Khái niệm về EL Nino và LA Nina
Hiện nay không chỉ Việt Nam, mà cả thế giới rất quan tâm đến sự nóng lên toàn cầu. Hiện tượng này là do sự biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, làm cho thời tiết thay đổi thất thường với những diễn biến phức tạp, khó lường, như: Băng tan nhanh làm nước biển dâng cao, nhiệt độ không khí tăng cao đột xuất, mưa xối xả, gió bão mạnh xuất hiện không theo quy luật… Nói tóm lại, những năm gần đây hiện tượng thời tiết xuất hiện mang tính cực đoan, khó lường.
Với những hiện tượng khí hậu nói trên, các nhà khoa học đã và đang nghiên cứu để tìm ra nguyên nhân và họ chú ý đặc biệt đến EL Nino và La Nina.
Vậy EL Nino và La Nina là gì? Năm 1920 nhà khoa học người Anh, tên là Gibert, ông là người đầu tiên phát hiện ra mối quan hệ khí áp ở phía Đông và phía Tây Thái Bình Dương, ông gọi đó là dao động Nam bán cầu (Southem Oscillation). Ông nhận thấy khí áp phía Đông Thái Bình Dương giảm có liên quan đến hạn hán. Từ đó, hình thành khái niệm EL Nino ra đời. EL Nino là kết quả tương tác giữa khí quyển và đại dương, mà thể hiện chủ yếu là hoàn lưu giữa khí quyển với nhiệt độ nước biển trên bề mặt ở khu vực xích đạo Thái Bình Dương.
Ảnh minh họa về El Nino. Ảnh: Internet
Sự xuất hiện của hiện tượng EL Nino biểu hiện sự dao động trong cơ chế của khí hậu toàn cầu và EL Nino được gọi là pha nóng thường được dùng trong các văn bản khi nói về thời tiết.
La Nina được gọi là pha lạnh, là hiện tượng lớp nước biển bề mặt ở khu vực nói trên lạnh đi dị thường xảy ra với chu kỳ tương tự hoặc thưa hơn EL Nino.
Để thể hiện sự ngược nhau giữa 2 hiện tượng EL Nino và La Nina, người ta dùng khái niệm Anti - EL Nino (đối EL Nino). Hiện tượng La Nina có thể xuất hiện ngay sau khi hiện tượng EL Nino suy yếu.
Ngoài ra, còn có hiện tượng ENSO, là chữ viết tắt của các từ ghép EL Nino Southern Oscillasion (EL Nino dao động Nam) để chỉ sự liên quan của 2 hiện tượng EL Nino và La Nina.
Theo dự báo của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cho biết, nhiệt độ không khí năm 2023 sẽ là năm cao nhất so với các năm trước đây, nắng nóng sẽ gay gắt, ẩm độ không khí thấp, trời ít mưa, hạn hán sẽ xảy ra trên quy mô lớn, nước mặn ở biển sẽ dâng sâu vào ở vùng thấp. Tất cả là do hiện tượng EL Nino quay trở lại xuất hiện sớm hơn các năm trước đây và với cường độ hoạt động khá mạnh mang tính cực đoan, xuất hiện nhanh, ít có sự giao thoa chuyển mùa như ngày xưa.
Trong nước, theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, mùa Hè năm nay nắng nóng, nhiệt độ không khí cao hơn từ 0,5 - 10C so với trung bình nhiều năm và đến sớm hơn, trời lại rất ít mưa so với các năm trước đây.
Nguy cơ nắng nóng, hạn mặn gay gắt ở Nghệ An
Tại Nghệ An, ngày 22/3 nắng nóng gay gắt và nhiệt độ không khí ở các huyện Tương Dương lên đến 420C, Nghĩa Đàn 410C. Tiếp đến ngày 18/4, nhiệt độ không khí tại các địa phương nói trên lên đến trên 420C và lần gần đây là vào ngày 6/5, tại Tương Dương nhiệt độ không khí lên xấp xỉ 440C.
Theo dự báo của ngành Khí tượng Thủy văn, những tháng tới nắng nóng còn xảy ra gay gắt hơn, nhiệt độ không khí sẽ tăng cao hơn nữa, trời gần như không có mưa, hạn và mặn sẽ càng nghiêm trọng hơn.
Hạn hán đầu mùa ở huyện Quế Phong. Ảnh: Văn Trường
Trong khi đó, lượng nước trong số 1.061 hồ, đập lớn, nhỏ ở tỉnh ta những tháng vừa qua do không có mưa và phải phục vụ nước tưới cho vụ xuân nên lượng nước dự trữ giảm mạnh.
Theo số liệu của Chi cục Thủy lợi Nghệ An cho biết, tính đến hết tháng 3/2023, trong số 102 hồ do các doanh nghiệp thủy lợi quản lý chỉ có 4 hồ đầy nước, cùng kỳ năm 2022 là 12 hồ; 56 hồ có dung lượng nước đạt từ 70% trở lên so với dung tích thiết kế, cùng kỳ năm 2022 là 65 hồ. Các hồ còn lại lượng nước trong hồ không đáng kể.
Số hồ, đập do các địa phương quản lý là 959 hồ, chỉ có 26 hồ, đập đầy nước, 933 hồ còn lại lượng nước trong hồ ở mức từ 40% trở xuống so với dung tích thiết kế.
Hồ Thủy điện Bản Vẽ là hồ chứa nước lớn nhất tỉnh Nghệ An, với dung tích thiết kế là 1,8 tỷ m3 nước. Nhưng tính đến ngày 14/4/2023, dung tích hiện tại là 951,32 triệu m3 nước, đạt dưới 59,9% so với dung tích thiết kế. Nếu tính đến đầu tháng 5 này, lượng nước trong các hồ, đập không còn như số liệu nói trên, do nắng nóng và phải xả nước phục vụ lúa xuân thời kỳ trổ, ngậm sữa và chín.
Trên các sông, suối, lưu lượng nước cũng đã cạn. Đặc biệt, ở trên sông Lam là con sông lớn và dài nhất tỉnh, hàng chục trạm bơm điện đang được đặt để lấy nước phục vụ cho nhu cầu dân sinh xã hội, trong đó, chủ yếu là sản xuất nông nghiệp.
Không những lưu lượng nước trên các sông, suối giảm mạnh, mà nước mặn ở các cửa sông ven biển dâng cao lên, thâm nhập sâu vào đất liền nhiều km, nhất là sông Lam. Rõ ràng nguy cơ nắng nóng, hạn, mặn gay gắt đang gây ra nhiều khó khăn không riêng gì cho sản xuất nông nghiệp mà cả mọi sinh hoạt của xã hội và sức khỏe của con người.
Tính đến thời điểm này, sản xuất vụ xuân đã chuẩn bị vào mùa thu hoạch. Những ảnh hưởng do thời tiết gây ra không đáng kể cho sản xuất vụ xuân và dự kiến sẽ là vụ cho thu nhập khá.
Đối với vụ sản xuất hè thu - mùa năm nay, toàn tỉnh phấn đấu gieo cấy 81.500 ha lúa, trong đó, có 58.000 ha lúa hè thu và 23.500 ha lúa mùa. Theo nhận định của các nhà khoa học và chuyên gia về khí tượng và nông nghiệp cho rằng, đây là một vụ sản xuất sẽ gặp rất nhiều khó khăn do nắng nóng, hạn, mặn xảy ra gay gắt. Vì vậy, phải chủ động chống hạn tổng hợp các giải pháp để giảm thiểu các thiệt hại do hạn hán gây ra./.
Doãn Trí Tuệ