Chủ động lo sinh kế khi lũ về thấp

Đăng ngày: 09-08-2021 | Lượt xem: 1855
Trước dự báo mùa lũ năm nay sẽ tiếp tục ở mức thấp, các ngành chức năng tại ĐBSCL đã giúp người dân bỏ tư tưởng trông chờ vào chim trời, cá nước để thay vào đó bằng các mô hình sinh kế phù hợp điều kiện khí hậu

Ông Lương Huy Khanh - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi kiêm Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh An Giang - cho biết tháng 6 là thời kỳ bắt đầu mùa lũ.

Tổng lượng dòng chảy sông Mê Kông về đầu nguồn sông Cửu Long gia tăng và ở mức tương đương trung bình nhiều năm. Thời kỳ đầu mùa lũ, mực nước trên các sông, kênh thuộc tỉnh An Giang sẽ còn chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều và sẽ tăng chậm nên ít có khả năng xuất hiện lũ sớm.

Mưa ít, thủy điện lại chặn dòng

Đến ngày 6-8, mực nước ở đầu nguồn sông Tiền tại Tân Châu chỉ đạt 0,78-1,64 m và trên sông Hậu tại Châu Đốc cũng chỉ dao động 0,51-1,58 m. Nguyên nhân là do tổng lượng mưa trong tháng 7 và 8 thấp hơn trung bình nhiều năm. Đỉnh lũ năm nay được dự báo sẽ xuất hiện vào đầu tháng 10 và ở mức báo động II cho cả đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu và khu vực nội đồng Tứ giác Long Xuyên.

Nhiều nông dân ở tỉnh An Giang và tỉnh Đồng Tháp đã chủ động nuôi lươn không bùn trong bể để tăng thu nhập .Ảnh: TÂM MINH

ThS Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập nghiên cứu về sinh thái ĐBSCL, phân tích: Đầu mùa mưa năm nay, các đập đã giữ lại phần lớn lượng mưa đầu mùa làm cho khởi đầu của mùa lũ 2021 rất thấp so với điều kiện tự nhiên. Thông tin của dự án theo dõi đập thủy điện Mê Kông (MDM) và dữ liệu của Ủy hội Mê Kông quốc tế (MRC) cập nhật đến ngày 11-7 đã khẳng định điều này. Các đập thủy điện thượng nguồn đã làm giảm dòng chảy lũ của dòng chính sông Mê Kông vào đầu mùa lũ 2021.

Theo đó, tại Chiangsean (biên giới Lào - Trung Quốc), dòng chảy thấp hơn 48,4% so với điều kiện tự nhiên; tại Vientiane - Lào thì thấp hơn 9,18% so với dòng chảy tự nhiên. Các đập ở Trung Quốc như Manwan, Huangdeng, Jinghong đã bắt đầu tích nước từ giữa tháng 7, trong khi đập Nuozhadu vẫn xả nước. Dự án MDM cho biết từ giữa tháng 7 đến giữa tháng 8 sẽ là giai đoạn tích nước chính cho tất cả các đập trong lưu vực, sau đó sẽ xả để phát điện nếu có đủ lượng mưa.

Mực nước đoạn sông Mê Kông ở Lào - Đông Bắc Thái Lan từ biên giới Lào - Trung Quốc đến Vientiane vì gần các đập Trung Quốc nên sẽ rất nhạy với sự vận hành đóng/mở của các đập ở đoạn Trung Quốc. Đối với ĐBSCL, sự vận hành của các đập Trung Quốc có ảnh hưởng nhưng ít hơn vì phần lớn nước về ĐBSCL do ảnh hưởng mưa ở tả ngạn sông Mê Kông, nhất là ở Lào.

Nhiều mô hình sinh kế

Ông Trần Anh Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh An Giang, cho biết trong những năm gần đây, nước lũ thường về muộn và ở mức thấp nên nguồn lợi thủy sản cũng không còn phong phú. Từ đó, người dân chuyên sống bằng nghề khai thác thủy sản gặp rất nhiều khó khăn.

Để giải quyết vấn đề này, trong năm 2020, Chi cục Thủy sản tỉnh An Giang đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai rất nhiều mô hình sinh kế cho người dân nông thôn, như: nuôi tôm càng xanh trên đất lúa tại xã Vĩnh An, huyện An Phú; nuôi cá heo nước ngọt trong ao đất tại xã Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu.

Trong khi đó, người dân tại các huyện Chợ Mới, Tri Tôn, Thoại Sơn và TP Long Xuyên tham gia mô hình nuôi lươn không bùn trong bể lót bạt bằng con giống sinh sản nhân tạo, sử dụng thức ăn công nghiệp kết hợp men vi sinh.

"Ở một số địa phương khác, chúng tôi đã triển khai mô hình nuôi cá Nàng Hai kết hợp cá sặc rằn trong ao đất hoặc nuôi cá chép, cá mè, cá trôi trên ruộng lúa trong mùa lũ. Mô hình nuôi cua, cá lóc, cá lóc bông trên sông giai đoạn mùa lũ cũng được người dân thực hiện tại các huyện Châu Thành, Tri Tôn, Tịnh Biên và An Phú. Các mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập và giải quyết tốt việc làm cho người dân trong thời gian chờ nước rút để làm lúa" - ông Dũng cho biết.

Theo ông Dũng, để tận dụng tốt nguồn lợi tự nhiên, tăng thu nhập cho người dân nông thôn trong mùa lũ năm 2021, Chi cục Thủy sản tỉnh An Giang tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai một số mô hình, như đăng quầng đánh bắt thủy sản dựa trên cộng đồng vào mùa lũ tại 2 ấp của xã Phú Hữu, huyện An Phú với diện tích 20 ha.

Ông Dũng khẳng định: "Sau khi tham gia mô hình này, dự kiến người dân sẽ tăng tối thiểu 20% thu nhập từ khai thác thủy sản so với mô hình truyền thống. Mô hình này thuộc dự án tăng cường khả năng thích ứng và quản lý nước cho vùng thượng nguồn sông Cửu Long tại huyện An Phú do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang làm chủ đầu tư".

Canh tác giảm phân bón, thuốc hóa học

Trong năm 2021, tiểu dự án Nâng cao khả năng thoát lũ và phát triển sinh kế bền vững, thích ứng với khí hậu cho vùng Đồng Tháp Mười (ICRSL Đồng Tháp) đặt ra mục tiêu hơn 16.000 ha thực hiện một trong các biện pháp quản lý đất, nước có tính chống chịu khí hậu (POD2), 75% hộ nông dân vùng dự án (khoảng 14.524 hộ) áp dụng và khoảng 39.483 người được hưởng lợi từ dự án.

Diện tích gieo sạ tối đa 120 kg/ha, giảm ít nhất 10% lượng giống, phân bón, thuốc hóa học/diện tích vùng dự án; 25%-30% diện tích sản xuất lúa/màu vùng dự án đạt đủ điều kiện an toàn thực phẩm...

Về hiệu quả kinh tế, thời gian qua, mặc dù có một số mô hình bị lỗ trong hoạt động nuôi cá, tôm mùa lũ nhưng tổng lợi nhuận mô hình/năm đều tăng so với ngoài mô hình từ 5-44 triệu đồng/ha/năm nhờ giảm lượng giống, phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật. Đa số nông dân tham gia mô hình đều phấn khởi bởi hiệu quả rất khả quan và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trước nguy cơ mực nước lũ năm nay về thấp, ông Lưu Văn Tiến, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tam Nông, cho biết: "Năm nay, mực nước lũ có thể về thấp, địa phương đã lên phương án họp dân tại các xã trong huyện, tích nước để tạo lũ giả nhằm dẫn dụ các loài thủy sản... Cùng với đó, ở những vùng gặp khó khăn, chính quyền sẽ hỗ trợ nông dân làm đê bao lửng để thả các loài cá tự nhiên, kiếm thêm thu nhập trong những ngày lũ chưa về".

Ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến

Theo ông Huỳnh Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, sinh kế mùa lũ là mô hình nông nghiệp lớn của tỉnh được tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện. Trong diễn biến nước lũ ngày càng thất thường, nhiều mô hình gặp khó khăn, các ngành chức năng và địa phương cần đánh giá tính phù hợp của các mô hình, nghiên cứu những loại hình sinh kế mới và xem xét chuyển đổi đối với các mô hình không còn phù hợp.

Ngoài ra, sinh kế mùa lũ nhưng cũng phải ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, không nên đơn thuần dựa vào tự nhiên. Sau khi dự án hoàn thành, cần đúc kết, xây dựng quy trình sản xuất thích ứng, phổ biến cho nông dân áp dụng và nhân rộng.

La Nina có thể kéo dài

Ngoài vấn đề làm chậm thời gian đầu mùa lũ của các đập thủy điện thì tình hình thời tiết liên quan đến chu kỳ ENSO mới là yếu tố quyết định lượng nước về ĐBSCL. Theo thông tin của Trung tâm Dự báo khí tượng Mỹ cập nhật đến ngày 2-8, hiện nay đang trong tình trạng ENSO trung tính và cảnh báo La Nina. Nhiều khả năng La Nina sẽ xuất hiện trong giai đoạn từ tháng 9 -11 và kéo dài đến tháng 1-2022.

"Thời gian bắt đầu mùa lũ năm nay đã bị chậm, do thời gian qua toàn lưu vực đã ở trong tình trạng El Nino nhẹ và do sự tích nước của các đập thủy điện vào đầu mùa lũ. Trong tháng 9, khả năng cao là các đập đã tích đầy và sẽ xả nước để phát điện. Khi đó, nếu La Nina xuất hiện thì lượng mưa sẽ lớn, đỉnh lũ năm nay vào giữa đến cuối tháng 10 có thể từ mức hơn trung bình nhiều năm đến mức khá cao.

Nếu có La Nina trong mùa mưa năm nay thì sang mùa khô 2022, ĐBSCL sẽ không có rủi ro hạn - mặn. Do đó, đối với ĐBSCL, cần tiếp tục theo dõi tình hình La Nina có xuất hiện hay không vào tháng 9 tới" - ThS Nguyễn Hữu Thiện nhận định.

Theo Báo Người Lao động

  Ý kiến bạn đọc

Tin tức liên quan: