Bổ sung, hoàn thiện Quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia

Đăng ngày: 24-02-2020 | Lượt xem: 2244
Việc “Lập quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” mang tính cấp bách, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và pháp lý trong bối cảnh Luật Quy hoạch năm 2017 được Quốc hội thông qua có nhiều quy định chặt chẽ nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ toàn bộ hoạt động liên quan tới quy hoạch.

Mạng lưới trạm KTTV - “nòng cốt” trong mạng lưới trạm quan trắc TNMT quốc gia

Theo Luật Khí tượng thủy văn (KTTV) được Quốc hội thông qua ngày 23/11/2015, quy hoạch mạng lưới trạm KTTV quốc gia là một trong những nội dung quan trọng, được quy định chi tiết để bảo đảm việc quan trắc trên mạng lướ phản ánh được diễn biến theo không gian, thời gian của các yếu tố KTTV cần quan trắc, đáp ứng mục đích khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu KTTV.

Nhận thức được vai trò quan trọng của công tác quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch mạng lưới trạm quan trắc tài nguyên môi trường, trong đó có mạng lưới trạm quan trắc KTTV, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo lập và thực hiện quy hoạch tổng thể mạng lưới trạm quan trắc môi trường quốc gia từ năm 2007, tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện một bước cơ bản vào năm 2016.

Mạng lưới trạm KTTV  là nòng cốt trong mạng lưới trạm quan trắc tài nguyên môi trường quốc gia. Ảnh minh họa

Trong các bản Quy hoạch này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn đặt ra nguyên tắc quan trọng là yêu cầu phải bảo đảm sự lồng ghép tối đa giữa các lĩnh vực và mạng lưới trạm KTTV được lấy là nòng cốt trong tổng thể mạng lưới trạm quan trắc tài nguyên môi trường quốc gia.

Theo Tổng cục KTTV, thời gian qua, việc tổ chức thực hiện các Quy hoạch nêu trên đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Thông tin, dữ liệu thu được từ các trạm quan trắc đã phục vụ hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường nói chung, hoạt động KTTV nói riêng; góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Mặc dù vậy, thực tiễn triển khai thực hiện quy hoạch mạng lưới trạm KTTV quốc gia cũng bộc lộ một số hạn chễ, tồn tại.

Cụ thể, quy hoạch thiếu một số điều kiện bảo đảm khả thi trên thực tế, đặc biệt là chưa có sự lồng ghép, tích hợp trong quy hoạch sử dụng đất các cấp, thiếu nguồn lực để tổ chức thực thi sau khi được phê duyệt.

Quy hoạch mạng lưới trạm KTTV mặc dù được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhưng trong quá trình tổ chức thực hiện còn thiếu sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, địa phương có liên quan. Do vậy, nhiều nội dung của Quy hoạch chậm được triển khai hoặc triển khai không đạt hiệu quả trên thực tế.

Trong khi đó, tính kết nối, phù hợp, bổ sung cho nhau chưa được thể hiện rõ nét giữa Quy hoạch mạng lưới trạm KTTV quốc gia với các quy hoạch có liên quan của Bộ, ngành, địa phương. Theo quy định của Luật KTTV, hiện nay đã có một số Bộ, ngành, địa phương tổ chức xây dựng Kế hoạch phát triển mạng lưới trạm KTTV chuyên dùng; đồng thời đã có nhiều hoạt động KTTV chuyên dùng theo cả tính chất “tự nguyện” và “bắt buộc” đã và đang được tổ chức, cá nhân triển khai ở các lĩnh vực liên quan. Nhiều hồ chứa thủy lợi, thủy điện được đầu tư xây dựng, mở rộng vấn đề cạn kiệt ô nhiễm nguồn nước... đã đặt ra nhiều yêu cầu mới trong hoạt động quan trắc, dự báo KTTV.

Mạng lưới trạm quan trắc KTTV vẫn “thưa”

Báo cáo của Tổng cục KTTV chỉ ra rằng, quy hoạch mạng lưới trạm KTTV quốc gia còn thiếu tính lồng ghép, chưa giải quyết triệt để sự trùng lắp đối với một số loại trạm có tính chất tương đồng, cùng quan trắc các yếu tố KTTV hoặc có những nội dung quan trắc tương tự nhau.

“Về nguyên tắc, chất lượng không khí chỉ có thể được giám sát hiệu quả khi gắn kết với việc giám sát các yếu tố, điều kiện khí tượng như nhiệt độ, độ ẩm, gió, mưa... Hiện nay, mạng lưới trạm KTTV cũng đang khai thác, vận hành một số trạm quan trắc môi trường không khí để phục vụ giám sát chất lượng không khí, giám sát mưa a xít, lắng đọng a xít.

Bởi vậy, để vừa đảm bảo tính khoa học cũng như phù hợp với yêu cầu của thực tiến, cần thiết xem xét lồng ghép tối đa và hiệu quả hệ thống mạng lưới trạm giám sát chất lượng không khí vào Quy hoạch mạng lưới trạm KTTV quốc gia”, báo cáo của Tổng cục KTTV phân tích.

Mạng lưới trạm quan trắc KTTV theo quy hoạch hiện tại vẫn còn thưa so với các nước phát triển trên thế giới. Ảnh minh họa

Số liệu quan trắc KTTV đã và đang phục vụ hiệu quả cho công tác giám sát chất lượng nước, đánh giá tài nguyên nước mặt. Chất lượng nước (cả chất lượng nước các sông xuyên biên giới) phụ thuộc rất nhiều vào lưu lượng và chế độ dòng chảy pha loãng. Vì vậy, giám sát chất lượng nước không thể tách rời quan trắc thủy văn, chế độ dòng chảy.

Hơn nữa, tiêu chí lựa chọn các trạm giám sát chất lượng nước, kể cả chất lượng nước sông xuyên biên giới đều tương tự như tiêu chuẩn đối với trạm thủy văn; theo đó các trạm giám sát này đều được đặt ở những vị trí gần kề trạm thủy văn. Các chỉ tiêu giám sát, đánh giá tài nguyên nước mặt đều được tính toán, khai thác từ kết quả quan trắc của mạng lưới trạm KTTV, giám sát chất lượng nước. Để bảo đảm nguyên tắc hiệu quả, tránh lãng phí, cần phải có sự xem xét, lồng ghép các loại trạm giám sát chất lượng nước, giám sát tài nguyên nước mặt trong quy hoạch mạng lưới trạm KTTV quốc gia.

Cũng theo Tổng cục KTTV, nhiều nội dung quan trắc mới, mang tính đặc thù, phục vụ riêng cho dự báo, cảnh báo các hiện tượng thiên tai KTTV nguy hiểm như lũ quét, sạt lở đất, sóng thần... chưa được xem xét, bổ sung trong Quy hoạch mạng lưới trạm KTTV quốc gia.

“Nhìn chung, mạng lưới trạm quan trắc KTTV theo quy hoạch hiện tại vẫn còn thưa so với các nước phát triển trên thế giới và theo khuyến cáo của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) mà nước ta là thành viên”, Tổng cục KTTV đánh giá và cho rằng, các số liệu quan trắc chưa đáp ứng được số liệu đầu vào cho các mô hình dự báo số trị; đặc biệt công tác dự báo, cảnh báo thiên tai trên biển, những vùng thường xuyên xảy ra thiên tai.

Ngoài ra, để đảm bảo tính bền vững và hiệu quả của Quy hoạch cũng như tính đồng bộ, hiện đại của mạng lưới thì việc lựa chọn công nghệ, chùng loại thiết bị quan trắc phù hợp với vị trí lắp đặt trạm cũng như việc ứng dụng công nghệ viễn thám vào quan trắc các yếu tố KTTV đã và đang đặt ra nhiều thách thức với công tác quy hoạch của ngành KTTV quốc gia.

Những tồn tại, hạn chế đó đòi hỏi sự đầu tư, nghiên cứu, rà soát, đánh giá toàn diện; từ đó tiếp tục bổ sung, hoàn thiện Quy hoạch mạng lưới trạm KTTV quốc gia.

Quy hoạch mạng lưới trạm KTTV quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là cơ sở, tiền đề quan trọng thúc đẩy hoạt động KTTV phát triển, phục vụ hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai, ứng phó với BĐKH, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia.

Theo Báo TN&MT 

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: