“Nắng nóng ở Bắc và Trung Bộ còn kéo dài sang tháng 8”

Đăng ngày: 07-07-2020 | Lượt xem: 6702
Bắc Bộ cùng với các tỉnh miền trung đã và đang bước vào một đợt nắng nóng diện rộng mới. Dự báo, nắng nóng ở Bắc Bộ còn kéo dài đến hết tháng 7. Trong khi, ở miền trung, đặc biệt các tỉnh từ Nghệ An đến Phú Yên, tháng 8-2020 vẫn có thể xảy ra các đợt nắng nóng kéo dài khoảng 7-10 ngày.

Bắc Bộ cùng với các tỉnh miền trung đã và đang bước vào một đợt nắng nóng diện rộng mới. (Ảnh: HÀ NAM)

Đó là một trong những nội dung chính trong cuộc trao đổi giữa phóng viên Nhân Dân điện tử và ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia về tình hình nắng nóng trong thời gian qua và dự báo đến hết năm 2020. 

Phóng viên (PV): Ông có đánh giá như thế nào về những đợt nắng nóng gần đây, liệu có gì bất thường và nguyên nhân của hiện tượng này là gì? Các khu vực bị ảnh hưởng nhất trong đợt nắng nóng vừa qua là những khu vực nào, thưa ông?

Ông Hoàng Phúc Lâm: Xét từ đầu mùa đến nay, phải nói rằng, nắng nóng đã xuất hiện sớm ở khu vực Trung Bộ và khu vực phía Tây Bắc Bộ ngay từ nửa đầu tháng 3. Đến tháng 5-2020, nắng nóng lại xuất hiện trở lại ở Bắc Bộ (hai đợt) và Trung Bộ (ba đợt).

Trong đó, đáng kể là đợt nắng nóng từ ngày 15 đến 20-5. Ở Bắc Bộ và các tỉnh miền trung trời nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt, nhiệt độ phổ biến từ 37-40 độ C. Riêng ngày 19-5, nhiều nơi đạt hơn 41 độ C, như: tại Láng (Hà Nội) và Ninh Bình đạt 41,3 độ C, Tĩnh Gia (Thanh Hóa) là 41,7 độ C, Đô Lương (Nghệ An) là 41,6 độ C.

Trong tháng 6-2020, nắng nóng diễn ra trên diện rộng và kéo dài nhiều ngày tại khu vực trung du và đồng bằng Bắc Bộ, cả tháng nắng ở miền bắc có hai quá trình gián đoạn, đợt gián đoạn đầu tiên là hoảng thời gian từ ngày 14 đến 17-6, đợt gián đoạn thứ hai là ngày 25-6. Trong khi đó, tại miền trung chỉ giảm ba ngày (từ 15 đến 17-6).

Nhiệt độ cao nhất tại Bắc Bộ phổ biến từ 35-38 độ C, một số ngày đạt 39 độ C, riêng ngày 22-6 nhiệt độ tại Láng (Hà Nội) đạt 40,2 độ C. Tại Trung Bộ, nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 36-39 độ C, một số ngày đạt 40 độ C, riêng ngày 22-6 một số nơi đạt hơn 41 độ C như Đô Lương (Nghệ An) 41,2 độ C, Hương Khê (Hà Tĩnh) 41,1 độ C.

Nguyên nhân chính gây ra nắng nóng ở Bắc Bộ và các tỉnh miền trung là do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng thấp nóng và hiệu ứng gió phơn của gió mùa tây nam gây ra. Thông thường, các đợt nắng nóng kết thúc khi dải mưa dông ở phía bắc (rãnh thấp gió mùa) bị đẩy xuống phía nam qua Bắc Bộ hoặc Bắc Trung Bộ.

Tuy nhiên, năm nay dải mưa dông này hầu như không dịch xuống phía nam nhiều mà chỉ ảnh hưởng đến khu vực phía nam Trung Quốc, thỉnh thoảng tác động đến vùng núi phía bắc nước ta, do đó không làm suy giảm được tình trạng nắng nóng trên khu vực. Trong đó, khu vực chịu ảnh hưởng mạnh mạnh mẽ nhất là khu vực trung du, vùng đồng bằng Bắc Bộ, các tỉnh miền trung từ Thanh Hóa trở vào đến Phú Yên.

PV: Số đợt nắng nóng, thời gian cụ thể các đợt nắng nóng từ đầu mùa hè đến nay như thế nào? Nền nhiệt mùa hè năm nay so với nền nhiệt mùa hè năm ngoái thể hiện ra sao, thưa ông?

Ông Hoàng Phúc Lâm: Các khu vực khác nhau có số đợt nắng nóng khác nhau. Cụ thể, số đợt nắng nóng ở các khu vực Bắc Bộ và miền trung trong khoảng thời gian từ tháng 3-6 như sau.

Trong tháng 3 xảy ra hai ngày (từ ngày 8 đến 9-3) tại phía Tây Bắc Bộ, khu vực Bắc và Trung Trung Bộ.

Trong tháng 4, không xảy ra đợt nắng nóng diện rộng nào, chỉ cục bộ ở một số nơi tại phía Tây Bắc Bộ.

Trong tháng 5, xảy ra đợt nắng nóng từ ngày 5 đến 8-5 từ Nghệ An đến Khánh Hòa; đợt từ 15 đến 20-5 ở Bắc Bộ và kéo dài đến ngày 21-5 ở Trung Bộ; đợt 25-26 ở Bắc Bộ và kéo dài đến ngày 27 ở Trung Bộ.

Trong tháng 6, nắng nóng kéo dài nhiều ngày tại khu vực trung du và đồng bằng Bắc Bộ. Thời gian kéo dài suốt từ đầu tháng ngày 13-6 và gián đoạn trong khoảng thời gian từ ngày 14 đến 17-6 và lại bắt đầu từ ngày 18 đến 24-6. Sau đó, từ ngày 26-6 lại bắt đầu một đợt nắng nóng mới. Còn ở khu vực miền trung, trong cả tháng 6 nắng nóng chỉ gián đoạn trong các ngày từ 15 đến 17-6.  

Như vậy, trong tháng 6-2020, tại Bắc Bộ đã có 25 ngày nắng nóng còn Trung Bộ có 26 ngày nắng nóng. Nếu so với tháng 6-2019, số ngày nắng nóng trong tháng 6-2020 tương đương, nhưng mức độ nắng nóng không gay gắt bằng năm 2019 vì nhiệt độ tháng 6-2019 rất cao, nhiều nơi và nhiều ngày có nhiệt độ cao nhất hơn 40 độ C. Thí dụ, riêng tại Quỳ Hợp (Nghệ An) còn đạt mức 43 độ C (ngày 22-6-2019), Con Cuông (Nghệ An) 43,3 độ C (vào ngày 22-6-2019).

Dự báo, nắng nóng ở Bắc Bộ còn kéo dài đến hết tháng 7. Trong khi, ở miền trung, tháng 8-2020 vẫn có thể xảy ra các đợt nắng nóng kéo dài khoảng 7-10 ngày. 

PV: Dự báo, trong tháng 7 nói riêng cũng như đến hết năm 2020 sẽ còn khoảng bao nhiêu đợt nắng nóng ở Bắc và Trung Bộ, thưa ông?

Ông Hoàng Phúc Lâm: Hiện tại, dưới tác động của hoàn lưu vùng thấp nóng, ở Bắc Bộ trong đó tập trung ở khu vực trung du và vùng đồng bằng Bắc Bộ cùng với các tỉnh miền trung đã và đang bước vào một đợt nắng nóng diện rộng mới.

Mức nhiệt trong ngày 6-7 ở trung du và đồng bằng Bắc Bộ có nắng nóng với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 34-37 độ C.

Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 36-38 độ, có nơi hơn 39 độ C.

Từ ngày 8-7, nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt gia tăng ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 37-40 độ C, có nơi hơn 40 độ C.

Từ ngày 9-7, nắng nóng sẽ gia tăng ở Bắc Bộ, trong đó khu vực trung du và đồng bằng Bắc Bộ có nắng nóng và nắng nóng gay gắt với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 36-39 độ C, có nơi hơn 39 độ C và dự báo đợt nắng nóng diện rộng này sẽ còn kéo dài đến sau ngày 13-7.

Dự báo, nắng nóng ở Bắc Bộ còn kéo dài đến hết tháng 7. Trong khi, ở miền trung, đặc biệt các tỉnh từ Nghệ An đến Phú Yên, tháng 8-2020 vẫn có thể xảy ra các đợt nắng nóng kéo dài khoảng 7-10 ngày.

PV: Ông có thể đưa ra một số khuyến cáo với người dân về hiện tượng này?

Ông Hoàng Phúc Lâm: Trong nhiều ngày tới kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp và gió tây nam gây hiệu ứng phơn thổi mạnh nên có nhiều nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ cao cháy rừng ở các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ.

Ngoài ra, chúng tôi còn cảnh báo chỉ số tia UV có giá trị cao, dẫn đến nguy cơ gây hại cao đến rất cao đối với cơ thể con người khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng. 

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông.

Theo nhandan.com.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: