tại đây, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường biểu dương tỉnh Sóc Trăng đã chủ động thích ứng với hạn, mặn bằng việc gieo sạ vụ đông xuân sớm hơn mọi năm, qua đó giúp năng suất đạt khá cao. Bộ trưởng đề nghị tỉnh cần chỉ đạo thay đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với điều kiện hạn, mặn, không nên vội vàng xuống giống tôm nước lợ mà phải theo dõi chặt chẽ tình hình quan trắc. 

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: