Cảnh báo sớm, hành động sớm - Bài 1: Nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo thiên tai

Đăng ngày: 11-07-2022 | Lượt xem: 2343
Biến đổi khí hậu ngày càng rõ ràng và xảy ra ở mọi nơi trên thế giới, tác động tới mọi hoạt động của tự nhiên và con người. Sự dị thường của khí hậu xảy ra nhiều hơn. Những đợt nắng nóng, hạn hán và cháy rừng xảy ra ngày càng khắc nghiệt. Tuy nhiên, 1/3 dân số thế giới hiện nay vẫn chưa được tiếp cận đầy đủ các thông tin dự báo, cảnh báo sớm.

Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) thực hiện hai bài viết đề cập về tính cấp thiết trong cảnh báo sớm và hành động sớm về phòng, chống thiên tai, từ đó đưa ra những giải pháp thiết thực trong công tác cảnh báo sớm, hành động sớm để giảm nhẹ rủi ro thiên tai.

Bài 1: Nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo thiên tai

Những năm qua, mạng lưới trạm khí tượng thủy văn được phát triển đã giúp cho công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thuỷ văn có chuyển biến rõ dệt về cả lượng và chất cũng như đa dạng hóa hình thức thông tin hướng tới từng đối tượng sử dụng. 

Sản phẩm dự báo kịp thời, hiệu quả

Chú thích ảnh

Trạm khí tượng hải văn Trường Sa Lớn. Ảnh: vietnam.vnanet.vn

Mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia gồm các trạm khí tượng thủy văn và trạm giám sát biến đổi khí hậu, thực hiện quan trắc khí tượng thủy văn, giám sát biến đổi khí hậu có hệ thống, liên tục, ổn định, lâu dài. Hiện tại Tổng cục Khí tượng Thủy văn đang có 1719 trạm, điểm đo khí tượng thủy văn trên toàn quốc.

Mạng lưới trạm khí tượng thủy văn chuyên dùng thực hiện quan trắc khí tượng thủy văn theo mục đích riêng do bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân xây dựng, quản lý và khai thác theo quy định của pháp luật. Hiện đang có 433 trạm quan trắc và cung cấp thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn (thuộc danh sách bắt buộc) cùng với hơn 1000 trạm khí tượng thủy văn khác (thuộc danh sách tự nguyện) đang hoạt động, chịu sự quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn Trần Hồng Thái, hệ thống quan trắc ngành Khí tượng Thủy văn nói riêng và ngành Tài nguyên và Môi trường nói chung phải được phát triển. Đó là cơ sở dữ liệu phải được xây dựng tập trung để phục vụ nhân dân tốt hơn. Công nghệ dự báo, sản phẩm dự báo phải đến với cộng đồng, bằng mọi cách để đến được người dân làm sao cho kịp thời, hiệu quả.

Tại Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ, với địa bàn quản lý rộng bao gồm 3 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Đài quản lý mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia trên khu vực có số lượng lớn với 23 trạm khí tượng bề mặt, 33 trạm thủy văn, 1 trạm rada thời tiết, 1 trạm thám không vô tuyến, 4 trạm khí tượng nông nghiệp, 3 trạm khí tượng hải văn, 10 điểm kiểm soát môi trường không khí và nước; hệ thống trạm khí tượng thủy văn tự động có số lượng trạm tương đối lớn được phân bố đều trên khắp khu vực gồm có: 90 điểm đo mưa, 23 trạm khí tượng, 17 trạm thủy văn, 3 trạm hải văn, 3 trạm quan trắc định vị sét, 1 trạm lấy mẫu bụi không khí đô thị và 1 trạm môi trường sinh thái.

Trong những năm qua, Đài đã duy trì và phát triển hệ thống mạng lưới trạm quan trắc khí tượng thủy văn theo hướng hiện đại hóa, không ngừng củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động hệ thống mạng lưới quan trắc đáp ứng phục vụ kịp thời cho công tác dự báo khí tượng thủy văn cho các cấp chính quyền và người dân trên khu vực.

Nhận xét về thông tin dự báo, cảnh báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ, ông Hứa Hồng Sim, người dân thành phố Vinh, Nghệ An cho biết, khí hậu miền Trung mưa nắng thất thường nên việc dự báo thời tiết của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ  kịp thời, chính xác đã giúp người dân chủ động ứng phó với các hiện tượng thời tiết nguy hiểm, từ đó biết cách phòng tránh thiên tai cho chính mình và cả gia đình, bảo vệ được tính mạng, tài sản, góp phần giảm thiểu thiệt hại thiên tai.

Với dự báo khí tượng hạn ngắn, Đài Khí tượng Thủy văn Bắc Trung Bộ đang sử dụng phần mềm hiển thị ảnh mây vệ tinh phân giải cao của Nhật Bản đã được tích hợp thêm sản phẩm mô hình dự báo, ảnh radar thời tiết, số liệu quan trắc khí tượng bề mặt, phân định các loại mây. Hệ thống thu thập, xử lý số liệu và dự báo khí tượng chuyên ngành được cung cấp bởi Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia; hệ thống bản đồ số hóa theo dõi lượng mưa tự động toàn quốc. Sản phẩm dự báo, cảnh báo áp thấp nhiệt đới, bão của các trung tâm khí tượng uy tín trên thế giới. Chất lượng dự báo được nâng lên đã mang lại hiệu quả rõ ràng trong giảm thiểu thiệt hại thiên tai.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt, thiên tai thời tiết diễn biến không theo quy luật, việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao được Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ xem làm một trong những giải pháp đột phá nhằm nâng cao chất lượng dự báo. Cùng với việc nâng cao trình độ chuyên môn cán bộ nhân viên Đài cũng chú trọng đầu tư thiết bị, công nghệ quan trắc, thu thập và xử lý số liệu tự động đối với mạng lưới trạm khí tượng bề mặt, khí tượng trên cao, thủy văn, hải văn.

Phó Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ Nguyễn Xuân Tiến chia sẻ: "Đối với công tác dự báo thủy văn, hiện chúng tôi đang sử dụng bộ mô hình MIKE của Đan Mạch, HEC của Mỹ, IFASS của Nhật Bản để dự báo lũ, ngập lụt, xâm nhập mặn. Đồng thời, chúng tôi cũng tự xây dựng được một số chương trình để tự dự báo lũ phục vụ cho vận hành liên hồ chứa sông Mã, sông Cả."

Để nâng cao chất lượng cảnh báo, dự báo, thời gian tới Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ chủ động xây dựng mạng lưới quan trắc mạng lưới khí tượng thủy văn tự động đủ dày, kể cả phần hứng nước của lưu vực sông Cả và Mã thuộc lãnh thổ Lào; trang bị máy tính có tốc độ cao để xử lý các mô hình số được nhanh chóng; nhận chuyển giao các nghiên cứu về ứng dụng các mô hình tiên tiến từ Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia và các Trung tâm có uy tín trên thế giới. Đồng thời, nghiên cứu khai thác dữ liệu ra đa Vinh trong việc quan trắc mưa ở vùng sâu, vùng xa, nơi có mạng lưới quan trắc thưa hoặc chưa có.

Nâng cao năng lực dự báo biển

Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Trung Trung Bộ chính thức thực hiện nhiệm vụ dự báo các yếu tố hải văn từ năm 2018. Đến nay, Đài đã làm chủ được các mô hình dự báo hải văn, khai thác sử dụng ảnh mây vệ tinh, sản phẩm radar thời tiết và các phần mềm hỗ trợ dự báo như công cụ SmartMet. Điều này giúp dự báo sóng biển với thời hạn 10 ngày trên vùng biển gần bờ và ngoài khơi, và kịp thời dự báo, cảnh báo nước dâng do bão, triều cường.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Dự báo viên, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Trung Trung Bộ cho hay: Với các mô hình có độ phân giải cao và chi tiết cho vùng ven bờ và vùng ngoài khơi thì cho ra kết quả tính toán sát và phù hợp hơn so với những công nghệ trước mà chúng tôi từng áp dụng.

Miền Trung, trong đó có thành phố Đà Nẵng là khu vực thường xuyên phải hứng chịu thiên tai, bão lũ hàng năm… Tác động của biến đổi khí hậu khiến cho các trận bão, lũ quy mô lớn, diễn biến phức tạp xuất hiện ngày càng nhiều. Chính vì thế, theo dõi liên tục các bản tin dự báo thời tiết, dự báo biển của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Trung Trung Bộ, hay "Trực canh" theo cách gọi dân dã của ngư dân miền Trung là việc quan trọng hàng đầu trong mọi chuyến ra khơi. 

Ông Đoàn Minh Nhanh, ngư dân Đà Nẵng cho biết: Trực canh là báo cho mình biết trong 12 giờ tới thời tiết trên biển như thế nào, từ đó bản thân có thể chủ động có ra khơi hay không, việc này rất tốt cho ngư dân.

Cùng với đó, việc gia tăng mật độ trạm, hiện đại hoá công nghệ quan trắc, truyền tin, công nghệ dự báo; không ngừng nâng cao trình độ của dự báo viên là những giải pháp cốt lõi để nâng cao nghiệp vụ dự báo khí tượng thủy văn. Từ đó, giúp cho chính quyền các địa phương và người dân chủ động ứng phó, giảm nhẹ thiệt hại khi xảy ra thiên tai.

Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng Lê Văn Tuyến khẳng định: Đài Khí tượng Thủy văn Trung Trung Bộ thường xuyên cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ qua các đường mail, zalo, điện thoại, đáp ứng được yêu cầu để chúng tôi tham mưu cho lãnh đạo ban chỉ huy, lãnh đạo thành phố.

Trong thời gian tới, Đài Khí tượng Thủy văn Trung Trung Bộ tiếp tục tập trung vào ứng dụng công nghệ dự báo hiện đại, nghiên cứu cảnh báo sóng lớn, ngập lụt ven biển do nước dâng, phát triển công cụ hỗ trợ dự báo viên phân tích bản đồ số.

Phó Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Trung Trung Bộ Lê Viết Xê thông tin, Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã có dự án hợp tác với Nhật Bản, việc khảo sát  đã xong và  khả thi để chuẩn bị lắp đặt thiết bị dự báo đo sóng biển ven bờ và các đảo của Việt Nam, trong đó khu vực Trung Trung bộ có đảo Cồn Cỏ và Lý Sơn. Chúng tôi sẽ có công nghệ đo sóng bằng phương pháp radar đầu tiên ở Việt Nam, điều này rất thiết thực và ý nghĩa trong công tác dự báo hải văn biển của Đài.

Việc đầu tư, nghiên cứu phát triển công nghệ dự báo, trong đó có dự báo hải văn đã cung cấp kịp thời, chính xác thông tin diễn biến khí tượng thủy văn- thiên tai, góp phần vào nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, đặc biệt là công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.

Thắng Trung - Tá Chuyên - Minh Thanh - Vỹ Thi (TTXVN)

Nguồn : https://baotintuc.vn/xa-hoi/canh-bao-som-hanh-dong-som-bai-1-nang-cao-nang-luc-canh-bao-du-bao-thien-tai-20220710071402836.htm

 

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: