480.000 người chết do thời tiết cực đoan trong hai thập kỷ

Đăng ngày: 25-01-2021 | Lượt xem: 2061
Hơn 11.000 hiện tượng thời tiết cực đoan đã khiến 480.000 người thiệt mạng trong hai thập kỷ qua. Trong đó, Puerto Rico, Myanmar và Haiti là những nơi chịu tác động nặng nhất.

Một khu vực bị ngập lụt tại Buzi, Mozambique sau trận bão Idai hồi tháng 3/2019. Ảnh: AFP

Các nước đang phát triển chịu thiệt hại nặng nề do bão, lũ lụt, lở đất, động đất, nắng nóng... Đây là đánh giá mới nhất về mối đe dọa trực tiếp của tình trạng biến đổi khí hậu đối với con người. 

Mở đầu Hội nghị Thích ứng khí hậu do Hà Lan tổ chức theo hình thức trực tuyến ngày 25/1, đại diện tổ chức môi trường Germanwatch của Đức cho biết  kể từ đầu thế kỷ 21 này đến nay, các thảm họa thiên tai gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu ước tính lên đến 2.560 tỷ USD. 

Theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu được ký kết năm 2015, những nước giàu hơn có trách nhiệm cung cấp 100 tỷ USD mỗi năm để hỗ trợ các nước nghèo thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu. Những quốc gia nghèo hơn thường chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì họ dễ bị tổn thương hơn trước những tác động của thảm họa và có khả năng đối phó thấp hơn. Tại những nước như Haiti, Philippines và Pakistan, các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra với tần suất cao, khiến chính phủ và người dân không có thời gian để phục hồi hoàn toàn sau một thảm họa thiên tai trước khi lại phải hứng chịu những cuộc "tấn công" tiếp theo. 

Germanwatch cũng đã đánh giá tác động của các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra kể từ năm 2000 đến nay, đặc biệt là mùa bão năm 2019 với nhiều cơn bão và lốc xoáy lớn tàn phá khu vực rộng lớn ở Caribe, Đông Phi và Nam Á. Kết quả cho thấy những nước nghèo dễ bị tổn thương đang phải đối mặt với những thách thức to lớn trong việc giải quyết những hậu quả của hiện tượng thời tiết cực đoan. Do đó, những quốc gia này cần được hỗ trợ khẩn cấp về tài chính và kỹ thuật. Tuy nhiên, nghiên cứu gần đây cho thấy số tiền trợ giúp các nước đang phát triển thích ứng với biến đổi khí hậu trên thực tế thấp hơn rất nhiều. Ước tính, mỗi năm các nước đang phát triển cần 70 tỷ USD, nhưng số tiền hỗ trợ thực tế hiện nay chỉ đạt 30 tỷ USD. 

Thích ứng khí hậu tức là giảm thiểu hậu quả và tăng khả năng chống chịu với những thảm họa liên quan đến khí hậu như lũ lụt và hạn hán. Đây cũng là một trụ cột trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu 2015. Thỏa thuận này ước tính mỗi năm cần 50 tỷ USD cho việc thích ứng khí hậu, nhưng thảm họa thiên tai đã tăng mạnh trong những năm qua và Liên hợp quốc (LHQ) cho rằng chi phí cho hoạt động này cũng sẽ tăng lên trong những năm tới. Trong báo cáo Khoảng cách Thích ứng đưa ra trong tháng này, Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) cho biết chi phí thực tế hàng năm cho công tác thích ứng khí hậu có thể tăng lên đến 300 tỷ USD vào năm 2030 và 500 tỷ USD vào giữa thế kỷ này. 

Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên hội nghị trên diễn ra theo hình thức trực tuyến. Tham dự hội nghị có Tổng Thư ký (TTK) LHQ Antonio Guterres, cựu TTK LHQ Ban Ki-moon, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Anh Boris Johnson cùng nhiều quan chức cấp cao khác của nhiều nước.

Theo TTXVN

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: