Cần biện pháp ứng phó phù hợp với thiên tai dị thường

Đăng ngày: 04-04-2022 | Lượt xem: 1592
Đợt mưa to bất thường kèm dông lốc, gió mạnh trong mấy ngày qua tại các tỉnh Trung Bộ (từ Quảng Trị đến Khánh Hòa) đã gây thiệt hại nặng nề, làm hai người chết, một người mất tích, hai nhà bị sập, 49 nhà tốc mái, hơn 2.500 lồng bè nuôi tôm hùm thiệt hại, 229 thuyền bị chìm, hơn 88.000 ha lúa, gần 15.000 ha hoa màu bị ngập, hư hỏng...

Lũ lớn trên sông Hiếu gây ngập diện rộng tại khu vực xã Thanh An, huyện Cam Lộ và phường Đông Giang, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị. (Ảnh: TTXVN)

Theo đánh giá của Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường), đợt mưa lớn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hiện tượng La Nina này là dị thường, vượt kỷ lục trong nhiều năm (khi so sánh các đợt mưa trong tháng 3). Mặt khác, yếu tố bất thường của đợt mưa lớn ở miền trung là xảy ra vào đầu mùa khô, mặc dù đã được dự báo, cảnh báo rất sớm, nhưng vẫn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.

Ngay sau đợt mưa lớn bất thường tại các tỉnh Trung Bộ, ngày 2/4, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện hỏa tốc số 298/CĐ-TTg về việc tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ bất thường tại khu vực miền trung.

Mùa mưa, lũ, bão năm nay chuẩn bị đến, ngoài việc chủ động mọi phương án phòng, chống với các loại hình thiên tai thông thường cần có những biện pháp đặc thù, hữu hiệu để giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do các loại hình thiên tai cực đoan, dị thường. Thực tế đã chứng minh, dự báo thiên tai càng sớm, càng chính xác thì thiệt hại sẽ càng được giảm. Chính vì vậy, rút kinh nghiệm từ đợt mưa lớn bất thường tại các tỉnh miền trung những ngày qua, thiết nghĩ, công tác cảnh báo cần cụ thể hơn.

Trước đó vào ngày 28/3, các cơ quan khí tượng-thủy văn của Trung ương đã có chỉ đạo, cảnh báo tới các địa phương, tuy nhiên, đối với ngư dân vẫn có yếu tố bất ngờ, bởi đã bước vào mùa khô và đang là đầu vụ đánh bắt nhưng lại gặp một đợt mưa rất lớn, gió lốc khiến người dân không kịp trở tay, dẫn đến thiệt hại nặng hơn cả một cơn bão cấp 11-12. Nói như vậy để thấy mức độ thiệt hại của thời tiết cực đoan dị thường còn lớn hơn nhiều so với những cơn bão mạnh.

Do đó, công tác dự báo ngoài tính nhanh, chính xác, thì cần cụ thể hơn, cần có những nghiên cứu hiện tượng thời tiết này để cảnh báo sớm. Nội dung cảnh báo phải làm rõ được gió cấp mấy, đường đi của gió như thế nào, có gió xoáy, lốc hay không. Từ dự báo, chính quyền địa phương sẽ chủ động, làm tốt hơn công tác thông tin, chuyển tải sớm đến ngư dân và như vậy mới giảm được thiệt hại do thiên tai cực đoan gây ra.

Trong đợt mưa bất thường tại các tỉnh miền trung, thiệt hại kinh tế lớn nhất chủ yếu là thiệt hại về lồng bè nuôi trồng thủy sản. Ngoài nguyên nhân do mưa to, sóng lớn, còn do việc nuôi tôm chưa tuân thủ quy hoạch, các lồng nuôi ở mức độ quá dày, khi gió xoáy các lồng sẽ va chạm vào nhau gây nhiều thiệt hại. Mặt khác, vật liệu làm lồng nuôi chưa chống chịu được thiên tai.

Chính vì vậy, thời gian tới, các ngành chức năng cần nghiên cứu tìm ra loại vật liệu thay thế, chịu được gió bão để làm lồng nuôi mới, từ đó người dân mới yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế.

TIẾN ĐẠT

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/cung-suy-ngam/can-bien-phap-ung-pho-phu-hop-voi-thien-tai-di-thuong-691832/

 

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: