Đây là đợt thiên tai nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt có quy mô rộng lớn, cường độ mạnh và thời gian kéo dài nhiều ngày liên tiếp do ảnh hưởng của gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn kết hợp địa hình kèm với trường phân kỳ trên cao. Trên ảnh mây vệ tinh quan sát có thể thấy, không một gợn mây kéo dài suốt từ Bắc Bộ xuống tận tỉnh Bình Thuận.
Trong đợt nắng nóng này, tại Bắc Bộ và Trung Bộ bắt đầu xuất hiện nắng nóng từ ngày 25/7, số ngày xảy ra nắng nóng tính cho đến hôm nay đã là 14 ngày. Nhiều nơi đã ghi nhận mức nhiệt cao kỷ lục của tháng 8 trong nhiều năm qua. Tại thành phố Lào Cai, Bắc Mê (Hà Giang), Bảo Lạc (Cao Bằng) 39.5 độ; Đà Nẵng 40 độ; Tam Kỳ (Quảng Nam) 40.5 độ; Quảng Ngãi 40.1 độ; Bình Định, Phú Yên 40 độ; Cam Ranh (Khánh Hoà) 39.7 độ.
Với nhiệt độ như vậy thì rất nhiều tỉnh thành đều đã xuất hiện nhiệt độ cao kỷ lục của tháng 8; như Lào Cai mức nhiệt 39.5 đã vượt qua kỉ lục 38.9 độ ngày 18/8/2016; Lạng Sơn nhiệt độ ngày 5/8/2021 à 37.7 độ cũng vượt qua kỉ lục 37.0 độ ngày 22/8/1990; hay ở Hà Đông (Hà Nội) mức nhiệt 39.0 độ ngày 6/8/2021 cũng đã vượt qua kỉ lục 38.5 độ ngày 13/8/2019;
Ở miền Trung, Thành phố Đà Nẵng ghi nhận nhiệt độ ngày 5/8/2021 là 39.7 độ, vượt qua mức kỉ lục 39.5 độ ngày 15/8/1977; còn ở Thành phố Quảng Ngãi ngày 1/8/2021 nhiệt độ là 40.1 độ đã vượt qua kỉ lục 39.9 độ của ngày 19/08/2019.
Theo dự báo mới nhất trong 10 ngày tới, đợt nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt có quy mô lớn này còn có khả năng sẽ kéo dài và tiếp tục duy trì thêm. Tại Bắc Bộ ngày 10-11/8 nắng nóng diện rộng có khả năng chấm dứt, từ ngày 12/8 khả năng nắng nóng xuất hiện trở lại trên khu vực Đồng Bằng Bắc Bộ; riêng Trung Bộ nắng nóng vẫn sẽ tiếp diễn nhiều ngày chưa có dấu hiệu dừng (ít nhất cho đến giữa tháng).
Sự nóng lên toàn cầu, biến đổi khí hậu đang là một trong những nguyên nhân khiến các thiên tai Khí tượng Thủy văn xảy ra ngày càng khốc liệt hơn, dồn dập hơn và không theo quy luật.
Tạp chí Khí tượng Thủy văn