Các tỉnh miền Trung đề cao cảnh giác với bão số 13

Đăng ngày: 14-11-2020 | Lượt xem: 1155
Ngày 14/11, các tỉnh, thành phố ở khu vực miền Trung từ Quảng Trị đến Quảng Nam khẩn trương di dời dân vùng xung yếu đến nơi an toàn, đảm bảo cuộc sống người dân nơi sơ tán.

Tối 14/11, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Nguyễn Hoàng Hiệp làm trưởng đoàn đã đến kiểm tra công tác phòng chống bão số 13 tại Quảng Trị.

Đoàn đã đến kiểm tra công tác đi dời, sơ tán dân tại xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ. Hiện nay xã này đã di dời gần 80  hộ dân với 240 nhân khẩu có nhà không kiên cố đến 2 điểm trường tiểu học và trung học cơ sở, chủ yếu là người già, phụ nữ và trẻ em. Việc ăn ở được chính quyền địa phương chăm lo chu đáo để người dân yên tâm tránh bão. Đây là địa bàn vùng trũng nằm cạnh sông Hiếu, có nguy cơ ngập sâu khi hoàn lưu bão gây mưa lớn.

Các lực lượng giúp ngư dân xã Phong Hải, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế đưa thuyền lên bờ tránh bão 13.

Được biết, toàn huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị đã sơ tán 1.500 hộ dân với trên 3.400 nhân khẩu để phòng tránh bão số 13. Ông Nguyễn Hoàng Hiệp lưu ý người dân tuân thủ các chỉ đạo di dời, ứng phó thiên tai của chính quyền để đảm bảo an toàn tính mạng. Tại cảng thương mại Cửa Việt, ông Nguyễn Hoàng Hiệp yêu cầu tỉnh Quảng Trị quán triệt không để người dân ở lại trên tàu khi bão đổ bộ, tuyệt đối di dời người dân tại các tàu cá, lồng bè nuôi trồng thủy sản.

Tỉnh Quảng Trị khuyến cáo người dân không ra khỏi nhà bắt đầu từ 18h ngày 14/11 cho đến khi có thông báo mới. Đến 18h chiều 14/11, tỉnh Quảng Trị đã triển khai sơ tán hơn 12.200 hộ dân với trên 35.000 người đến nơi an toàn tránh trú bão.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu: "Mặc dù Quảng Trị đã rất chủ động nhưng tôi đề nghị không chủ quan. Tại những địa điểm có nguy cơ sạt lở, tiếp tục tổ chức quan trắc, quan sát và di dân bất cứ lúc nào. Tiếp tục rà soát lại các địa điểm, đặc biệt tại những địa điểm người dân tránh trú bão để bảo đảm an toàn".

Tại huyện đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị, đến nay trời tiếp tục mưa to, gió giật mạnh cấp 9, cấp 10, sóng biển cao. Địa phương này tuy dân số ít nhưng cũng đã chủ động di rời bà con đến đường hầm lãnh nạn của Ban Chỉ huy quân sự Huyện đảo. Trung tá Phan Văn Phương, Chính trị viên Ban Chỉ huy quân sự huyện Đảo Cổn Cỏ, tỉnh Quảng Trị cho biết, đơn vị cũng chủ động được lương khô và nước sẵn sàng trong trường hợp sóng to gió lớn bị chia cắt dài ngày: "Chiều 14/11, căn cứ thời tiết sẽ cơ động người dân cũng như 1 số lực lượng vũ trang trừ những đơn vị trực. Bộ phận ở lại trực thì ở bên ngoài những nhà kiên cố còn lại sẽ cơ động dân vào đường hầm của quân đội ở tại điểm cao 37 của đảo Cồn Cỏ để đảm bảo tránh trú bão".

Cây ngã đổ đề lên xe tải ở phường Tứ Hạ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Còn tại tỉnh Thừa Thiên Huế, đến tối 14/11, các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh đã thực hiện di rời, sơ tán hơn 22.000 hộ dân với hơn 74.000 nhân khẩu đến nơi an toàn tránh trú bão số 13. Các địa phương thực hiện di dời, sơ tán dân tập trung nhiều ở khu vực các huyện ven biển như Phú Lộc, Phú Vang, Phong Điền. Hiện, các địa phương ven biển Thừa Thiên Huế đang có mưa to, gió lớn.

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng yêu cầu người dân không ra đường kể từ 12h này 14/11. Lực lượng dân quân tự vệ cũng hỗ trợ người dân giằng chống nhà cửa và sơ tán đến nơi an toàn tránh trú bão. UBND tỉnh đã yêu cầu các chủ các hồ chứa thủy lợi, thủy điện thực hiện nghiêm túc việc vận hành các hồ chứa nước để đưa dần về mực nước thấp nhất đón lũ theo quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hương. Hiện nay, các hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện đang vận hành đảm bảo an toàn.

Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không; bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông các khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính; nghiêm cấm các phương tiện giao thông lưu thông khi mưa lũ, gió mạnh xảy ra.

Ông Đặng Văn Hòa, Phó Chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: "Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, công tác tổ chức di dời dân, đã di dời được 22, 348 hộ với 73. 940 khẩu  đến khu vực an toàn để tránh bão. Lực lượng công an, quân đội theo chỉ đạo của tỉnh theo phương châm 4 tại chỗ đặc biệt là các khu vực tại các địa bàn thấp trũng cũng như các huyện theo phân công của các địa phương đã sẳn sàng để giúp dân".

Tại thành phố Đà Nẵng, cả ngày 14/11, chính quyền các địa phương dùng loa đi kêu gọi, yêu cầu chủ tàu thuyền lên bờ sau khi đã chằng néo chắc chắn. Trên đất liền, các quận Liên Chiểu, Sơn Trà, Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn... đi từng ngõ, gõ từng nhà vận động, đưa bà con đến nơi tránh trú. Tại quận Cẩm Lệ, nơi có khu công nghiệp Hòa Cầm với hàng vạn lao động ở trọ tại các nhà không đảm bảo an toàn đã được đưa đến nơi tránh trú ở Trường học kiên cố. Chị Nguyễn Hoàng Nhi, công nhân ở Khu Công nghiệp Hòa Cầm cho biết, gia đình chị có con nhỏ 1 tuổi lại ở nhà trọ nên rất lo, nay đến điểm sơ tán này mới tạm yên tâm.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp thăm hỏi người dân ở nơi sơ tán tránh bão số 13. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp thăm hỏi người dân ở nơi sơ tán tránh bão số 13.

Còn tại tỉnh Quảng Nam, hiện nay địa phương đang tập trung quản lý và chăm lo nơi ăn ở cho hơn 18 ngàn hộ dân, đặc biệt là số 4.000 hộ di dời tập trung. Lo lắng nhất của chính quyền và nhân dân tỉnh này là mưa lớn sẽ lại gây sạt lở và ngập lụt diện rộng. Từ chiều nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có mưa lớn khiến nhiều tuyến đường ở khu vực miền núi tỉnh Quảng Nam bị sạt lở trở lại và có nguy cơ tiếp tục sạt lở thêm. Cụ thể, đường Trường Sơn Đông ách tắc đường tại 5 vị trí. Trên Quốc lộ 40B đoạn qua xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam, lực lượng chức năng đã rào chắn 2 đầu không cho người và phương tiện qua lại để tránh tiếp tục sạt lở nguy hiểm đến tính mạng.

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, tỉnh chỉ đạo tăng cường theo dõi lượng mưa, lượng nước về các hồ chứa thủy điện trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn để có phương án điều tiết hợp lý: "Đêm 14/11 hoặc chậm nhất đến 5h sáng 15/11, tất cả các hồ thủy điện ở trên thượng nguồn của Thu Bồn - Vu Gia đưa mực nước hồ thủy điện về mực nước cao nhất trước lũ. Căn cứ mực nước dưới hạ du cộng với tình hình lũ về nguồn để điều tiết tùy tình hình, nếu  mưa lớn sẽ tiếp tục giảm tiếp xuống đến mức lũ thấp nhất"./.

Theo vov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: