Xuất hiện bão Atsani và vùng đối lưu ngoài biển Đông
Phát biểu kết luận cuộc họp ứng phó với áp thấp nhiệt đới (suy yếu từ bão số 10) tổ chức sáng 11/6 tại Hà Nội, Tiến sĩ Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, hiện có cơn bão mới xuất hiện ngoài Biển Đông - bão Atsani (tên bão do Thái Lan đề cử, có nghĩa là "Tia chớp") và một vùng đối lưu. Tuy nhiên, theo ông Lâm cơn bão này có khả năng đi vào Biển Đông vào ngày 7/11 rồi suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, vùng áp thấp vào khoảng ngày 8-9/11 và có thể tan trên Biển Đông.
"Hiện chúng tôi đang theo dõi bão Atsani cũng như vùng đối lưu đi vào Biển Đông với sức gió mạnh cấp 9 -10. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn quốc gia sẽ theo dõi chặt chẽ bão và vùng đối lưu này cũng như các hình thái thời tiết nguy hiểm khác để kịp thời cung cấp những bản tin dự báo, cảnh báo", ông Hoàng Phúc Lâm lưu ý.
Toàn cảnh cuộc họp
Thông tin về ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, Tiến sĩ Hoàng Phúc Lâm cho rằng, trong ngày và đêm 6/11, các tỉnh, thành phố Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định có mưa to với tổng lượng mưa phổ biến 80-150mm; Quảng Bình, Quảng Trị, Kon Tum, Gia Lai có mưa vừa, mưa to với tổng lượng mưa phổ biến 50-80mm.
Thượng tá Nguyễn Đình Hưng, Phó Trưởng phòng cứu hộ cứu nạn, Bộ Tham mưu Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, tính đến 7h ngày 6/11, cơ quan thường trực Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 49.884 phương tiện/232.118 người, biết diễn biến, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới để chủ động di chuyển vòng tránh hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm, hiện không còn tàu hoạt động trong khu vực nguy hiểm.
Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cũng chỉ đạo các đơn vị biên phòng sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó với mưa lớn, phối hợp với chính quyền địa phương thông báo cho người dân khu vực miền Trung, Tây Nguyên về tình hình mưa lớn để người dân chủ động các biện pháp phòng tránh.
Đại tá Nguyễn Xuân Dũng, Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cho hay, Ủy ban tiếp tục chỉ đạo Quân khu 4, Quân khu 5 phối hợp với các địa phương khắc phục hậu quả bão lũ và tìm kiếm cứu nạn.
Cụ thể, tại Quân khu 4 bố trí 482 người/57 phương tiện và 3 chó nghiệp vụ tham gia tìm kiếm cứu nạn tại Thuỷ điện Rào Trăng 3. Quân khu 5 bố trí 450 người/10 phương tiện tìm kiến cứu nạn tại Nam Trà My, Phước Sơn... Tuy nhiên, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới nên lực lượng tìm kiếm tạm dựng hoạt động, khi thời tiết thuận lợi, lực lượng tiếp tục thực hiện công tác cứu hộ, tìm kiếm cứu nạn. Hiện các lực lượng quân đội đang tích cực giúp nhân dân các khu vực bị ảnh hưởng của mưa lũ và hoàn lưu sau bão khắc phục hậu quả thiên tai.
Thông tin từ Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, các tỉnh từ Quãng Ngãi đến Khánh Hòa đã rà soát, sơ tán dân trước khi bão, áp thấp nhiệt đới đổ bộ. Tổng số đã thực hiện sơ tán 3.393 hộ/13.167 người, trong đó: Quảng Ngãi là 2.381 hộ/9.495 người, Phú Yên 1.012 hộ/2.989 người, Khánh Hòa 683 người. Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, đến 7h ngày 6/11, mưa lũ và hoàn lưu sau bão số 9 đã làm 40 người chết (Nghệ An 10, Quảng Nam 28 (trong đó Nam Trà My 18, Bắc Trà My 1, Phước Sơn 9), Gia Lai 1, Đắk Lắk 1; 55 người mất tích gồm Quảng Nam 19 (Nam Trà My 14, Phước Sơn 4, Hiệp Đức 1), Bình Định 23, Kon Tum 1, Thủy điện Rào Trăng 3 là 12 người.
Chủ động các biện pháp ứng phó với mưa lớn và bão xuất hiện ngoài Biển Đông
Phát biểu kết luận cuộc họp ứng phó với áp thấp nhiệt đới (suy yếu từ bão số 10) tổ chức sáng 11/6 tại Hà Nội, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Cục trưởng Cục ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, Tổng cục phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Đức Quang đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Công điện số 35/CĐ-TW ngày 2/11 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn về chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới, đồng thời theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới và tình hình mưa lũ, ban hành kịp thời các bản tin dự báo, cảnh báo với diễn biến thực tế nhất những nơi có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất để người dân chủ động các biện pháp ứng phó.
"Các lực lượng chức năng phối hợp với chính quyền địa phương hết sức lưu ý tình hình mưa tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Theo dự báo, áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn tại các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên, do vậy, các địa phương chịu ảnh hưởng chủ động trong công tác ứng phó đặc biệt là các tỉnh như Quảng Nam, Quảng Ngãi...nơi đã chịu nhiều thiệt hại do mưa lũ và hoàn lưu bão số 9 vừa qua", Phó Chánh Văn phòng Nguyễn Đức Quang nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng mưa lớn kiểm tra, hướng dẫn và triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản, khu vực ven sông, suối, hạn lưu hồ, đập có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, khu vực thấp trũng có nguy cơ xảy ra ngập sâu, chia cắt, cô lập. Vận hành, bảo đảm an toàn công trình và hạ du các hồ đập thuỷ lợi, thuỷ điện đặc biệt đối với các hồ đập nhỏ, các hồ đập xung yếu.
Phó Chánh Văn phòng Nguyễn Đức Quang lưu ý, các đơn vị chức năng và chính quyền địa phương sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời triển khai công tác ứng phó và cứu hộ cứu nạn khi có tình huống. Tiếp tục công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 9 và mưa lũ sau bão, giúp dân sửa chữa nhà cửa, vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh, khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống.
Các bộ, ngành, địa phương tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới và các diễn biến thiên tai khác thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn. Đề cập đến cơ bão xuất hiện ngoài Biển Đông và các hình thái thời tiết nguy hiểm khác, Phó Chánh Văn phòng Nguyễn Đức Quang đề nghị Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia theo dõi sát các diễn biến, kịp thời ban hành các bản tin dự báo, cảnh báo phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó và truyền thông./.
Theo vov.vn